Eo biển Đài Loan: Vì sao Trung Quốc đột nhiên gây sự với Pháp
Posted by Luu HoanPho, Apr 29, 2019, Comments Off
Hình trên: Hải Quân Philippines đón chiến hạm Pháp Vendémiaire ghé thăm cảng Manila, ngày 12/03/2018.
Vụ chiến hạm Pháp Le Vendémiaire đi qua eo biển Đài Loan vào thượng tuần tháng Tư 2019 đã bất ngờ gây căng thẳng trong quan hệ Paris-Bắc Kinh, với phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 25/04/2019 đã tố cáo tàu Pháp xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, và một cố vấn bộ Quân Lực Pháp phản pháo bằng cách nêu bật quyền tự do hàng hải.
Theo các nhà quan sát, thái độ cứng rắn của Bắc Kinh rất khác thường vì đây không phải là lần đầu tiên mà chiến hạm Pháp băng qua eo biển Đài Loan, thế nhưng lần này Trung Quốc lại gây căng thẳng. Câu hỏi đặt ra là vì sao.
Tính chất khác thường trong phản ứng của Bắc Kinh đã được Paris gợi lên khi một người trong giới thân cận với bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp Florence Parly hôm 25/04 đã nhắc lại rằng từ trước đến nay, Hải Quân Pháp vẫn qua lại vùng eo biển Đài Loan « trung bình mỗi năm một lần » mà không tạo ra bất kỳ sự cố hay phản ứng nào.
Phía Pháp đã gián tiếp bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh theo đó chiến hạm Pháp đã « xâm nhập trái phép lãnh hải » của Trung Quốc, khi tái khẳng định « sự gắn bó của Pháp với quyền tự do hàng hải phù hợp với luật biển » quốc tế.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 27/04, Paris không cho biết vị trí của chiến hạm Pháp lúc xẩy ra « sự cố », nhưng khẳng định rằng vùng mà Trung Quốc gọi là « lãnh hải » thực ra là vùng biển quốc tế. Bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này, giống như trên Đài Loan, tàu bè nước ngoài có quyền tự do đi qua eo biển rộng tới 180 km với chỗ hẹp nhất cũng là 130 km.
Phản ứng của Trung Quốc trước động thái chiến hạm Pháp vượt eo biển Đài Loan rất cứng rắn. Ngay khi sự việc xẩy ra, theo tuyên bố của chính bộ Quốc Phòng Trung Quốc, chiến hạm nước này đã được tung ra để « nhận dạng » tàu Pháp và « ra lệnh » cho tàu rời khỏi khu vực. Phản ứng thứ hai là gởi công hàm phản đối Paris.
Phản ứng thứ ba, theo tiết lộ của một quan chức Mỹ với hãng tin Anh Reuters, là hủy bỏ lời mời chiến hạm Pháp đến Thanh Đảo dự cuộc diễu hành hải quân ngày 23/04 nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc.
Theo Le Monde, Paris không xác nhận quyết định hủy bỏ nói trên, nhưng trong thực tế là chiến hạm Pháp Vendémiaire được biệt phái qua hoạt động ở vùng Thái Bình Dương, đã vắng bóng tại buổi diễu hành ở Thanh Đảo, trái ngược hẳn với tình hình hồi năm 2009. Vào thời điểm đó, khi đến Thanh Đảo dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc, chiếc Vendémiaire đã được báo chí Trung Quốc xem như là « một người bạn cũ của Hải Quân Trung Quốc, đã đến thăm Trung Quốc nhiều lần kể từ năm 2001 ».
Lý do khiến Trung Quốc gây gắt ?
Câu hỏi mà tất cả các nhà phân tích đang đặt ra là vì sao mà Trung Quốc lại bất ngờ gây căng thẳng với Pháp như vậy ? Trên vấn đề này, báo Le Monde đã đưa ra nhiều giả thuyết.
Giả thuyết thứ nhất là Bắc Kinh muốn thể hiện thái độ bực tức trước mối quan tâm ngày càng lộ rõ của chính quyền Pháp đối với an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và một số tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron về nguy cơ bá quyền Trung Quốc trong vùng.
Đối với Le Monde, với tham vọng khẳng định uy lực trên các vùng biển bao quanh mình, Trung Quốc không ngần ngại ra đòn cảnh cáo nước khác, như đối với Singapore vào năm 2016. Hải quan Hồng Kông, theo lệnh của Bắc Kinh, đã chận giữ một số xe bọc thép của quân đội Singapore quá cảnh Hồng Kông sau khi qua Đài Loan tham dự diễn tập quân sự hàng năm. Động thái làm khó dễ này được tiến hành bất chấp thực tế là việc xe bọc thép Singapore quá cảnh Hồng Kông đã được chấp nhận và thường xuyên được thực hiện từ những năm 1990.
Theo Le Monde, còn có một lý do khác có thể khiến Trung Quốc khó chịu : Chiếc Vendémiaire và một phi cơ giám sát hàng hải Falcon của Hải Quân Pháp vào tháng Ba vừa qua đã cùng với các lực lượng Nhật Bản tham gia giám sát các hoạt động chuyển hàng qua tàu khả nghi trên biển, vi phạm lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.
Theo chính quyền Nhật, các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc này đã gia tăng từ một năm rưỡi nay, ngày càng có nhiều trường hợp xảy ra gần bờ biển Trung Quốc hoặc liên quan đến các tàu treo cờ Trung Quốc. Hai vụ chuyển tàu bất hợp pháp đã được ghi nhận vào tháng Ba ở Biển Hoa Đông, cách Thượng Hải khoảng 400 km về phía nam.
