Đồng Tâm: Người dân lại tuyên bố quyết đổ máu giữ đất sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận đất quốc phòng
Posted by Luu HoanPho, Apr 29, 2019, Comments Off
Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, hôm 25/4 bày tỏ bức xúc trước kết luận mới của Thanh tra Chính phủ xác nhận kết luận trước đó của Thanh tra Hà Nội, khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là thuộc đất quốc phòng.
Ông Lê Đình Công, người dân Đông Tâm, nói với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 25/4 qua điện thoại:
“Thực tế Thanh tra Chính phủ cưỡi ngựa xem hoa, không về thực địa, không cùng nguyên đơn để kiểm tra và đối thoại về tất cả các văn bản giấy tờ. Chúng tôi sẽ kiện ra Tòa Tối cao, nếu Tòa Tối cao vẫn xử thế này thì chúng tôi sẽ kiện ra Tòa Quốc tế.”
Tại buổi công bố kết luận rà soát thanh tra đất đai Đồng Tâm vào chiều ngày 25/4 ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ rà soát, thuộc Thanh tra Chính phủ nói rằng Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm của Thanh tra Hà Nội công bố hồi tháng 7 năm 2017 là chính xác; đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.
Thanh tra Hà Nội vào hôm 25/07/17 chính thức công bố xác định toàn bộ diện tích hơn 239 héc-ta ở sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức từ năm 1981 đến này do các đơn vị Quốc phòng quản lý và sử dụng nhưng đã bộc lộ buông lỏng quản lý trong thời gian dài qua việc tiếp tục để người dân canh tác nông nghiệp vào khi hợp đồng hết hạn hồi năm 2012, đồng thời các đơn vị Quốc phòng chưa di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực này trước năm 1980 để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép…
Vụ việc “Khủng hoảng Đồng Tâm” nổ ra vào ngày 15 tháng 4 năm 2017 khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế, theo thông báo mảnh đất hơn 100 héc-ta tại đồng Sênh, ở thôn Hoành là đất quốc phòng và thu hồi để giao lại cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Người dân xã Đồng Tâm lên tiếng rằng trong đó có 59 héc-ta là đất canh tác nông nghiệp của họ bao đời nay. Chính quyền địa phương bắt giữ 4 người dân với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” liên quan việc giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm, khi họ phản đối chính quyền cắm mốc sai ranh giới. Lập tức người dân Đồng Tâm đã phản kháng lại lực lượng chức năng qua việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. 7 ngày sau đó, toàn bộ con tin được thả khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đích thân đối thoại với người dân Đồng Tâm.
Ông Nguyễn Đức Chung, trong buổi tiếp xúc với người dân Đồng Tâm vào ngày 22/04/2017, đã gọi vụ việc xảy ra là “Khủng hoảng Đồng Tâm” và cam kết rằng sẽ giải quyết đến nơi đến chốn cũng như không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân ở đây.
Trước đó vào ngày 7 tháng 7 năm 2017, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Dự thảo kết luận của Thanh tra Hà Nội được công bố, khẳng định rằng khu vực đất 59 héc-ta tại đồng Sênh là thuộc Quốc phòng.
Trong buổi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm, bên cạnh thông báo kết luận của Thanh tra Hà Nội là chính xác, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh rằng Tổ rà soát phát hiện ra có những sơ hở trong việc quản lý đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm, khiến cho người dân sử dụng đất và cho rằng là đất canh tác nông nghiệp của họ trong khi về mặt pháp lý lại là đất quốc phòng từ lâu.
Điều đáng chú ý tại buổi công bố kết luận thanh tra về đất đai Đồng Tâm của Thanh tra Chính phủ là có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung và đại diện của các cơ quan sở, ngành, địa phương liên quan nhưng lại không có sự xuất hiện của người dân Đồng Tâm. Đài RFA liên lạc với Luật sư Trần Vũ Hải, một luật sư tư vấn pháp lý cho người dân Đồng Tâm để tìm hiểu xem vì sao người dân Đồng Tâm không được mời tham dự buổi công bố kết luận thanh tra mà họ chờ đợi suốt hai năm qua và được ông cho biết:
“Về vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu. Nhưng theo tôi rất đáng tiếc là luật sư và người dân Đồng Tâm không được trao đổi trước khi công bố kết luận. Trước mắt tôi chỉ có thể phát biểu như thế thôi.”
Không đồng thuận
Ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố đất canh tác nông nghiệp ở đồng Sênh là đất quốc phòng hồi tháng 7 năm 2017, người dân Đồng Tâm cho biết họ rất thất vọng và bất bình. Tuy nhiên, người dân Đồng Tâm tuyên bố họ vẫn tin cậy vào Đảng và Chính quyền sẽ công tâm đúng theo luật pháp, đồng thời gửi đơn thư khiếu nại lên Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội với đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc này. Ông Lê Đình Công chia sẻ:
“Từ năm 2017, rất nhiều lần chúng tôi đã yêu cầu rằng nếu có bằng chứng cơ sở pháp lý để chứng minh 59 héc-ta đất đồng Sênh của chúng tôi là đất quốc phòng thì sau 3 tiếng đồng hồ chúng tôi sẵn sàng giao đủ toàn bộ 59 héc-ta đất này cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Và kể cả bây giờ, nếu có bằng chứng đưa ra thì chúng tôi vẫn bàn giao trong 3 tiếng đồng hồ. Nhưng hoàn toàn là người ta không có một bằng chứng gì, mà chỉ kết luận một cách vu vơ là theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng. Quyết định thu hồi đất 113 của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười chúng tôi có đủ cả, chỉ có thu hồi 47,36 héc-ta. Quyết định 386 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình là chỉ có bàn giao 47,36 héc-ta cho Quốc phòng.”
