VN lần đầu tiên bị chất vấn ở LHQ về tình trạng ‘tra tấn’, chết trong đồn công an
Posted by Luu HoanPho, Nov 14, 2018, Comments Off
Hình trên: Phiên họp tại LHQ kiểm điểm về tình trạng thực thi Công ước chống tra tấn của Việt Nam ngày 14/11/2018.
Vụ tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn và một số trường hợp chết trong đồn công an; các cộng đồng tôn giáo, người thiểu số Hmong bị bắt bớ, tra tấn; và vụ một đạo diễn tố giác bị công an đánh đến chấn thương ở Cần Thơ gần đây là những trường hợp điển hình được nêu ra trong phiên chất vấn của Ủy ban chống tra tấn LHQ đối với Việt Nam trong phiên họp ngày 14/11, bắt đầu cuộc kiểm điểm về việc thực hiện Công ước chống tra tấn của quốc gia thành viên.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về tình trạng tra tấn đang xảy ra tràn lan ở đất nước Việt Nam”, TS. Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS, tổ chức đã giúp đưa nhiều trường hợp của Việt Nam trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, nói với VOA khi ông đang có mặt tại trụ sở của LHQ ở Geneva,.
Trong ngày đầu tiên của phiên điều trần kéo dài 2 ngày về trường hợp của Việt Nam, các thành viên Ủy ban Liên Hiệp Quốc đã đặt ra rất nhiều cầu hỏi cho phái đoàn từ Hà Nội, trong đó đặc biệt đề cập đến những cái chết trong đồn công an mà gia đình nạn nhân tin là bị tra tấn, trong khi phía nhà chức trách nói là do tự sát hoặc bệnh tật.
“Liệu có thể tiến hành điều tra độc lập hay không?”, một thành viên trong Ủy ban đặt câu hỏi với phái đoàn Việt Nam khi đề cập đến cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn. “Khi gia đình yêu cầu cơ quan chức năng trả lời, khi họ cố gắng tiếp cận để thu thập bằng chứng thì bị đe dọa, bị tịch thu điện thoại nên họ không làm gì được cả. Câu hỏi của tôi là [Việt Nam] có cơ chế mở nào để cho phép những người liên quan [gia đình] kiểm chứng vụ việc hay không?”, thành viên này nói thêm.
TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết nhiều trường hợp khác như bà Trần Thị Hồng bị công an tra tấn liên tục suốt 2 tháng vì cho rằng bà đã cung cấp thông tin cho quốc tế, hay những người thiểu số Tây Nguyên bị đàn áp, trong đó có trường hợp của ông Hoàng Văn Ngài được cho là bị công an đánh đến chết… cũng đã được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, trường hợp của Đạo diễn phim Đặng Quốc Việt tố cáo công an Cần Thơ bắt, tra tấn và ép cung ông hôm 9/11 cũng đã được nhắc đến.
“Có lẽ là một sự ngạc nhiên cho phái đoàn Việt Nam vì Ủy ban chống tra tấn đã nắm rất vững tình hình xảy ra tại Việt Nam”, TS. Thắng nói.
Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị kết án 10 năm tù với cáo trạng trong đó bao gồm tập tài liệu mà cô tập hợp các trường hợp công an đánh chết người, nói với VOA khi đang có mặt ở thủ đô Washington rằng cô “rất vui” và “hãnh diện” vì những đóng góp của mình trong việc đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng tra tấn ở Việt Nam.
“Tình trạng người dân chết trong đồn công an và Công ước chống tra tấn bắt đầu được quan tâm là một phần thưởng lớn lao hơn những phần thưởng vinh danh khác, bởi vì mình nhìn thấy thành quả làm việc của mình hiện hữu trước mắt và mình tin rằng những gì mình đang theo đuổi, đang làm sẽ có kết quả trong một tương lai không xa”.
Sau phần chất vấn của các thành viên Ủy ban LHQ, phái đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội trình bày và trả lời các câu hỏi này vào ngày hôm sau (15/11).
Tin cho hay Việt Nam đã cử một phái đoàn khoảng 30 người, đứng đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương-Thứ trưởng Bộ Công an, đến Geneva để tham gia điều trần.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã gửi một báo cáo trước đó cho Ủy ban.
“Trong bản báo cáo đầu tiên của Việt Nam không nhắc gì tới nhiều đến những sự việc đã xảy ra và cách giả quyết như thế nào, mà nhấn mạnh nhiều đến việc họ cải tổ luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế để đưa vào khung luật Việt Nam ra sao. Cái đó cũng là một điều mà chúng tôi nghĩ là đáng khuyến khích. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thực thi luật như thế nào”, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Việt Nam chính thức ký tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2013. Tại lễ ký, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định việc tham gia Công ước thể hiệm cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, đảm bảo ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người.
Nguồn: VOA Tiếng Việt