‘Quyền con người’: Việt Nam ‘biến cam kết thành hành động’ như thế nào?
Posted by Luu HoanPho, Nov 8, 2018, Comments Off
Vào nửa cuối tháng Mười năm 2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã thêm một lần nữa hứa hẹn về ‘quyền làm người’ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, sau vô số lần ‘cái gì cũng hứa’ và ‘cái gì cũng ký’ nhưng luôn làm ngược lại.
Sự kiện trên lại trùng với một sự kiện khác không kém gay cấn: Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp tập tổ chức một đoàn sang Đức để thương thuyết về vấn đề mà trên danh nghĩa là ‘phục hồi quan hệ chiến lược Việt – Đức’, nhưng thực chất là đàm phán về yêu cầu không suy xuyển của phía Đức là Việt Nam phải giao trả nguyên trạng Trịnh Xuân Thanh cho Đức, sau khi Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này, Đoàn Việt Nam đã tham gia cuộc họp Ủy ban 3 về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa Liên hợp quốc với đề mục thảo luận về “thúc đẩy và bảo đảm quyền con người”.
Báo đảng lập tức ra rả: “Cùng với việc tham gia tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nhằm biến các cam kết về quyền con người thành những hành động thực tế”, và “Đại diện Việt Nam nhấn mạnh luôn coi trọng hợp tác và đối thoại về nhân quyền trên bình diện song phương, khu vực cũng như quốc tế. Mọi cam kết quốc tế về nhân quyền đều được Việt Nam tuân thủ nghiêm, biến những cam kết quốc tế thành hành động thực tiễn để đảm bảo quyền con người”.
Cùng thời gian trên, trong cuộc họp báo ngày 15/10/2018 cùng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Áo, Thủ tướng Phúc đã ‘đọc bài’: ‘Việt Nam là một nước dân chủ’ khi báo chí quốc tế đề cập đến những vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam.
Nhưng đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ quá nhiều kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Chỉ một ngày sau khi Ủy ban châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu về EVFTA và được Thủ tướng Phúc hân hoan thông báo ‘tin mừng’ cho toàn bộ giới quan chức, một ‘tòa án nhân dân’ ở Việt Nam đã có câu trả lời cho EU khi xử phúc thẩm nhà hoạt động nhân quyền Lê Đình Lượng và y án với mức án 20 năm tù giam!
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trần trọng của chính quyền Việt Nam – như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
‘Biến cam kết thành hành động’ luôn là một khẩu hiệu được giới ngoại giao Việt Nam tuyên rao trên các diễn đàn quốc tế. Nhưng ở trong nước, công an Việt Nam đã chứng tỏ năng lực ghê gớm của nó khi biến tất cả những cam kết về nhân quyền quốc tế thành nhiều cái chết thực thể của người dân trong đồn công an, thành những trận đàn áp đã man người biểu tình…
Vào đầu năm 2019, Việt Nam sẽ phải một lần nữa trải qua cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, kể từ khi chế độ này được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối năm 2013. Khi đó, các thành viên của hội đồng này sẽ thêm một lần nữa chứng kiến chỉ có vài phần trăm khuyến nghị của họ nêu ra trước đây đối với Việt Nam được thực hiện, mà kết quả thực hiện rõ ràng và sốt sắng nhất về nhân quyền là… bình đẳng giới – một chủ đề vô thưởng vô phạt và chẳng hề làm ản hưởng đến quyền lực lẫn vai trò độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguồn: Thường Sơn @ VNTB
Hình trên: Đại sứ Đặng Đình Quý – Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc – chúi đầu đọc bài ‘Việt Nam biến cam kết thành hành động’