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng đưa ra nhận định “Khủng hoảng Đồng Tâm”, theo cách gọi của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung là một vụ khủng hoảng lớn mang tầm cỡ “an ninh quốc gia” hay thậm chí là “điểm nóng chính trị”, chứ không không đơn thuần ở cấp độ như “điểm nóng xã hội”, “khiếu kiện đông người” hay “gây rối trật tự công cộng”.
Do yếu tố đặc biệt của vụ việc “Khủng hoảng Đồng Tâm” mà Luật sư Lê Công Định từng cho rằng cần phải có thanh tra độc lập, ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra về đất đai Đồng Tâm hồi tháng 7 năm 2017. Luật sư Lê Công Định giải thích:
“Việc ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công bố một dự thảo thanh tra, xét về phương diện thủ tục thì sai về mặt pháp lý. Lý do là việc thanh tra bao giờ cũng được tiến hành độc lập với các cơ quan hành pháp. Bởi vì việc thanh tra ở đây là thanh tra những hoạt động, những công việc, những hành vi mà nhân viên công vụ và Cơ quan Hành pháp thực hiện. Cho nên, tại sao một bản Dự thảo Thanh tra chưa hoàn tất lại có thể công bố ngay cho Cơ quan hành pháp do ông Nguyễn Đức Chung đại diện. Điều đó đối với tôi, hoạt động thanh tra mất đi tính cách độc lập mà theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành thì hoạt động thanh tra hoàn toàn độc lập.”
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư tham gia trong nhóm Luật sư Lộc Hưng, tư vấn pháp lý cho người dân ở vườn rau Lộc Hưng, thành phố Hồ Chí Minh bị cưỡng chế hồi đầu tháng 1 năm 2019 cho biết ông không lấy làm lạ sau khi nghe Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về đất đai Đồng Tâm vào ngày 25 tháng 4 năm 2019. Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA:
“Tại vì cơ quan Thanh tra Chính phủ không phải là cơ quan thanh tra độc lập, mà lại thuộc về Chính phủ. Do vậy dù muốn dù không đi nữa thì chắc chắn Thanh tra Chính phủ chiếu theo cơ sở pháp lý thế nào chăng nữa thì họ vẫn buộc phải có những lời lẽ, những nhận định và những đánh giá có lợi cho phía Chính phủ. Chính điều này chứng tỏ rằng việc thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ là việc làm vô ích vì không tiếp cận được sự thật khách quan.”
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liên quan các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân diễn ra trong các thập niên qua, điều cần nhất mà Nhà nước Việt Nam phải làm gì để giải quyết một cách hiệu quả những vụ thưa kiện như của người dân ở Đồng Tâm, ở Dương Nội, ở Thủ Thiêm, ở Lộc Hưng…Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu lên quan điểm của ông:
“Điều cần nhất để phân định đúng sai trong việc này là cần phải có một cơ quan tài phán độc lập, tức là toàn án. Với những gì Việt Nam đang có như luật pháp và các cơ quan thiết chế hiện nay thì hầu như không làm được gì cả. Nếu sửa vấn đề này thì thật ra phải sửa từ gốc, sửa từ thể chế và trong thể chế đó phải bảo đảm có tòa án độc lập chỉ xét xử dựa vào luật pháp mà thôi, không lệ thuộc vào chính quyền. Khi nào được như vậy thì mới có thể giải quyết vấn đề là ai đúng, ai sai.”
Trong cùng năm 2017 xảy ra “Khủng hỏang Đồng Tâm”, Thanh tra Bộ Tài Nguyên-Môi Trường vào tháng 7 cho biết trong tổng số hơn 1.500 lượt đơn khiếu nại trong nửa đầu năm 2017, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai.
Cụ Lê Đình Kình, từng đại diện cho người dân Đồng Tâm tuyên bố rằng người dân Đồng Tâm luôn tuân thủ luật pháp, nhưng sẽ tuyên chiến với những ai rắp tâm lấy đất canh tác nông nghiệp của họ không theo quy định pháp luật:
“Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian, công sức và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả.”
Ông Lê Đình Công, ngay sau buổi công bố kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ rằng đất ở đồng Sênh là đất quốc phòng, một lần nữa tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ theo đuổi giải quyết tranh chấp theo pháp luật, tuy nhiên ông nói:
“Nếu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cố tình vào cướp đất của người dân Đồng Tâm thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu và cũng sẵn sàng hủy diệt kẻ nào dám vào cướp đất.”
Nguồn: RFA/Hòa Ái