Hoa Kỳ và Việt Nam ký các thỏa thuận thương mại hàng tỷ đô la, không đề cập vấn đề nhân quyền
Posted by Luu HoanPho, Feb 27, 2019, Comments Off
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội hôm 27/2/2019.
Các công ty của Hoa Kỳ và Việt Nam vừa ký một loạt các thỏa thuận mua bán trị giá lên đến hơn 21 tỷ đô la nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phủ Chủ tịch vào sáng ngày hôm nay, 27/2/2019. Vấn đề nhân quyền đã không được đề cập trong cuộc gặp cấp cao này.
Các thỏa thuận mới được ký kết giữa các công ty hai bên bao gồm hãng hàng không Vietjet của Việt Nam mua 100 chiếc máy bay 737 – Max của hãng Boeing trị giá 12.7 tỷ đô la và 215 động cơ của hãng GE/CFM; Vietjet cũng ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ đô la với General Electric để hãng này cung cấp dịch vụ bảo hành cho 200 chiếc máy bay Boeing 737 Max; Vietnam airlines sẽ mua dịch vụ của tập đoàn công nghệ Sabre – nhà cung ứng giải pháp công nghệ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực hàng không, khách sạn và du lịch; hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam cũng sẽ mua 10 chiếc Boeing 787-9. Theo ước tính của Nhà Trắng, những hợp đồng này sẽ tạo ra hơn 83.000 công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Sau lễ ký tại phủ Chủ tịch, Tổng thống Donald Trump đã đến nhà khách chính phủ để gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Phúc ca ngợi Tổng thống Donald Trump về những thành công về kinh tế của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump cũng ca ngợi phát triển kinh tế của Việt Nam và nói rằng Việt Nam có thể là một mô hình kinh tế cho Bắc Hàn. Ông cũng nói đến các thỏa thuận thương mại hai bên vừa ký kết và không quên nói rằng Hoa Kỳ có những thiết bị quân sự tốt nhất thế giới.
Có thể thấy trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam, vấn đề thương mại đã được đặt lên hàng đầu. Trong cả hai cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Trump đã không quên nhắc đến thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước. “Chúng tôi đánh giá cao việc các bạn đang giảm thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ”, Tổng thống Trump nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 là hơn 54 tỷ đô la, trong đó phía Mỹ đã nhập siêu hơn 36 tỷ đô la.
Tuy nhiên vấn đề nhân quyền đã không hề được đả động đến trong cả hai cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Việt Nam.
Trước đó, vào hôm 19/2, 3 dân biểu Hoa Kỳ là Zoe Lofgren, Chris Smith và Alan Lowenthal đã cùng ký một bức thư đề nghị Tổng thống Donald Trump phải nêu vấn đề nhân quyền với phía Việt Nam trong chuyến thăm lần này.
Các dân biểu Mỹ đã nêu quan ngại về con số những tù nhân lương tâm ở Việt Nam, dẫn số liệu được tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra hồi năm ngoái, theo đó có gần 100 người bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị bỏ tù vì giám chỉ trích chính quyền.
Các dân biểu Mỹ cũng đề cập đến trường hợp của công dân Mỹ Michael Phuong Minh Nguyen người đã bị chính quyền Việt Nam giam giữ từ tháng 7 năm ngoái để điều tra về cáo buộc có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Bà Helen Nguyen, vợ ông Michael Phương Minh Nguyễn trong một lần trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự do nhân chuyến đến Washington DC để nghe Thông điệp Liên bang của Tổng thống hồi đầu tháng 2, đã bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ nêu lên trường hợp của chồng bà đối với lãnh đạo Việt Nam.
Vào lúc 6 giờ 30 ngày 27/2, Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và dự bữa ăn chung ở khách sạn Metropole.
Nguồn: RFA