Freedom House: Đài Loan xếp hạng 26, Trung Quốc hạng 180/195 về Tự do
Posted by Luu HoanPho, Feb 6, 2019, Comments Off
Trong Báo cáo Tự do trên thế giới năm 2019 của Freedom House, Đài Loan được đánh giá là “tự do”, và xếp thứ 26 về Tự do trong số 195 quốc gia hay vùng lãnh thổ trong năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc xếp hạng thứ 180 và được coi là “không có tự do”.
Trong phúc trình về Tự Do trên Thế Giới 2019 mang tựa đề “Dân chủ Lùi Bước”của Freedom House, tổ chức theo dõi tình trạng tự do dân chủ trên thế giới nói rằng trong năm 2018 vừa qua, nền dân chủ toàn cầu đã bị xói mòn và suy yếu liên tiếp trong 13 năm.
“Xu hướng đảo ngược dân chủ đã lan tới nhiều quốc gia ở tất cả mọi khu vực, từ các nền dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ, cho đến các chế độ độc tài lâu đời như Trung Quốc và Nga,” báo cáo của Freedom House nhận xét.
“Những sự mất mát nói chung còn nông cạn so với những thành quả đã đạt được vào cuối thế kỷ 20, tuy nhiên
“…Mô hình cho thấy xu hướng dân chủ bị xói mòn một cách liên tục và rất đáng lo ngại. Nền dân chủ đang thoái lui”Freedom House
.”
Theo phúc trình của Freedom House, trong số 195 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được khảo sát, 86 nước/vùng lãnh thổ được đánh giá là “tự do”, 59 “tự do một phần” và 50 “không có tự do”.
Đài Loan đạt 93 điểm trên 100 về tự do, tương tự như năm trước đó-2017, đứng hạng hai ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản (96 điểm) và đứng trước các nền dân chủ phương Tây như Pháp (90 điểm), Ý (89 điểm) và Hoa Kỳ (86 điểm).
Đứng đầu đồng hạng về tự do là Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, cả ba đều đạt 100 điểm, tiếp theo là Hà Lan (99), Canada (99), New Zealand (98), Uruguay (98), Úc (98), Luxembourg (98), Ireland ( 97) và Đan Mạch (97).
Trung Quốc là một trong những nước có số điểm thấp nhất. Với chỉ có 11 điểm, nước này bị xếp hạng180, ngang hàng với Azerbaijan và Yemen.
Phúc trình của Freedom House trích dẫn mối quan ngại về việc cá nhân hóa quyền lực tại Trung Quốc, trong khi quyền lực tập trung trong tay lãnh tụ Đảng Cộng sản Tập Cận Bình, và những cố gắng của Bắc Kinh nhằm đẩy một triệu người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và nhiều người khác vào các trung tâm “cải tạo” tàn bạo, nơi những thông tin đã bắt đầu xuất hiện về những cảnh tra tấn hết sức dã man, và những cái chết trong khi bị giam giữ.”
Phúc trình của Freedom House còn cảnh báo về việc Trung Quốc xuất khẩu mô hình kiểm duyệt và giám sát internet.
Báo cáo này cảnh giác: “Khi mà mạng internet đóng vai trò của một cộng đồng toàn cầu trên không gian ảo, và giữa lúc chi phí cho các hệ thống giám sát tinh vi tiếp tục giảm, ý định và khả năng của Bắc Kinh trong việc truyền bá các mô hình toàn trị, có thể kiểm soát xã hội, đặt ra nguy cơ lớn đối với nền dân chủ trên toàn thế giới”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt