Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 24, 2024

Về quê ăn tết “không nói chuyện chính trị”


Nhiều từ liên quan đến chữ ăn chẳng còn mấy ý nghĩa nhưng vẫn được sử dụng đến bây giờ, có lẽ do người Việt ta đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém nên việc ăn là quan trọng nhất. Bây giờ nó không phải là ăn tết mà là đón xuân vì cái sự ăn không quan trọng nữa. “Ăn cưới” thực chất là đi dự đám cưới. Rồi có những việc chẳng liên quan đến ăn như ăn hỏi. Mang đồ sính lễ đến nhà gái, đặt cơi trầu nói chuyện để tác thành cho cặp uyên ương mới là mục đích chính. Nếu nhà gái mời ở lại dùng cơm thì ngồi uống với nhau chén rượu, chuyện trò thêm để hai bên thân thiện nhau hơn. Chỉ có “ăn cỗ đám ma” thì không gọi thế nữa. Chuyện ăn cỗ đám ma ngày xưa, người chết nằm đấy mà vẫn ăn uống như thường, bây giờ bỏ đoạn ăn uống, gọi là viếng đám tang. Còn ăn tết, ăn cưới, ăn hỏi… vẫn cứ nói như vậy. Thậm chí bây giờ, người ta uống là chủ yếu, uống đến độ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, gây án mạng nhưng chẳng ai gọi là uống tết, uống cưới hay uống hỏi.

Vì tít bài viết có chữ”ăn tết” nên xin tranh thủ tám mấy dòng cho vui chứ không có ý định bàn về ngôn ngữ.

Hồn quê

Sống với nhịp sống đô thị, mỗi dịp tết đến xuân sang, người người lại náo nức về quê, tìm ở đây cái tình nghĩa con người, tìm về cánh đồng lúa, lũy tre làng và cảnh mùa xuân, cảnh tết nhà quê. Về vào ngày phiên chợ, đi chơi chợ tết thật thú vị, gặp người quen, bạn cũ, ríu rít hỏi han, chúc tụng.

Thấy quê hương thân thương lắm. Điều này giải thích tại sao, những bài thơ, ca khúc ca ngợi xuân quê, tết quê thì nhiều mà gần như không có những sáng tác cùng chủ đề ấy về thành thị. Nếu có thì cũng không thể hay được.

Người ở các tỉnh, làm ăn, sinh sống ở các đô thị lớn, vẫn giữ trong hồn mình một góc quê. Nơi ấy có một thời thơ ấu nghèo khó thiếu thốn nhưng đầy ắp kỷ niệm.

Hình như chỉ có về quê, lòng người mới hóa thân thiện hơn, chứ còn ở thành thị, người quê đối với nhau cũng nhiều thủ đoạn lắm.

Hình minh hoạ. Dân làng mang kiệu pháo trong một lễ hội xuân ở làng Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh hôm 22/2/2015
Hình minh hoạ. Dân làng mang kiệu pháo trong một lễ hội xuân ở làng Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh hôm 22/2/2015 AFP

Làng quê bây giờ đang đô thị hóa. Nhà đã thêm tầng, nhưng tình cảm của người nhà quê vẫn còn giữ được nét mộc mạc, chân chất và đằm thắm.

Nhớ quê, không phải lúc nào cứ thích là về được. Ngoài những lúc có việc đột xuất, tôi thường về quê vào vào những dịp giỗ chạp hay tết đến. Đó là những dịp anh em, họ hàng, con cháu làm ăn ở xa gặp nhau đông đủ hơn cả. Sau khi nâng ly rượu tưởng nhớ người đã khuất hoặc ly rượu mừng xuân là những câu chuyện về những kỷ niệm, hỏi han nhau về gia đình hay công việc làm ăn.

Không nói chuyện chính trị?

Tết nay đã khác tết xưa, những tết thời bao cấp. Vật chất không phải là việc phải lo lắng đầu tiên mỗi khi tết đến hoặc khi nhà có khách. Tuy nhiên, ở đây đó, vẫn có những đứa trẻ thơ không có tết. Người về quê ăn tết đã có xe hơi riêng để đi, hoặc có tiền thuê xe, tuy xe khách hay xe máy vẫn còn là phương tiện phổ biến. Trước sự thay đổi ấy, người ta thường cho rằng nhờ ơn đảng, ơn bác mới có công cuộc đổi mới. Chẳng ai để ý rằng, việc đưa nông dân vào hợp tác xã, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã dẫn đến những năm đói kém kinh hoàng vào những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước là do ai gây nên. Họ cảm ơn đảng đã “cởi trói” mà không nghĩ đến ai đã “trói” họ. “Bây giờ được như thế này còn kêu gì nữa” là câu cửa miệng của nhiều đầu óc bảo thủ hoặc u mê. Họ không hề nhìn ra ngoài biên giới. Không nhìn sang Âu Mỹ đã đành, ngay cả cái ao làng Đông Nam Á hay ở ngay bán đảo Đông Dương họ cũng không cần biết. Họ cũng chỉ biết so sánh miếng ăn đã khác trước, chứ không nghĩ đến an sinh xã hội, nghĩ đến quyền con người. Họ không biết những hạn chế trong phát ngôn, hành động mà họ phải tuân thủ đã đành mà còn tự kiềm chế tư tưởng, không dám nghĩ khác những gì đảng nói.

Hình minh hoạ. Những người đàn ông mặc lễ phục truyền thống dự hội làng mùa xuân ở làng Triều Khúc, Hà Nội hôm 16/2/2016
Hình minh hoạ. Những người đàn ông mặc lễ phục truyền thống dự hội làng mùa xuân ở làng Triều Khúc, Hà Nội hôm 16/2/2016 AFP

Không dám nói khác, nghĩ khác, họ còn tự cho mình nhiệm vụ canh chừng tư tưởng của người khác. Vì là “của hiếm”, mỗi khi tôi xuất hiện ở quê, chẳng thiếu người nhìn tôi đầy cảnh giác. Tôi biết vậy nên chẳng có tham vọng “tuyên truyền” cho ai nhưng vẫn bị một vị có chức sắc nào đó trong họ phủ đầu: “Không nói chuyện chính trị”.

Một lần tôi ngồi nghe mấy ông anh nói chuyện về vụ án Đinh La Thăng, chuyện ông Trần Đại Quang vừa chết. Nói mãi không sao, đến khi tôi vừa mở miệng ra để cải chính một chi tiết sai, một ông gạt ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Có lần mọi người đang nói về một vụ tai nạn giao thông, công an làm sai lệch hồ sơ. Tôi vừa xen vào hỏi thì bị một chú em gay gắt chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện đang nói: “Anh không ra nước ngoài anh không biết đấy thôi, chứ Thái Lan nó đầy nhà ổ chuột ra đấy”. Tôi ngạc nhiên, chẳng lẽ chuyện Mỹ đưa người lên mặt trăng cũng không được nói vì tôi chưa lên mặt trăng bao giờ?

Chuyện tương tự còn nhiều nhưng hễ tôi xen vào là bị chẹn họng ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Từ đó, tôi đoán ra, khuôn khổ ấy chỉ đặt ra khi có mặt tôi. Tuy “không nói chuyện chính trị” nhưng anh vẫn nhìn bộ comple tôi đang mặc, mai mỉa: “Bộ này đi Mỹ đấy à? Hồi tôi vừa mới đi Mỹ về, một ông anh khác hỏi: “Bao giờ thì chú mua ô tô?”. Lại có cô em bảo, anh theo Mỹ thì thiếu gì tiền. Tôi nói toạc ra: “Ý cô là phải theo Trung Quốc? Theo Mỹ thì sao? Anh còn muốn cả đất nước này theo Mỹ, người Việt Nam cũng được như người Mỹ kia.

“Không nói chuyện chính trị”, câu chuyện chỉ ồn ào xung quanh công việc làm ăn của mỗi người, tự hào về dòng họ mình đông đúc, có bao nhiêu người thành đạt (tướng tá hoặc chức sắc trong hệ thống chính trị). Chẳng ai nêu ra dòng họ mình có cụ nào sống khí tiết để mà noi gương.

Trong các buổi họp mặt, thanh niên vẫn là đông nhất. Không phải cháu nào đầu óc cũng u tối nhưng trước các bậc trưởng lão, không đứa nào dám ho he trong khuôn khổ định sẵn: “không nói chuyện chính trị”. Có cháu bày tỏ sự cảm thông với tôi nhưng chỉ là câu chuyện riêng: “Việc chú làm là đúng nhưng cháu không theo được vì còn phải kiếm sống nuôi vợ con”. Có chú em họ thẳng thắn nhận tôi hèn. Có đứa chỉ dám thừa nhận chú can đảm nhưng không dám nói tôi đúng hay sai. Có đứa lại bảo việc chú làm là đúng nhưng chưa đến lúc. Tôi nói, nếu ai cũng chờ “đến lúc” thì ai tạo ra cái “đến lúc” ấy để mà nói, để mà hành động. Có ông anh lọc lõi, khuyên tôi không được, bảo, thôi, chú viết gì cứ viết, nói gì cứ nói nhưng làm thì để cho đứa khác. Có ông anh bảo khi nào biểu tình có tiền thì chú gọi tôi đi với nhé. Tôi hiểu, anh muốn nhắc tôi phải thực tế, đừng làm những việc vô bổ, không thiết thực cho bản thân, đi lo những việc đâu đâu.

Một lần JB Nguyễn Hữu Vinh đưa tôi về quê bằng xe của anh, cũng vào dịp tết. Lần sau tôi về, bà chị dâu bảo: “Lần trước, chú đưa cái thằng phản động nào đó về nhà, nó dám nói xấu đảng, nói xấu bác. Nhà tôi là “gia đình cơ bản”, toàn đảng viên, công chức nhà nước mà nó chẳng nể. Chẳng nhẽ ngày tết tôi lại đuổi”. Tôi nói, thứ nhất, bác của chị à, họ hàng như thế nào? Thứ hai là mấy đứa nhà chị, nó là đảng viên không có nghĩa nó là đảng. Mà nó là đảng thì đã sao, không dám động đến chăng? Vợ tôi xen vào, chị xem, đảng nhà chị đã làm được những gì? Rồi bả kê ra một loạt việc đảng đã làm, đảng viên phạm tội ra sao.

Chuyến về quê tiếp theo, Thanh Hà chở tôi về. Tôi trêu anh tôi: “Lần trước, chị bảo em đưa phản động về nên em không dám nhờ nó nữa. Còn đây là chú Hà, chưa có “tiền án tiền sự” (với nhà anh), anh yên tâm”.

Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra, ở Hà Nội hôm 1/5/2016
Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra, ở Hà Nội hôm 1/5/2016 AFP

Không nói chuyện chính trị nhằm che đậy hiện thực đen tối do chế độ này tạo nên. Nó cũng như Trung Quốc không muốn nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến 10 năm sau đó mà thôi. “Không nói chuyện chính trị” vì nói ra, làm sao họ tranh luận nổi, bênh nổi cái đảng của họ. Bây giờ, còn cái gì để khoe ngoài việc tụng kinh “cuộc sống bây giờ đã khá hơn trước”? Họ muốn bảo vệ đảng của họ vì đảng ấy đã cho họ cuộc sống dư dả hơn người khác, có danh tước, địa vị trong xã hội. Cho nên, “không nói chuyện chính trị” thực chất là bài lảng tránh. Mà nếu có tranh luận, họ cũng chỉ “phản biện” bằng cách “không có đổi mới, làm gì được như bây giờ?”, “chúng mày phản bội lại tao và bố”. Tôi có thằng cháu vợ, nó “phản biện” cô chú nó (tức là tôi và vợ tôi) rằng “hết thuốc chữa”. Chợt nhớ đến đám dư luận viên hay “phản biện” chúng tôi bằng những câu “đồ phản động”, “Không có đảng bác làm gì có chúng mày”, “đất nước đang ổn định, chúng mày cứ muốn đảo lộn lên”. Tôi phải đóng ngoặc kép hai chữ “phản biện” vì làm gì có lý lẽ để gọi là phản biện.

Không nói chuyện chính trị, sống ngoài chính trị hình như là một cái mốt của những người tự xem mình là thức thời. Như con đà điểu rúc đầu vào cát, họ cố né mọi vấn đề bức xúc của cuộc sống, không nhìn, không thấy, không nghe, không biết. Có lẽ, họ chỉ động đến chính trị khi chính bản thân họ bị tấn công, bị cướp nhà cửa, ruộng vườn hay bị oan khiên trong một vụ án nào đó. Khi đó, họ mới biết họ có sống ngoài chính trị được không. Họ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, họ sống ngoài chính trị tại sao họ lại phấn đấu vào đảng, bon chen để lên chức và vun vén cho bản thân và gia đình không bằng lao động của mình? Không nói chuyện chính trị, vậy ai đã tuyên truyền chính trị cho họ để bộ não của họ biến thành không thể gột rửa được. Trong khi, báo chí vẫn đề cập đến những tiêu cực về mọi mặt của đời sống xã hội thì có ai nhắc đến các chuyện tham nhũng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chủ quyền của Tổ quốc thì họ vội gạt đi: “Không nói chuyện chính trị”. Họ còn bảo hoàng hơn vua.

Nguồn: Blogger Nguyễn Tường Thụy @ RFA

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh