Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 24, 2024

Khi cánh cửa khai dân trí ‘bị khép lại’


Một thông báo được ký vào ngày 20 tháng 2 năm 2019, do bà Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh ký, xác nhận việc “chấm dứt mọi hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh”, mặc dù trong bản thông báo bà cũng nhấn mạnh rằng, 11 năm hoạt động của Quỹ đã trung thành với sứ mệnh góp phần phục hung, du nhập, khưởi phát, giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.

Thông báo này được một vài Facebooker đăng tải trên trang cá nhân, nhưng không nhận được quá nhiều sự chú ý.

Facebooker Dao Tuan Anh bày tỏ về sự kiện: Khổ thế chứ, nước mình nó làm sao ấy nhỉ, cứ cái gì tử tế, đứng đắn chuyên nghiệp, thì bị đình bản, đóng cửa. Hỏi biết đến bao giờ mới khá lên được đây.
Lý do nào khiến Quỹ bị ngừng hoạt động?. Trong thông báo dẫn “điều kiện khách quan”, nghĩa là những người trong Quỹ vẫn tâm huyết với “hung dân trí, chấn dân khí”, nhưng không nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài.

Quỹ Phan Châu Trinh, ở góc độ nào đó tôn trọng quyền tự do học thuật và tổ chức này bị “đánh” nhiều lần bởi các trang báo Nhà nước. Vào tháng 6 năm 2017, Tuần báo Văn nghệ Tp. HCM – một trang tuần báo bị giới văn nghệ sĩ đánh giá là “hồng hơn chuyên” đã đăng tải một bài viết đả kích kịch liệt Quỹ Phan Châu Trinh, coi đây là “một trò về buôn bán tên tuổi nhà yêu nước”, và chỉ thẳng ra rằng, công cuộc khai trí thực chất là “thúc đẩy đi theo mô hình dân chủ phương Tây” và “hợp lý hóa ngân sách để nuôi một đội ngũ trí thức chống đối chính quyền”.

Những người đứng trong vai trò quản trị Quỹ Phan Châu Trinh, hay thậm chí những người nhận được giải thưởng này hầu như chính quyền Hà Nội đều ít nhiều thiếu sự thiện cảm, vì sự phê bình của họ đối với các chính sách – chủ trương của ĐCSVN, và thứ hai là họ cổ vũ – khuyến khích các giá trị nhân quyền, dân chủ Tây phương, trong đó đề cao sự tự do học thuật. Ở góc độ nào đó, họ có phần hao giống những gì mà nhóm Nhân văn – Giai phẩm thực hiện ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ vào thập niên 50 – 60.

Sự kiện chấm dứt hoạt động của Quỹ khiến không ít người liên đới đến việc kỷ luật GS Chu Hảo cũng như NXB Tri Thức trước đây, hay quan điểm “không để muốn nói gì thì nói” của TBT – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Trong một bài dịch thuật gần đây được đăng tải trên Việt Nam Thời Báo, có nội dung phản ánh một tư duy quản trị của người đứng đầu ĐCSVN và Nhà nước Việt Nam hiện nay – ông Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng tập trung quyền lực để tìm cách giải quyết bài toán tham nhũng trong Đảng, nhưng đồng thời ông cũng tìm cách siết chặt cái gọi là “tự do, nhân quyền, dân chủ”. Trong mắt ông Trọng, cả hai yếu tố (tham nhũng và nhân quyền) đều là những yếu tố “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, và gây ra sự thách thức với khả năng trường tồn trong lãnh đạo của ĐCSVN. Việc Quỹ chấm dứt hoạt động vì điều kiện khách quan có thể đến từ sức ép trong Đảng đối với những thành phần mà Đảng cho rằng là “bất hảo”, và xu hướng này có thể được ủng hộ và bảo trợ bởi tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng.

Trở lại với vấn đề, văn hóa Việt Nam hiện nay đang trở thành một nồi thập cẩm, và trong nồi đó – nó có những thứ lố lăng, bệnh hoạn, lệch pha. Và một đất nước mà nền văn hóa lạc hậu, lố lăng thì là một đất nước kém phát triển, cũng như một đất nước mà nền văn hóa bị chuyên chính, thì nền văn hóa đó là nền văn hóa máu lạnh. Đáng tiếc, nền văn hóa Việt Nam đang bị bỏ rơi, và phương diện duy nhất làm tốt là đánh đồng văn hóa với chính trị và ngược lại.

Chính trị gia lâu đời của Mỹ Jim Leach khái quát nền văn hóa hòa nhập nhưng không hòa tan của nước này bằng quan điểm: Văn hóa của chúng ta định hình bởi nghệ thuật và khoa học nhân văn hơn là bởi chính trị. Cả hai yếu tố định hình văn hóa đó của nước Mỹ ở Việt Nam đều không có. Nền văn hóa Việt Nam trở thành một nền văn hóa thừa lai căng, nhưng lại thiếu tính sáng tạo và nhân văn là vì vậy.
Quỹ Phan Châu Trinh ra đời, cũng chỉ là tìm cách “cứu rỗi” cái nền văn hóa bệ rạc và mất đi tính người này. Và 11 năm trôi qua, nó đã cố gắng mở được cánh cửa giáo điều, chuyên chế,… để văn hóa thực sự trở về với đúng nghĩa của nó. Nhưng chừng đó là chưa đủ, 11 năm quá nhỏ bé so với chu trình 100 năm cho sự cải tạo một nền văn hóa trở lại. Thế nhưng, cánh cửa khai dân trí, giải phóng dân trí này đã tiếp tục bị “khép lại”, và chu trình 100 năm bạo lực của thời Phan Châu Trinh tiếp tục được tái hiện vào thời điểm năm 2019.

Sự kiện chấm dứt hoạt động là một tin buồn của không ít người, và là điểm dừng cho cả một sự thúc đẩy văn hóa quốc gia – dân tộc của giới văn nghệ sĩ có tâm.

Nguồn: Hoa Nghi @ VNTB

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh