Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Triển lãm hàng không Trung Quốc bị dính tai tiếng ăn cắp công nghiệp


Triễn lãm hàng không Trung Quốc sẽ diễn ra ở thành phố ven biển Châu Hải (Zhuhai) kể từ ngày hôm nay, 06/11/2018 cho đến ngày Chủ nhật 11/11.

Cuộc triển lãm hai năm một lần này là dịp để Bắc Kinh phô trương tiến bộ công nghệ hàng không Trung Quốc trước thế giới. Thế nhưng năm nay, mây đen như đã kéo đến che phủ bầu trời hội chợ hàng không Châu Hải, với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang diễn ra gay gắt và việc Bắc Kinh bị tố cáo hoạt động gián điệp công nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng khiến các hãng hàng không thận trọng

Theo hãng tin Anh Reuters, với Triển Lãm Hàng Không Châu Hải, Bắc Kinh muốn chiêu dụ các lãnh đạo hàng không không gian, các khách hàng mua vũ khí đến từ 40 quốc gia. Nhưng giới phân tích nhìn thấy trước là năm nay sẽ khó mà có những thông báo long trọng hay những đàm phán mua bán lớn.

Trên các sân bãi, sẽ có đầy những loại máy bay như của hãng Airbus SA và Embraer, biểu tượng chính của cao vọng hàng không thương mại Trung Quốc, nhưng chiếc C919, máy bay đường trường mà tập đoàn chế tạo phi cơ dân dụng COMAC (Commercial Aircraft Corp of China) của Trung Quốc sản xuất, thì sẽ không được đưa ra vì như một viên chức cao cấp Trung Quốc đã giải thích, phi cơ này đang trong quá trình bay thử.

Không chỉ vắng bóng chiếc máy bay mới mà Trung Quốc tự sản xuất, mà phi cơ của các tập đoàn khác như Boeing cũng vậy. Tập đoàn chế tạo phi cơ Mỹ đã mở một xưởng lắp ráp hoàn chỉnh loại phi cơ 737 tại Trung Quốc, nhưng sẽ không đưa đến triển lãm bất kỳ máy bay nào, mà chỉ trưng bày máy bay mẫu ở gian hàng của mình mà thôi.

Tác động của hiệu quả kinh tế không mỹ mãn

Chuyên gia về hàng không Trung Quốc, ông Lí Hiểu Tân (Li Xiaojin), thừa nhận rằng Bắc Kinh không chờ đợi là Triển Lãm Hàng Không Châu Hải năm nay sẽ có nhiều người tham dự. Lý do: kinh tế Trung Quốc không có thành quả mỹ mãn cho nên các tập đoàn ngoại quốc, bình thường vẫn cử 10 người tham dự, thì năm chỉ cử 5 người.

Trung Quốc đã trở thành « trường săn » của các tập đoàn nước ngoài, đổ xô đến Trung Quốc tìm kiếm hợp đồng bán máy bay do việc các hãng hàng không Trung Quốc gia tăng đội máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng mạnh. Dự kiến Trung Quốc sẽ là thị trường hàng đầu, vượt cả Mỹ trong thập niên tới đây.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi do hai nguyên nhân : Một là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã yếu đi, xuống đến mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, và hai là quan hệ của Trung Quốc với các nước khác cũng đã bị thử thách do tham vọng của Bắc Kinh muốn phát triển các loại phi cơ do chính Trung Quốc chế tạo.

Hiện thời, các loại máy bay do Hoa Kỳ chế tạo vẫn chưa bị vướng vào vòng áp thuế của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết là họ vẫn đợi xem những tập đoàn Mỹ như Boeing, Honeywell và Gulfstream sẽ bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng ra sao. Đây là những tập đoàn đang chịu cạnh tranh rất mạnh ở Trung Quốc trước các đối thủ như Airbus hay các hãng chế tạo phi cơ khác.

Vào năm ngoái 2017, Hoa Kỳ đã xuất được 16,3 tỷ đô la máy bay dân sự sang Trung Quốc. Đây là loại mặt hàng có trị giá lớn nhất theo số liệu công bố của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang St Louis.

Marc Szepan, một chuyên gia về hàng không Trung Quốc ở Đại Học Oxford cho là có khả năng Trung Quốc sẽ mua Airbus trong tương lai hơn là Boeing. Một chọn lựa chiến lược. Và họ cũng sẽ đánh giá lại, chọn đối tác công nghiệp cho những chương trình máy bay tương lai, như chiếc CR929, có thể thiên về thiết bị, linh kiện châu Âu hơn là Mỹ.

Cho đến giờ này, Trung Quốc cố tránh không cho thấy là họ thiên hẳn về bên nào trong bối cảnh mà những cuộc đàm phán, thương lượng của các hãng của Trung Quốc để mua máy bay nước ngoài đang được giữ kín hoặc đã bị dời lại.

Cáo buộc gián điệp công nghiệp

Những cáo buộc liên tiếp gần đây của Washington nhắm vào Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp công nghệ hàng không của Mỹ cũng phủ bóng đen lên Triển Lãm Châu Hải

Theo ghi nhận của Reuters, tư pháp Mỹ mới đây lại tố cáo tình báo Trung Quốc tìm cách ăn cắp thông tin về một động cơ phản lực cánh quạt đẩy Mỹ- Pháp dùng cho máy bay thương mại dân sự. Phía Mỹ không cho biết đó là loại gì, nhưng theo hãng tin Anh, đó rõ ràng là là động cơ Safran-General Electric LEAP.

Mỹ không chỉ tố cáo mà còn truy tố những nghi can cụ thể. Trong một thông báo chính thức công bố hôm 30/10 vừa qua, bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã truy tố 10 người bị cho là điệp viên Trung Quốc tìm cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), để ăn cắp công nghệ liên quan đến loại động cơ phản lực cánh quạt do liên doanh Pháp-Mỹ này sản xuất.

Theo phía Mỹ, mục tiêu của hành vi trộm cắp đó là nhằm cung cấp dữ liệu thiết yếu cho các công ty Trung Quốc, để các hãng này có thể sản xuất một động cơ tương tự mà không phải bỏ tiền và thời gian nghiên cứu.

Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc bị tố cáo đích danh

Điểm đáng nói là trong số những người bị truy tố, có hai đặc vụ của Bộ An Ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô, một cơ chế được cho là tương đương với cơ quan CIA tại Mỹ. Bản khởi tố đã nêu rõ tên của hai nhân viên tình báo này là Tra Vinh (Zha Rong) và Sài Mạnh (Chai Meng).

Đây là lần thứ ba trong không đầy hai tháng, nhân viên tình báo của chính quyền Trung Quốc bị tư pháp Mỹ cáo buộc về tội đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ.

Thậm chí vào thượng tuần tháng 10, Hoa Kỳ đã dẫn độ được về Mỹ một nhân viên tình báo Trung Quốc tên là Từ Ngạn Quân (Xu Yan Jun), bị gài bẫy và bắt tại Bỉ vào tháng Tư. Sau khi bị dẫn độ qua Mỹ, điệp viên Trung Quốc này đã bị truy tố về âm mưu đánh cắp thiết kế kỹ thuật của một động cơ máy bay do hãng Mỹ General Electric Aviation chế tạo. Từ Ngạn Quân sẽ trở thành điệp viên Trung Quốc đầu tiên có quan hệ chính thức với một cơ quan chính quyền Trung Quốc bị xét xử trước một tòa án Mỹ.

Trước vụ Từ Ngạn Quân, vào cuối tháng 9, Mỹ cũng đã bắt một công dân Trung Quốc tên là Kỷ Siêu Quần (Ji Chao Qun) tại Chicago, bị cáo buộc là đã hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh, dưới sự chỉ đạo của quan chức tình báo thuộc Sở An Ninh Quốc Gia Giang Tô.

Đối với ông John Brown, lãnh đạo văn phòng FBI tại San Diego, « các mối đe dọa từ các hoạt động tin tặc do chính phủ Trung Quốc bảo trợ là có thật và diễn ra liên tục ». Còn ông Adam Braverman, công tố liên bang tại Nam California thì tố cáo đích danh bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã coi hàng không là ngành quan trọng trong kế hoạch mang tên Made in China 2025 nhằm biến Trung Quốc thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ hàng không của nước này đang tụt hậu, đi sau 20-30 năm so với các quốc gia khác. Để đuổi kịp Mỹ, đánh cắp công nghệ là một trong những biện pháp.

Nguồn: REUTERS, RFI/Mai Vân

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh