Hoa Vi kiện Mỹ: “Con kiến đi kiện củ khoai” ?
Posted by Luu HoanPho, Mar 11, 2019, Comments Off
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Hoa Vi ngày 07/03/2019 đã mở thêm một mặt trận mới trong cuộc chiến chống chính phủ Hoa Kỳ khi đệ đơn kiện luật cấm các cơ quan liên bang sử dụng sản phẩm của tập doàn Trung Quốc. Theo nhiều nhà quan sát, khả năng Hoa Vi thắng kiện rất ít. Trong một bản tin ngày 07/03 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã điểm qua các biện pháp của chính quyền Mỹ đối với Hoa Vi, bản chất của vụ kiện do tập đoàn Trung Quốc khởi động và lý do tại sao Hoa Vi có thể sẽ thất bại.
Theo Reuters, các chuyên gia pháp lý cho rằng tập đoàn Hoa Vi có nguy cơ thua kiện, do các tòa án Mỹ thường có xu hướng tránh phán xét các quyết định của Quốc Hội trong những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trong số này có lệnh cấm được ban hành vào tháng 8/2018 trong khuôn khổ một đạo luật về ngân sách quốc phòng.
Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng dù biết trước về khả năng thua kiện, nhưng Hoa Vi có thể ghi được điểm về mặt tuyên truyền chống chính quyền Mỹ.
Tại sao Hoa Vi lại bất hòa với chính phủ Hoa Kỳ ?
Tập đoàn Hoa Vi, trụ sở tại Thâm Quyến (miền nam Trung Quốc), là nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là đối thủ cạnh tranh sừng sỏ với hãng Apple của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc trong lãnh vực điện thoại thông minh.
Ngoài đạo luật bị kiện có nội dung cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị Hoa Vi, Washington cũng đang xem xét khả năng cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông Hoa Vi trong việc xây dựng mạng di động 5G, và đang thúc giục các đồng minh của Mỹ có biện pháp cấm tương tự.
Washington cũng đã cáo buộc Hoa Vi ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu, cũng là con gái của ông Nhậm Chánh Phi, đã bị bắt vào tháng 12 tại Canada theo yêu cầu của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu là người đã dàn dựng các vi phạm cấm vận.
Hoa Vi đã bác bỏ những lời tố cáo của Mỹ, cho rằng các hành động đó có động cơ chính trị, được đưa ra vào lúc chính quyền Trump đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại tối quan trọng với Bắc Kinh.
Đơn kiện của Hoa Vi bao gồm những gì ?
Lập luận chính của Hoa Vi là lệnh cấm các sản phẩm của họ là một loại « bill of attainder », tức là một đạo luật do Quốc Hội ban hành, buộc tội và trừng phạt một cá nhân hay một tập thể mà không cần xét xử trước tòa. Loại luật tước quyền này bị Hiến Pháp Mỹ đặc biệt nghiêm cấm.
Hãng tin Anh nhắc lại rằng một trong những vụ kiện nổi tiếng nhất có liên quan đến một đao luật thuộc diện « bill of attainder » là phán quyết nhất trí năm 1946 của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ, hủy bỏ một đạo luật bị xem là vi hiến của Quốc Hội nhằm tước bỏ lương bổng của ba công chức bị cho là đã có hành động ủng hộ các « hoạt động nổi loạn ».
Gần đây hơn, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết về một đạo luật của tiểu bang North Carolina giới hạn các khoản tài trợ cho tổ chức chăm sóc y tế phụ nữ, Planned Parenthood, xem đấy là một đạo luật thuộc diện bill of attainder vi hiến, vì đã được thông qua đặc biệt để trừng phạt tổ chức Planned Parenthood.
Hoa Vi cũng cho rằng quyền được xét xử công bằng chính đáng của họ bị vi phạm, lập luận rằng Quốc Hội Mỹ đã vi phạm nguyên tắc phân quyền được Hiến Pháp quy định, khi thực thi quyền lực dành riêng cho hệ thống tư pháp.
Hoa Vi có khả năng thắng kiện hay không?
