Những “anh hùng” trong chúng ta
Posted by Luu HoanPho, Apr 9, 2019, Comments Off
Việt Nam có tốt đẹp hay không, cuối cùng dựa vào một lớp người có dám “vị Quốc” hay không!! Và trong khi chưa đủ một lớp người khiến cho xã hội bẻ ngoặc theo hướng tốt đẹp hơn, thì hãy lan tỏa sự yêu thương, chú ý và trân trọng đến những phận người đã & đang đấu tranh cho xã hội này tốt đẹp hơn, trong đó có cả 251 nhà hoạt động đã và đang bị cầm tù.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên từ trần, nhiều người bày tỏ niềm thương tiếc với một “anh hùng diệt Mỹ”, nhưng nhiều người khác bày tỏ sự cảm tiếc với một người sau khi rời các chức vụ đã lên tiếng về các vấn đề trọng đại của quốc gia, trong đó có kiến nghị ngưng việc cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn với thời hạn dài lên đến 50 năm.
Mỗi ngày, hàng trăm, ngàn người mất đi vì bệnh tật, tai nạn, nhưng hầu hết những cái chết đó sớm rơi vào im lặng. Một số cái chết đi được báo chí truyền thông đăng tải rầm rộ vì chức vụ “bộ tứ” của họ, và cuối cùng, sau đó lại chìm trong lặng im. Những cái chết vô danh, và những cái chết để lại nhiều suy ngẫm.
Ai rồi cũng sẽ chết, vấn đề là họ chết như thế nào, và sau cái chết đó là gì. Và Tướng Đồng Sĩ Nguyên mất đi, nhưng ông được bày tỏ sự mến mộ từ giới trí thức, bởi những nhiệt huyết của ông dành cho quốc gia lúc sinh thời. Nó khác hẳn những thuyết âm mưa, lời chửi rủa dành cho không ít vị tướng, tá – những lãnh đạo cấp cao khác của đảng mất trong thời gian trước đó. Bởi họ đã di hại cho dân, đã không cởi tró cho quốc gia, dân tộc này đi lên. Sự “vinh thân” của họ, chính là “suy quốc”.
Chính vì vậy, tại Việt Nam, có những cái chết khiến người dân tung hô, nhất là cái chết của quan chức, những quan chức chuyên quyền khi còn tại vị và vun vén cật lực cho bản thân. Trong mắt người dân, chỉ cần nhóm quan chức đó ngồi yên và đừng làm gì cũng đã là một “ân huệ” đối với chính họ. Và cái chết của những quan chức tham nhũng, lạm quyền được xem là một “ân huệ lớn”.
Mới đây, cựu phi công Việt Nam Cộng Hòa Lý Tống mất ở tuổi 73. Sự ra đi của ông được báo NYT và The Washington Post, cùng nhiều trang tin khác đưa tin. Điểm chung của các bài báo là ghi nhận sự quyết liệt của Lý Tống trong chống lại chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam, với suy nghĩa “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản sẽ kéo dài hàng thập kỷ nữa.”.
Nhiều người cựu chiến binh VNCH đã tìm đến nơi ông nhắm mắt để tỏ lòng tôn kính với một người từng bị coi là khủng bố, là một nhà cách mạng và một người theo chủ nghĩa lý tưởng… Nhưng với nhiều người Việt đời đầu ở Mỹ, họ coi ông ấy như một “anh hùng”, vì những gì ông ấy làm được.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên “diệt Mỹ”, hay một Lý Tống “tử chiến với cộng sản” suy cho cùng cũng là những con người miệt mài liên tục cho lý tưởng của mình, và trăn trở với vận mệnh quốc gia, dù ở thời chiến hay thời bình. Họ “anh hùng” trong mắt người này, hoặc là một kẻ “điên rồ” trong mắt người khác. Nhưng ít nhất, họ không lầm lũi sống trong một phận người bị áp đặt, dám lên tiếng và hành động, và chết đi trong sự thương tiếc của nhiều người.
Điểm chung của tướng Đồng Sĩ Nguyên hay phi công Lý Tống là “lý tưởng, phụng sự”, và cả hai người đã làm được đều đó trong suốt quãng đời của mình. Xã hội này sẽ như một cái xác thối nếu cứ lẳng lặng sống và chết đi.
Vừa qua, NOW! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù.
251 nhà hoạt động, hay là những Tù nhân lương tâm, cũng giống như hai vị trên, đều là những con người đã cống hiến nhiều cho lý tưởng, trăn trở vì quốc gia, và mong muốn thúc đẩy một sự dân chủ. Những hành vi, phát ngôn của 251 nhà hoạt động và sự trả giá của họ chính là vì sự thay đổi của quốc gia này, nơi mà hằng ngày vẫn bị bóc lột thuế, bòn rút sức khỏe vì bụi mịn và hàng trăm bất công, cay đắng khác trong xã hội. Một xã hội mà sự bất an nhiều hơn “ổn định chính trị”.
Rõ ràng, 251 nhà hoạt động xứng đáng được quan tâm, chăm sóc và tôn vinh, khi họ chịu làm người tiên phong cho con đường mới của xã hội và bị án tù đày. Và tất nhiên, lưu tâm và tôn vinh không nên diễn ra khi họ ra tù hoặc mất đi, mà nên diễn ra lúc họ còn đang ngồi trong tù. Bởi họ thực sự là những “anh hùng vị thân”, những tấm gương đấu tranh, cống hiến và hy sinh đầy thiết thực, đạo đức và lý tưởng họ cao hơn cả nhóm quan chức đang ngự trị trên quốc gia này; và lương tâm họ cao hơn cả những nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu nhưng ngày ngày phè phỡn trong sự sa hoa, và luôn miệng chỉ trích bọn “rân chủ”, trước khi bất công xã hội ập đến và bắt chính họ suy ngẫm lại.
Việt Nam có tốt đẹp hay không, cuối cùng dựa vào một lớp người có dám “vị Quốc” hay không!! Và trong khi chưa đủ một lớp người khiến cho xã hội bẻ ngoặc theo hướng tốt đẹp hơn, thì hãy lan tỏa sự yêu thương, chú ý và trân trọng đến những phận người đã & đang đấu tranh cho xã hội này tốt đẹp hơn, trong đó có cả 251 nhà hoạt động đã và đang bị cầm tù.