Bài học 17/2 trong bối cảnh hiện nay
Posted by Luu HoanPho, Feb 19, 2019, Comments Off
I.
Bài hát ‘Lời tạm biệt trước lúc lên đường’, phổ biến trong những năm tháng chống quân xâm lược Bắc Kinh, có một câu thật ám ảnh: ‘Dòng nước mắt, dù thiêng liêng, cũng không làm cho giặc kia lùi bước.’
Cũng tương tự vậy, nỗi uất hận của chúng ta với Đặng Tiểu Bình, kẻ hạ lệnh xâm lăng biên cương và thảm sát dân Việt năm 1979, dẫu có nghẹn ngào đẫm lệ ra sao cũng chẳng thể nào thay đổi thực tế là Trung Quốc hiện nay, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội đặt nền móng bởi họ Đặng, đang chiếm đóng cương thổ, cản đà thăng tiến quốc gia và phủ bóng bành trướng lên dân tộc chúng ta.
Nghĩa là, nếu muốn thoát khỏi thân phận tiểu quốc hạng hai mãi mãi bất an trong cái bóng của Đại Lục, thay vì chìm đắm trong uất hận, tất cả tâm sức của chúng ta, trong tư cách quốc dân, phải dành để trả lời câu hỏi làm sao có thể hiện đại hoá quốc gia nhanh nhất có thể và trở nên hùng mạnh nhất có thể, trước là để thoát hoạ bành trướng, sau là giúp dân tộc có cơ ngẩng mặt lên.
Chính ngay ở đây, bỏ qua những tự ái dân tộc, nhìn vào sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc bốn thập kỷ sau khi xâm lược Việt Nam, có một bài học mà chúng ta nhất định không thể bỏ qua.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ chẳng thể nào có được vị trí siêu cường thứ 2 thế giới ngày hôm nay nếu như chương trình ‘bốn hiện đại hóa’ của họ cách đây 40 năm không được hỗ trợ bởi siêu cường số 1 thế giới là Hoa Kỳ. Đến lượt mình, Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ hỗ trợ Trung Quốc ở mức độ như họ đã làm nếu Trung Quốc không tỏ rõ là họ chọn phe Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô. Và quan trọng bậc nhất, Trung Quốc đã làm gì để chứng minh họ dứt khoát đứng cùng phe với Hoa Kỳ? – Đánh Việt Nam.
Trung Quốc đã mua tình đồng minh với Hoa Kỳ nhằm hiện đại hóa và phát triển quốc gia của họ bằng máu của người Việt Nam.
II.
Thế bài học ở đây là gì?
Không phải là tự lực tự cường. Dù nghe rất hấp dẫn, song ở vào địa vị một nước chậm tiến như Việt Nam hiện nay, tự lực tự cường mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ để phát triển vượt bậc quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và cả Trung Quốc đã từng. Cách đây 40 năm, với một quy mô dân số và diện tích vượt trội hơn hẳn mà Trung Quốc, ở giai đoạn đầu phát triển, còn phải tìm cho mình đồng minh hỗ trợ, thì Việt Nam hiện nay nếu chỉ tự lực tự cường liệu có ảo tưởng không?
Vậy thì bằng mọi giá phải có mối quan hệ ở cấp đồng minh (chính thức hoặc phi chính thức) để có thể hợp tác toàn diện với siêu cường số một thế giới. Siêu cường này trong tương lai xa là ai thì chưa biết nhưng hiện tại và trong vài chục năm tới vẫn là Hoa Kỳ, vậy thì đối tác số một hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hóa quốc gia của chúng ta trước mắt phải là Hoa Kỳ, và dĩ nhiên là toàn bộ khối Tây phương theo sau, bao gồm cả Nhật Bản. Việt Nam phải tận dụng sự hợp tác sâu rộng toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, quân sự, chính trị, để nhanh nhất có thể phát triển vượt bậc quốc gia, đủ sức tự đứng vững, tự định đoạt số phận của mình.
Không ít người ngay lập tức sẽ tỏ ý quan ngại, viện dẫn việc Hoa Kỳ từng bỏ mặc đồng minh Việt Nam Cộng Hòa khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974. Không phủ nhận đó là cách các nước lớn hay xử sự, nhưng thất vọng bởi điều đó chỉ chứng tỏ chúng ta vẫn ngây thơ về sự tử tế của các nước lớn trong khi châm ngôn ưa thích của họ vẫn luôn là ‘không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn’.
Lưu ý rằng lúc bấy giờ (1974) Trung Quốc đang ra sức ve vãn Hoa Kỳ cùng chống Liên Xô – thành trì của toàn bộ hệ thống XHCN. So với Việt Nam Cộng Hòa vốn trong mắt Hoa Kỳ chỉ là một pháo đài ngăn chặn làn sóng đỏ ở Đông Nam Á, lời mời gọi của Trung Quốc dĩ nhiên là hấp dẫn hơn nhiều, nên đâu có gì khó hiểu khi họ bán đứng VNCH. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có một lý do khả dĩ nào cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể bắt tay với nhau, nếu không muốn nói là trái lại, đã bắt đầu một cuộc so găng chiến lược giữa hai siêu cường nhằm tranh đoạt địa vị số một thế giới. Mọi lo ngại rằng Hoa Kỳ một lúc nào đó sẽ thông đồng với Trung Quốc bán đứng Việt Nam như cách họ từng làm với Việt Nam Cộng Hòa đều chưa có cơ sở, ít nhất là trong nhiều năm tới.
III.
Một khi lo ngại trên được giải tỏa, quyết định chọn phe cũng đã rõ ràng, điều những người lãnh đạo Việt Nam cần làm là chứng minh với Hoa Kỳ sự dứt khoát trong quyết định của mình, dĩ nhiên không phải bằng máu của bất kỳ dân tộc nào như họ Đặng từng làm, nhưng mức độ thì phải không hề thua kém. Những việc có thể làm ngay:
(1) Luôn giữ thái độ cứng rắn nhất có thể với vấn đề biển đảo, hoan nghênh sự can dự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phương Tây.
(2) Ngưng việc gửi các cán bộ, sĩ quan trung-cao cấp sang Trung Quốc đào tạo.
(3) Chấm dứt ngay tuyên truyền chống Mỹ một cách hệ thống trong nhà trường, truyền thông nhà nước, lực lượng vũ trang.
(4) Tìm lý do kĩ thuật ngăn cản Huawei trúng thầu mạng 5G nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ.
(5) Xúc tiến đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và nhượng bộ nhân quyền để EU sớm phê chuẩn EVFTA.
Tất cả những việc này đều có thể thực hiện được ngay với thể chế hiện hành. Nên nhớ là Trung Quốc, lúc kình chống Liên Xô để tìm cơ hội hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, vẫn là một nước cộng sản. Bởi vậy, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam không thể lấy lý do ý thức hệ hay thể chế chính trị để trì hoãn thêm nữa.
Những hoạt động khác, thuộc về đối ngoại với nhiều cấp độ khác nhau, liên quan đến Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Cambodia -những điểm nhạy cảm chính trị của Trung Quốc, nếu có thể giúp thể hiện lập trường chọn phe của Việt Nam cũng không nên loại trừ. Dĩ nhiên những hành động này thuộc thẩm quyền của các cơ quan tình báo và ngoại giao.
Tóm lại, bài học trả bằng máu ở đây là mặc dù các siêu cường đều không đáng tin, song trớ trêu thay cũng chỉ có họ, trong khi xung đột với siêu cường khác, mới bỏ công sức giúp đỡ đồng minh nhược tiểu một cách toàn diện (và cũng chỉ vì lợi ích chiến lược của họ). Bởi vậy nhân lúc các siêu cường đụng độ, nước nhỏ phải chọn đúng phe là siêu cường mạnh nhất và tranh thủ sự hợp tác toàn diện với họ để hiện đại hóa quốc gia nhanh nhất có thể, trở nên hùng mạnh nhất có thể để dẫu thời thế thay đổi thì vẫn còn có thể phần nào đó tự định đoạt số phận của mình, thay vì mãi nhược tiểu để rồi các siêu cường cứ thế đổi chác trên lưng.
Nhìn lại những gì đã xảy ra cách đây 40 năm trên biên giới phía Bắc, chợt rùng mình khi nghĩ đến những di họa sẽ đến với dân tộc một khi thế hệ chúng ta bỏ lỡ cơ hội phát triển vượt bậc quốc gia, bỏ lỡ cơ hội lần đầu tiên trong lịch sử vượt thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.
Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn @ RFA
Hình trên: Lính Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam bắt giữ tại chiến trường Cao Bằng hôm 26/2/1979.