Hầu hết các chuyên gia pháp lý của Hoa Kỳ đều cho rằng Hoa Vi khó có khả năng thắng kiện, vì trong trường hợp đó, các tòa án Mỹ sẽ phải phán quyết rằng Quốc Hội Hoa Kỳ hoàn toàn không có bất kỳ một cơ sở chính đáng nào khi lồng lệnh cấm Hoa Vi vào trong đạo luật của mình.
Theo Reuters, nhìn chung, các tòa án Mỹ rất ngần ngại trong việc phê phán các quyết định về an ninh quốc gia của Quốc Hội và hành pháp, được xem là có tư cách tốt hơn để đưa ra các quyết định như vậy.
Một số chuyên gia pháp lý đã nêu bật phán quyết vào tháng 11/2018 của một tòa kháng án liên bang, bác bỏ một đơn kiện tương tự của công ty an ninh mạng Nga, Kasperky Lab, mà phần mềm chống vi rút tin học đã bị cấm sử dụng trên hệ thống mạng của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2017.
Trong vụ kiện đó, tòa án nói rằng đã có những « bằng chứng rộng rãi » chứng thực những mối quan ngại về an ninh quốc gia mà Kaspersky đặt ra, và cần phải cung cấp cho Quốc Hội quyền hành động « rộng rãi » để bảo vệ an ninh quốc gia.
Tòa án Texas xét xử đơn kiện của Hoa Vi sẽ không bị phán quyết kể trên ràng buộc, nhưng chắc chắn sẽ xem xét kỹ lưỡng những lý lẽ nêu lên trong bản án đó do những điểm tương đồng trong hai vụ kiện.
Tại sao Hoa Vi lại kiện dù biết khó thắng ?
Theo Reuters, có thể là Hoa Vi đã cho rằng những lợi ích tiềm tàng về mặt chinh phục dư luận xứng đáng với việc khởi động một cuộc chiến pháp lý, bất kể kết quả ra sao. Trong hai tháng vừa qua, tập đoàn Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch tấn công về mặt giao tế.
Nếu đơn kiện của họ được chấp nhận, Hoa Vi sẽ được phép yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cung cấp thông tin. Ngoài các tài liệu, tập đoàn Trung Quốc cũng có thể yêu cầu các quan chức Mỹ điều trần.
Những loại tài liệu đó có thể cung cấp cho Hoa Vi bằng chứng hỗ trợ cho lập luận của họ, theo đó Washington cấm đoán Hoa Vi vì động cơ chính trị, chứ không phải là vì quan ngại về an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh, các chuyên gia pháp lý cho biết là Hoa Vi sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để cho đơn kiện của họ được chấp nhận thụ lý. Đơn kiện của công ty Nga Kaspersky đã bị bác ngay từ đầu.
Trong trường hợp Hoa Vi, bản chất tập trung của chính phủ Trung Quốc, với mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền với ngành công nghiệp, cộng thêm với nhiều vụ tin tặc Trung Quốc hoành hành đã được điều tra kỹ lưỡng, sẽ góp phần chứng minh rằng luật pháp Hoa Kỳ có cơ sở hợp lý khi cấm Hoa Vi.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng một vụ kiện liên quan đến một công ty năng lượng gió, thuộc sở hữu của công dân Trung Quốc, có thể mang đến cho Hoa Vi một hy vọng mong manh nào đó.
Tập đoàn Ralls Corp đã đệ đơn kiện sau khi chính quyền Obama vào năm 2012 quyết định cấm không cho tập đoàn này xây dựng các tuabin gió gần một khu quân sự ở bang Oregon vì lý do an ninh. Một tòa án liên bang phán quyết rằng chính phủ Mỹ đã vi phạm quyền được xét xử công bằng của tập đoàn Ralls, khi không cho tập đoàn này cơ hội bác bỏ các bằng chứng chính phủ Mỹ dựa vào để đưa ra quyết định.
Vụ việc đã được giải quyết vào năm 2015 trong một cuộc dàn xếp bí mật, sau đó tập đoàn Ralls đã bán đi các trang trại năng lượng gió của họ.
Nguồn: REUTERS, RFI/Mai Vân