Chấn hưng Phật Giáo ( Kỳ 1)
Posted by Luu HoanPho, Mar 26, 2019, Comments Off
Những ngày này, nhiều tiếng nói trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh!
Kỳ 1: Phật Giáo Việt Nam đã bị những người cộng sản lợi dụng lòng yêu nước
Có một thực tế là nhiều quan chức đảng viên cộng sản Việt Nam đến viếng chùa, lễ Phật, nhưng gần như không thấy họ hiện diện ở các thánh đường Công giáo. Phải chăng những tai tiếng trong thời gian dài vừa qua về cái gọi là ‘sư quốc doanh’, cũng đến từ chuyện những người cộng sản bắt buộc các tăng, ni, Phật tử của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam phải đi theo con đường gọi là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”?
Phong trào chấn hưng Phật Giáo từng được khởi xướng tại Sài Gòn
Tư liệu cho biết, dưới chế độ bảo hộ của Pháp, các tổ chức Phật giáo chỉ mang danh nghĩa là các Hội đoàn. Các tổ chức đầu tiên lần lượt xuất hiện, bắt đầu từ miền Nam, ra miền Trung rồi miền Bắc.
Năm 1930, tại Sài Gòn, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, trụ sở tại chùa Linh Sơn, Hội trưởng là Thiền sư Từ Phong. Hội xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do thiền sư Khánh Hòa chủ nhiệm, số đầu tiên ra mắt vào ngày 1 tháng 3 năm 1932.
Năm 1932, tại Huế, Hội An Nam Phật học được thành lập, do cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng, Thiền sư Giác Tiên làm Chứng minh Đạo sư, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm. Hội xuất bản tạp chí Viên Âm, ra số đầu tiên ngày 1 tháng 12 năm 1933.
Năm 1934, tại Hà Nội, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, tôn Thiền sư Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ. Hội xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935.
Phong trào chấn hưng có thể nói được khởi xướng từ Thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam, thiền sư Phước Huệ tại miền Trung, và thiền sư Thanh Hanh tại miền Bắc. Ba vị được tôn là Tổ của phong trào.
Tiếp đó đã xuất hiện thêm một số hội như Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh; Hội Phật học Kiêm Tế tại Rạch Giá, ra tạp chí Tiến hóa; Hội Tịnh độ Cư sĩ tại Chợ Lớn của giới cư sĩ, ra tạp chí Pháp Âm; Hội Thiên Thai Thiền Giáo tông Liên hữu do Thiền sư Huệ Đăng sáng lập năm 1934 tại Bà Rịa; Hội Phật giáo Tương tế do trụ trì chùa Thiên Phước là Lê Phước Chi thành lập ở Sóc Trăng. Tại miền Bắc có hội Bắc Kỳ Phật giáo Cổ Sơn môn.
Một số tạp chí được xuất bản như Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng chuông sớm, Duy tâm, Tiến hóa. Một nhà xuất bản là Phật học Tùng thư do ông Đoàn Trung Còn thành lập năm 1932. Giai đoạn này nhiều kinh sách đã được xuất bản như sách Phật giáo Sơ học, Phật giáo vấn đáp, Phật giáo Giáo khoa thư, và những kinh bản bằng quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm.
Các tổ chức đầu tiên đã quy tụ được rất nhiều bậc cao tăng và nhân sĩ như Trần Trọng Kim, Thiều Chửu, Bùi Kỷ. Lễ Phật đản tại Huế năm 1935 đã mời được vua Bảo Đại và Thái hậu làm Hội chủ danh dự. Các trường giảng dạy Phật học được tổ chức ở khắp ba miền, tập trung tại các chùa lớn, đào tạo nhiều tăng ni sinh.
Phật Giáo tham gia chính trị
Phật Giáo ở Việt Nam được ghi nhận là trực tiếp tham gia vào các tổ chức chính trị. Các tổ chức này được những người cộng sản vận động thành lập với cái tên chung là Ủy ban Phật giáo Cứu quốc, giai đoạn 1945 – 1954.
Không rõ thực hư, song như tài liệu của Ủy ban Phật Giáo Cứu quốc, họ có 6 tổ chức lớn nhất tại ba miền, mỗi miền 1 tổ chức của Tăng sĩ, 1 tổ chức của Cư sĩ.
Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào tháng 8 năm 1945 sau cuộc cách mạng tháng Tám. Tháng Giêng năm 1946, khi chính phủ này tổ chức tổng tuyển cử, thì có một tăng sĩ trẻ là Thích Mật Thể, tên đời là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 tại làng Nguyệt Biểu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, đứng ra ứng cử ở Thừa Thiên. Ông đắc cử làm đại biểu tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Đây là lần đầu tiên một vị tăng sĩ Việt Nam trực tiếp đi vào con đường chính trị.
Ngày xưa, vào các thời Đinh, Lê, Lý và Trần, các thiền sư đã từng làm chính trị nhưng chỉ đứng trong cương vị cố vấn cho các nhà vua mà thôi. Cũng năm 1946 ông Thích Mật Thể được mời làm chủ tịch Ủy ban Phật Giáo Cứu quốc Thừa Thiên.
Theo một tài liệu có tên “Việt Nam Phật Giáo sử luận” của tác giả Nguyễn Lang được lưu trữ ở Viện sách Thích Nhất Hạnh, thì các học tăng tốt nghiệp xuất sắc nhất của trường An Nam Phật Học như Phạm Quang (Thích Trí Quang), Đỗ Xuân Hằng (Thích Thiện Minh), Trần Trọng Thuyên (Thích Trí Thuyên)… đều đã không ngần ngại bắt tay vào việc tham gia cách mạng với tinh thần ái quốc, chủ nghĩa dân tộc. Thực tế khi ấy, chính phủ của ông Hồ Chí Minh cũng không đề cập tới chủ nghĩa cộng sản, hay các vấn đề liên quan tới những nhân vật cộng sản ở Trung Quốc, Liên Xô.
Bằng tinh thần ái quốc, tu sĩ Thích Thiện Minh phụ trách Ủy ban Phật Giáo Cứu quốc tại Quảng Trị; tu sĩ Thích Trí Quang phụ trách Ủy ban Phật Giáo Cứu quốc tại Quảng Bình. Tại Bình Định, tu sĩ Thích Huyền Quang, vốn từng theo học Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, rồi Phật học đường Long Khánh tại Bình Định, phụ trách Ủy ban Phật Giáo Cứu quốc ở đây suốt từ 1945 cho đến 1952.
Về phía Thanh niên Phật tử, tất cả mười hai Gia Đình Phật Hóa Phổ thành lập sau đại hội ở đồi Quảng Tế ngày Phật Đản năm 1944, vừa huynh trưởng, vừa đoàn sinh đều tham dự cách mạng một cách nhiệt thành.
Thiền sư Thái Hòa thành lập Tăng Già Cứu Quốc Đoàn và vận động tổ chức khắp nơi các đơn vị Phật Giáo Cứu quốc (ở miền Bắc). Không có Phật học đường nào được mở cửa, dù là Phật học được cho ni sinh. Tại Phật học đường Phật Quang ở Trà Vinh, đa số thanh niên học tăng đều bỏ học đi theo kháng chiến.
Những năm 1946-1947, tuy vậy, đã cho tuổi trẻ Phật tử Việt Nam thấy rằng con đường cách mạng là một con đường đầy chông gai hiểm trở, không phải là những chông gai hiểm trở vật chất, mà là những xót xa trong tâm hồn gây nên do áp lực phải lựa chọn. Dấn thân vào cách mạng bằng một tâm hồn trong trắng, chỉ trong vòng hai ba năm là tâm hồn ấy có thể… chai sạn. Nguyên do của tình trạng này là hiện tượng đấu đá của các phe phái chính trị.
Họ bắt đầu mang máng nhận ra là đã bị những người cộng sản Hà Nội lợi dụng lòng yêu nước. Năm 1949, tổ chức có tên Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ tuyên bố tự giải tán. Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng đã có lúc thịnh lúc suy, cũng bao lần pháp nạn. Những lúc suy vi như thế, Phật giáo Việt Nam luôn ra đời một cuộc chấn hưng. Và trong bối cảnh ấy của thập niên 50 ở thế kỷ trước, công cuộc chấn hưng Phật Giáo đã được đặt ra…
Nguồn: Nguyễn Hồng Phúc @ VNTB
———————————
Kỳ 2: Phải chăng Phật giáo hiện nay chỉ đang phục vụ nhiều nhất cho người giàu. Còn quần chúng tại các vùng sâu xa, vì họ thiếu phước, kiếp trước ít tu, nên nay chẳng mấy khi được nghe các thầy cô thuyết pháp. Còn lập đàn chẩn tế và phá cửa địa ngục cho ông bà cha mẹ siêu thăng, đốt vàng mã thật nhiều cho ông bà có tiền tiêu và có xe hơi nhà lầu, dưới âm phủ, thì họ không đủ tiền…