Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy mãn hạn tù
Posted by Luu HoanPho, Nov 28, 2018, Comments Off
Hình trên: Nguyễn Hữu Quốc Duy (phải) và Nguyễn Hữu Thiên An tại phiên xử sơ thẩm vào ngày 23/8/2016 ở Khánh Hòa.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy vừa mãn hạn tù ba năm và trở về nhà ở Khánh Hòa hôm 27 tháng 11.
Bà Nguyễn Thị Nay, thân mẫu của Nguyễn Hữu Quốc Duy, loan tin trong cùng ngày; và cho biết con trai 33 tuổi rời khỏi Trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào sáng ngày 27/11.
Một thân hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Nay là Chị Nguyễn Lai, xác nhận tin Nguyễn Hữu Quốc Duy đã mãn án về nhà như sau:
“Hôm thứ hai tôi có gọi Chị Nay thì Chị ấy có báo là hôm qua thứ ba 27 tháng 11, thì em Nguyễn Hữu Quốc mãn hạn tù và được thả. Tôi mới nói là hèn chi an ninh nó canh nhà mình vì nó không muốn mình đi đón. Mà đi ra Đà Nẵng thì cũng cần thời gian di chuyển. Sáng nay Chị Nay có tiếp tục gọi điện cho Chị, nhưng tôi lại không bắt máy, vì ở ngoài đường không nghe chuông, chắc là Chị Nay báo Duy đã về.”
Nguyễn Hữu Quốc Duy cùng người em họ là Nguyễn Hữu Thiên An bị công an tỉnh Khánh Hoà bắt ngày 28/8/2015 vì xịt sơn các mẫu tự “ĐMCS” lên tường của một đồn công an, Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An được trả tự do sau đó 3 ngày.
Tuy nhiên, Duy và An bị công an bắt lại vào ngày 21/11/2015 và bị giam giữ để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Duy bị biệt giam 9 tháng, không được tiếp xúc gia đình và luật sư muốn chọn.
Phiên xử sơ thẩm vào ngày 23/8/2016 đã kết án Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999.
Ngoài việc xịt sơn lên tường một đồn công an như vừa nêu, Nguyễn Hữu Quốc Duy còn sử dụng mạng xã hội Facebook để bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân về tình hình đất nước, xã hội Việt Nam hiện nay.
Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, ngay sau phiên xử đã kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho Duy và bày tỏ sự quan tâm và lo ngại về việc nhà cầm quyền Việt Nam kết án Duy chỉ vì anh đã bày tỏ chính kiến của mình.
Nguồn: RFA