Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, November 21, 2024

Trung Quốc đầu tư vào châu Âu, Bruxelles tự vệ


Làm thế nào để mặc cả với ông khổng lồ Trung Quốc, đòi Bắc Kinh phải cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại với Liên Hiệp Châu Âu ? Năm 2008, Liên Hiệp Châu Âu chọn giải pháp “thắt lưng buộc bụng”, Bắc Kinh lợi dụng thời cơ, tung tiền đầu tư vào nhiều lĩnh vực “chiến lược” của châu Âu. Một chục năm sau Bruxelles nhận thấy vốn của Trung Quốc là con dao hai lưỡi và bắt đầu định hình chính sách “phòng thủ”.

Tối 21/03/2019 đúng vào lúc ông Tập Cận Bình đặt chân đến Roma và được tổng thống Ý Sergio Mattarella tiếp đón trọng thể tại Roma, thủ tướng Giuseppe Conte đến Bruxelles cùng với 27 đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu bàn thảo về một chiến lược chung trước những tham vọng cả về kinh tế lẫn chiến lược của Bắc Kinh. Trong thực đơn không có món vịt quay Bắc Kinh, song Trung Quốc là một trong ba hồ sơ lớn được đem ra mổ xẻ. Ngày hôm sau, thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh Bruxelles, bên cạnh quyết định hoãn ngày Brexit, các bên nhấn mạnh “Liên Hiệp Châu Âu cần bảo vệ quyền lợi của chính mình” và thông báo đang chuẩn bị một danh sách với nhiều đề nghị và yêu cầu để chuyển tới Bắc Kinh nhân thượng đỉnh Trung Quốc –Liên Hiệp Châu Âu được dự trù vào ngày 09/04/2019.

Một mối quan hệ bất tương xứng

Sáu tuần trước khi nguyên thủ Trung Quốc đến châu Âu với ba chặng dừng là Ý, Monaco và Pháp, ngày 14/02/2019 Nghị Viện Châu Âu đề ra một dự luật khung nhằm “giám sát các dự án đầu tư nước ngoài vào Liên Âu trong những lĩnh vực chiến lược”. Những lĩnh vực đó bao hàm từ trí thông minh nhân tạo đến năng lượng, từ công nghệ robot đến viễn thông…

Một tháng sau, Hội Đồng Châu Âu công bố báo cáo trong đó nêu đích danh Trung Quốc là “một đối thủ quan trọng, một mối cạnh tranh về phương diện kinh tế với tham vọng thống lĩnh công nghệ cao của thế giới”. Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đặc trách về tăng trưởng, đầu tư và lao động, ông Jyrki Katainen, nói thẳng : Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc vừa là những đối tác kinh tế và chiến lược, vừa là những đối thủ cạnh tranh của nhau. Đôi bên sẽ cùng có lợi nếu như quan hệ song phương là một sự “cạnh tranh lành mạnh, mậu dịch và đầu tư dựa trên nguyên tắc có đi có lại”.

Cũng trong văn bản này, Bruxelles đưa ra 10 đề nghị yêu cầu Bắc Kinh : ngưng trợ giá cho các doanh nghiệp Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, chấm dứt mọi hình thức cưỡng bức chuyển giao công nghệ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ …

Về điểm này, trả lời trên đài truyền hình Pháp, France 24 hôm 21/03/2019 nghị viên châu Âu người Ý, bà Alessia Mosco, đại diện cho cánh tả lưu ý :

“Chúng ta biết rằng tại Trung Quốc, Nhà nước có quyền sử dụng những thông tin nhậy cảm. Thành thử Liên Hiệp Châu Âu cần cảnh giác và cần được phía Bắc Kinh bảo đảm rằng phía Trung Quốc không có những toan tính bất chính. Nhưng để buộc được Trung Quốc làm việc này, hơn bao giờ hết Liên Hiệp Châu Âu cần phải đoàn kết, để có cùng một tiếng nói đòi Bắc Kinh tôn trọng luật chơi chung”.

Động lực thức tỉnh Bruxelles

Báo cáo của Ủy Ban Châu Âu được đưa ra trong bối cảnh đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu liên tục gia tăng. Những biểu tượng của nền công nghiệp châu Âu, từ hãng xe Thụy Điển Volvo đến nhà may nổi tiếng của Pháp là Lanvin, hay hãng sản xuất lốp xe Pirelli của Ý … đều lần lượt ngả vào vòng tay Trung Quốc.

2016 là một năm kỷ lục. Các tập đoàn Trung Quốc chi ra thêm 37,2 tỉ euro để làm chủ nhiều doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong số những doanh nghiệp được chiếu cố, phải kể đến tập đoàn Kuka, một “viên ngọc sáng và là niềm tự hào của nền công nghiệp Đức”. Hai năm sau, tập đoàn Geely của Trung Quốc có gần 10% trong số vốn của Mercedes-Daimler, trở thành cổ đông số một và kiểm soát hãng xe nổi tiếng của Đức.

Hai vụ chuyển nhượng Kuka và Mercedes-Daimler đã làm công luận Đức rúng động. Đức vốn là đối tác đặc biệt của Bắc Kinh và là quốc gia hiếm hoi trên thế giới trong thế xuất siêu với bạn hàng Trung Quốc đã buộc phải thận trọng hơn với ông khổng lồ châu Á này.

Berlin khi đó nhận ra rằng, 60 % tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Liên Hiệp Châu Âu đều do các tập đoàn Nhà nước thực hiện. Cuối 2018 Quốc Hội Đức thông qua một bộ luật mới về đầu tư nước ngoài. Berlin quy định, bất kỳ một thương vụ mua bán doanh nghiệp nào cho phép một hãng nước ngoài kiểm soát trên 10 % vốn của một công ty Đức đều phải có sự đồng thuận chính phủ. Tỉ lệ này trước đây là 25%. Nói cách khác, chính quyền của thủ tướng Merkel đã siết chặt hơn luật đầu tư nước ngoài, mà đối tượng chính nhắm tới là Trung Quốc.

Một mối quan hệ bất tương xứng

Từ năm 2016 và nhất là năm 2018, Đức – nền kinh tế có trọng lượng nhất trong Liên Hiệp Châu Âu nghiêng hẳn về phía Pháp trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh. Từ 2014, Paris chủ trương cân bằng lại quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc.

Nghị viên châu Âu người Pháp, Frank Proust, thuộc cánh hữu và cũng là một trong những người đã trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo báo cáo về quan hệ Bắc Kinh- Bruxelles nhấn mạnh đến một mối quan hệ bất tương xứng giữa nền kinh tế số 2 của thế giới là Trung Quốc với “khối kinh tế nặng ký nhất hành tinh” là Liên Hiệp Châu Âu :

“Khi một doanh nghiệp ngoại quốc đem vốn mua lại một công ty của châu Âu, đương nhiên là quyền quyết định của công ty châu Âu này bị thu hẹp lại. Có một thực tế là phía Trung Quốc có hẳn một chính sách đầu tư lâu dài, trong lúc một số các nước thuộc Liên Âu lại không có phương tiện để tự vệ và thậm chí là còn không ý thức được rằng những kế hoạch đầu tư đó còn là một mối đe dọa tiềm tàng. Xin đơn cử hai con số năm 2016, tổng đầu tư của Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu là 159 tỉ euro, ở chiều ngược lại tổng đầu tư của toàn Liên Hiệp Châu Âu vào Trung Quốc là 9 tỉ.

Trong thời gian gần đây châu Âu ngày càng gặp nhiều trở ngại khi vào Trung Quốc làm ăn. Như đã biết, muốn đầu tư vào Trung Quốc thì một doanh nghiệp của châu Âu phải đứng liên doanh với một hãng của Trung Quốc. Bên cạnh đó là những điều kiện về chuyển giao công nghệ. Ngược lại bất kỳ một hãng Trung Quốc nào cũng có thể tự do bỏ vốn và mở địa bàn tại Liên Hiệp Châu Âu. Thành thử chúng tôi rất thiết tha với nguyên tắc gọi là “có đi có lại”. Đó là một điều khoản mang tính quyết định đối với các doanh nghiệp châu Âu, và qua đó là với người lao động châu Âu. Miễn làm sao các nước trong Liên Âu phải có cùng những luật chơi chung, để các doanh nghiệp Trung Quốc và của châu Âu cùng có những phương tiện tương xứng để phát triển”.

Một lo ngại không kém của châu Âu là Trung Quốc đã từng bước thâm nhập vào những mảng được coi là “chiến lược” đối với cả kinh tế và an ninh của châu Âu. Hôm 23/03/2019 ông Tập Cận Bình và thủ tướng Conte chứng kiến lễ ký kết một loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Ý, tổng trị giá được chính thức thông báo là 2,5 tỉ euro. Trong số này bao gồm hai kế hoạch đầu tư vào cảng Trieste và Genoa, một mở ra vùng biển Adriatic và một nhìn thẳng ra Địa Trung Hải. Nhưng đây chỉ là hai trong số 14 hải cảng của châu Âu hoạt động với vốn của Trung Quốc và 6 trong số đó, Trung Quốc là cổ đông chính.

Châu Âu đòi Bắc Kinh những gì ?

Trở lại với câu hỏi cơ bản Bruxelles trong thượng đỉnh Âu-Trung sắp tới đây sẽ thảo luận và mặc cả những gì với thủ tướng Lý Khắc Cường và liệu rằng tiếng nói chung đó của Liên Âu tác động tới đâu với phía Trung Quốc ?

Khi nhìn vào các dự án đầu tư của Trung Quốc trên Lục Địa Già văn phòng nghiên cứu độc lập của Mỹ, Rodhium Group trụ sở tại New York chỉ ra rằng, trong suốt thời gian từ 2000 đến 2017, đầu tư Trung Quốc vào Liên Âu tăng nhanh. Riêng năm 2018, các hãng Trung Quốc đổ thêm 17 tỉ euro vào Liên Liên Hiệp Châu Âu ; 45 % số tiền đó dồn vào Anh, Đức và Pháp và 8,5 tỉ nhằm mua lại các đối tác châu Âu thuộc lĩnh vực “nhậy cảm” như là ngành công nghệ hàng không,viễn thông, năng lượng, công nghệ robot hay các dự án cơ sở hạ tầng, mà các hải cảng lớn của Liên Âu, từ Rotterdam của Hà Lan đến Valence hay Bilbao của Tây Ban Nha, từ Le Havre của Pháp đến Pirée của Hy Lạp đều đã đổi chủ.

Tại Bồ Đào Nha, một nền kinh tế với chưa đầy 250 tỉ euro GDP, Trung Quốc đã đổ 6 tỉ vốn vào quốc gia với 11 triệu dân này, hiện diện từ trong ngành ngân hàng đến công ty phân phối điện lực quốc gia REN. Bồ Đào Nha là một trong số 13 nước thuộc Liên Âu hưởng ứng dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Liên Âu lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Tương tự như Washington, Bruxelles trong báo cáo hôm 12/03/2019 cũng đòi Bắc Kinh ngừng dọ thám các công ty châu Âu, chấm dứt các hành vi cưỡng bức chuyển giao công nghệ, tạo môi trường làm ăn bình đẳng cho các công ty quốc tế tương tự như những điều khoản mà các công ty của Trung Quốc được hưởng khi đến châu Âu hoạt động. Sau cùng Bruxelles đặt điều kiện đòi Bắc Kinh phải mở cửa thị trường sử dụng tài chính công cho các hãng nước ngoài tham gia đấu thầu và phải minh bạch khi chọn một đối tác trúng thầu.

Về câu hỏi liệu rằng ông Tập Cận Bình lắng nghe đến mức độ nào tiếng nói của Liên Âu ? Nghị viên châu Âu, Frank Proust nhìn nhận : thứ nhất Liên Hiệp Châu Âu cần vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó phải kể đến vốn của Trung Quốc. Thứ hai, Liên Hiệp Châu Âu không thể chê trách Bắc Kinh là đã có một tầm nhìn sáng suốt về cái đích mà Trung Quốc muốn đạt đến. Thứ ba nữa là nước Mỹ của Donald Trump có cùng một tiếng nói, ngược lại Liên Hiệp Châu Âu là một tập thể gồm 28 nước, với những quyền lợi với những tầm nhìn khác nhau mà Bắc Kinh lại là một nhà vô địch khi chơi trò chia để trị.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ông Tập đang nắm giữ tất cả mọi lá chủ bài.

Hai bằng chứng minh họa cho điều này. Một là trái với mong đợi, tổng trị giá các hợp đồng đầu tư của Trung Quốc vào Ý được ký kết vừa qua chỉ 2,5 tỉ euro trong lúc Roma và cả Bắc Kinh đều nêu lên con số 7 tỉ. Nhiều nguồn tin thông thạo cho biết thêm là “một số dự án đã bị đình chỉ” do quyết định của Ý tham gia Con Đường Tơ Lụa mới đụng chạm đến cả vế an ninh và quân sự, gây quá nhiều bất bình trong Liên Âu và cả với các thành viên NATO.

Dấu hiệu thứ nhì cho thấy tại Roma cuối tuần trước hay tại Paris trong hai ngày 25 và 26/03/2019 ông Tập có lẽ không còn xem thường châu Âu đó là Bắc Kinh đã không phản ứng một cách mạnh mẽ khi bị Bruxelles nêu đích danh là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược”đối với Liên Âu.

Một số nhà phân tích cho rằng, thái độ đoàn kết của 28 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu là một công cụ lợi hại khi cần mặc cả với “hoàng đế mãn đời” Tập Cận Bình. Châu Âu tuy mệt mỏi vì thủ tục ly dị kéo dài với Anh Quốc, vì những làn sóng dân túy đang nổi lên từ Ý đến Hungary, vì những màn đập phá hàng tuần của một số người Áo Vàng trên đại lộ Champs Elysées, vì những rạn nứt trong liên minh cầm quyền tại Đức, vì một số nước ở Đông Âu muốn xé rào… nhưng Liên Hiệp Châu Âu cũng không là một đối tác ngây thơ dễ để Bắc Kinh cho ăn bánh vẽ.

Nguồn: RFI/Thanh Hà

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh