Có hay không việc 13 lãnh đạo báo Thanh Niên bị thôi chức vì không phải đảng viên Cộng sản?
Posted by Luu HoanPho, Nov 27, 2018, Comments Off
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin 13 lãnh đạo các ban của Báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng Sản.
Nhà văn Nguyễn Viện, Cựu Trưởng ban Văn Nghệ báo Thanh Niên tối ngày 24/11 xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin “13 lãnh đạo các ban của báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng sản” là đúng, nhưng ông cho rằng đây là “việc chẳng đặng đừng”. Ông Nguyễn Viện cho biết ông nhận được thông tin này từ những nguồn tin cẩn ở báo Thanh Niên.
Ngày 26/11, Đài Á Châu Tự Do gửi email tới tòa soạn báo Thanh Niên để hỏi về vụ việc nhưng không nhận được phản hồi.
Các tờ báo nhà nước không đưa dòng nào về vụ việc. Đài Á Châu Tự Do cũng không có nguồn độc lập để xác nhận.
“Thanh Niên có tiền sử chống chủ nghĩa lý lịch”
Ngày 23/11, thông tin từ tài khoản Facebook cá nhân của nhà báo Ngô Thị Kim Cúc từng làm ở tờ báo này cho hay có tổng cộng 13 người thâm niên ở tờ báo này bị xuống chức.
Cụ thể, có 2 Trưởng ban Văn Nghệ và Mạng xã hội là Thu Nga và Kim Trí bị cho thôi chức, các ban còn lại như Giáo dục, Thể Thao, Công tác bạn đọc, Phóng viên Báo Điện tử chức Phó bị “rớt”.
Các ban không quan trọng như Tài vụ hay Quảng cáo, chức vụ Phó ban cũng bị “sờ tới”; riêng Tòa soạn tiếng Anh thì có ông Thế Vinh, Thư ký tòa soạn.
Theo nhà văn Nguyễn Viện, cho đến tối 24/11 những người bị cho thôi chức chưa nhận được văn bản chính thức và xảy ra sự việc nhiều người nòng cốt của tờ báo không phải là đảng viên Cộng sản bắt nguồn từ việc chống chủ nghĩa lý lịch của Tổng Biên tập cũ Nguyễn Công Khế.
Riêng trường hợp báo Thanh Niên sở dĩ xảy ra sự việc như hôm nay là nó có tiền sử của nó, bởi vì trước kia ông Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, có lẽ ổng là người đầu tiên phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa lý lịch. – Nguyễn Viện
“Thông tin đó tất nhiên có lẽ trong tòa soạn thì ai cũng biết, cái lý do gì dẫn đến tình trạng trên thì tôi biết do quy định chung tất cả các Trưởng Phó ban nói riêng hay nói chung, những người tạm gọi là các quan chức trong chính quyền này đều phải là Đảng viên. Riêng trường hợp báo Thanh Niên sở dĩ xảy ra sự việc như hôm nay là nó có tiền sử của nó, bởi vì trước kia ông Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, có lẽ ổng là người đầu tiên phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa lý lịch. Bởi thế khi mà tuyển phóng viên vào Thanh niên hay đề bạt các chức vụ thì không bao giờ báo Thanh Niên đặt vấn đề có đảng viên hay không, hay là lý lịch gốc gác như thế nào mà chủ yếu xét trên năng lực. Và chính vì lý do đó mà nó có hiện tượng là cho đến hôm nay có mười mấy trưởng phó ban không phải là Đảng viên,” nhà văn Nguyễn Viện nói với RFA qua ứng dụng Skype.
Thanh Niên “bị thúc ép”
Hồi tháng 8/2017, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 89 có chữ ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong quyết định này thì về mặt chính trị tư tưởng, cán bộ quản lý, lãnh đạo phải “chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”.
Ngoài ra, cán bộ phải “đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân”, một quy định khác mà nhiều người nói tới là “có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
“Những gì mà tôi biết được thì báo Thanh Niên cũng bị thúc ép về vấn đề này, tất là phải làm theo quy định là Trưởng, Phó ban phải là Đảng viên. Mà đến giờ này mới phải thi hành thì tôi nghĩ lý do riêng của nó phải thuộc về tổ chức cơ quan, mà có lẽ mình nhìn cách tổng thể bên ngoài nhìn vào báo Thanh Niên thì hiện nay đây là lực lượng nòng cốt của tờ báo. Trong tình trạng hiện nay mà những người này bị cho thôi chức thì báo Thanh Niên rất khó khăn trong việc điều hành công việc. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay Thanh Niên mới phải thi hành việc này, có lẽ là việc chẳng đặng đừng,” nhà văn Nguyễn Viện nhận định.
Ông Viện cũng cho rằng, giải pháp tạm thời hiện nay là 13 người này vẫn sẽ xử lý các công việc như Trưởng, Phó ban bình thường, tuy nhiên sau này “nếu ai cảm thấy có thể vào Đảng được thì họ sẽ cứu xét và phục chức sau”.
“Còn như người nào cảm thấy mình không thích hợp để vào đảng thì họ vẫn giữ lập trường của họ và báo Thanh Niên sẽ kiếm người khác”, nhà văn từng có thâm niên 7 năm ở báo Thanh Niên chia sẻ.
Những lần bị phạt
Báo Thanh Niên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam ra đời vào năm 1986, khi đó gọi là Tuần Tin Thanh niên.
Tháng 7/2017, báo Thanh niên bị Bộ Thông tin & Truyền thông xử phạt 15 triệu đồng vì bị cho là thông tin sai sự thật trong bài “Doanh nghiệp tặng xe sang được tỉnh “xử nhẹ” sai phạm”.
Tháng 12/2016, Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Hoa (Đặng Việt Hoa) bị thu thẻ nhà báo vì đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Một lãnh đạo khác là ông Võ Văn Khối cũng bị thu thẻ nhà báo vì bị xử lý kỷ luật cách chức ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in báo Thanh niên tiếng Việt.
Trước đó vào tháng 10/2016, báo Thanh Niên cùng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố nhiều loại nước mắm của Việt Nam có nhiễm thạch tín gây xôn xao dư luận.
Báo này bị xử phạt 200 triệu trong vụ “mập mờ giữa Arsen hữu cơ và vô cơ”.
Tháng 9/2015, ông Đỗ Hùng – Phó Tổng thư ký toà soạn Báo điện tử Thanh niên bị miễn nhiệm chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo vì viết một bài trên Facebook kể về “cách mạng Việt Nam” với toàn dấu sắc mang tính chất trào phúng.
Cuối năm 2018, đồng sáng lập tờ báo và là Tổng Biên tập có thâm niên nhất Nguyễn Công Khế bị mất chức và điều chuyển sang “giữ ghế” Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim Thanh Niên.
Thanh Niên là một trong số hơn hàng trăm cơ quan báo chí được phép hoạt động ở Việt Nam. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam dù có các tổng biên tập riêng nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chung về nội dung của đảng.
Nguồn: RFA