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đến châu Á
Ngoài ra, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp cũng sắp ghé Singapore. Ý nghĩa biểu tượng của việc tàu sân bay Pháp đến châu Á rất lớn, cho thấy rõ sự quan tâm của Pháp đến khu vực.
Hiện đang ở Ấn Độ Dương, và vừa kết thúc một đợt huấn luyện với tàu Nhật Bản ngoài khơi Djibouti, vào trung tuần tháng Năm tới đây, hàng không mẫu hạm Pháp sẽ tham gia một cuộc tập trận với Hải Quân Ấn Độ. Theo kế hoạch dự kiến, chiếc Charles de Gaulle sẽ ghé cảng Singapore nhân dịp diễn ra Đối Thoại Shangri-La từ ngày 31/05 đến 02/06, một diễn đàn an ninh thường niên sẽ có sự tham gia của bộ trưởng Bộ Quân Lực Pháp.
Tuy nhiên Pháp đã tuyên bố ngay từ đầu là chiếc Charles de Gaulle sẽ không đến Biển Đông vì, theo Le Monde, một việc làm như vậy không tương thích với chủ trương cân bằng mà Paris muốn duy trì trong quan hệ quân sự với Bắc Kinh.
Chính trong khuôn khổ quan hệ cân bằng đó mà các chiến ham Pháp qua lại Biển Đông thường xuyên hơn. Trong một cuộc điều trần tại Thượng Viện Pháp vào tháng Tư năm ngoái, 2018, đô đốc Christophe Prazuck, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp đã tiết lộ rằng mỗi năm, chiến hạm Pháp qua lại Biển Đông từ 6 đến 10 lần. Riêng chiếc Vendémiaire, đã từng đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa và đã bị tàu Trung Quốc bám đuôi trong suốt hành trình từ Hồng Kông đến Brunei.
Tuy không bao giờ thâm nhập vùng 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng, nhưng các chuyến ghé Biển Đông của chiến hạm Pháp đều nhằm mục tiêu quyền tự do di chuyển trên biển.
The Diplomat : Pháp tỏ quyết tâm tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực khiến Trung Quốc quan ngại…
Căng thẳng Paris-Bắc Kinh phát sinh từ việc chiến hạm Pháp vượt eo biển Đài Loan cũng được tạp chí The Diplomat, tòa soạn tại Nhật Bản, phân tích tìm hiểu nguyên nhân.
Trong bài « Lý giải phản ứng của Trung Quốc trước vụ tàu hải quân Pháp quá cảnh eo biển Đài Loan », The Diplomat đã hết sức ngạc nhiên trước phản ứng quá gay gắt của Bắc Kinh trước động thái mới đây của chiến hạm Pháp trong bối cảnh đó không phải là một hành động gì mới lạ, Pháp đã từng làm nhiều lần, nhưng hầu như đã được Trung Quốc bỏ qua.
Theo nhà phân tích Ankit Panda của The Diplomat, một trong những lý do giải thích phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh là thái độ ủng hộ càng ngày càng mạnh của Paris đối với các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc khu vực khác đang quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Là một nước có lãnh thổ hải ngoại, với 1 triệu công dân cư trú trong khu vực và một vùng đặc quyền kinh tế khổng lồ của riêng mình trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong những năm gần đây Pháp đã tỏ quyết tâm tăng cường hiện diện trong khu vực.
Hồi đầu năm nay (2019) chẳng hạn, Pháp và Nhật đã tổ chức một cuộc đối thoại « hai cộng hai », tập hợp các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của hai bên để thúc đẩy hợp tác về các vấn đề hàng hải trong khu vực. Ngay cả trước thời chính quyền hiện tại của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Paris đã bắt đầu quan tâm trở lại đến khu vực.
Vào năm 2016, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, khi đó còn là bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, đã nói với các chuyên gia an ninh khu vực tại Đối Thoại Shangri-La ở Singapore rằng Pháp sẽ hỗ trợ các cuộc tuần tra « thường xuyên và công khai » của Liên Hiệp Châu Âu ở Biển Đông. Ông Le Drian đã cam kết : « Một vài lần trong năm, tàu hải quân Pháp đã đi qua vùng biển của khu vực này và sẽ tiếp tục làm điều đó ».
Đối với The Diplomat, quyết định của Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ chuyến quá cảnh eo biển Đài Loan của chiến hạm Pháp, cho thấy rằng Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến khả năng mà họ coi là cố gắng của các cường quốc ngoài khu vực xen vào những gì đang diễn ra ở vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Thông điệp nhắm vào Pháp chắc chắn sẽ được Vương quốc Anh chú ý vì Luân Đôn cũng có kế hoạch duy trì lâu dài sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á. Vào tháng 8 năm ngoái, chiến hạm Anh HMS Albion đã tiến hành một hoạt động bảo vệ tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa, chẳng hạn.
Vào lúc Pháp và Anh cam kết cung cấp các nguồn lực lớn hơn cho khu vực, Bắc Kinh đã nhận thấy mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Quốc. Nếu căn cứ vào kết quả cuộc họp vào cuối tháng Ba vừa qua giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có vẻ như là châu Âu nói chung có thể phối hợp đối phó với Trung Quốc một cách cứng rắn hơn.
Phản ứng của Trung Quốc trước một hành động vô hại và suy cho cùng hoàn toàn hợp pháp của chiến hạm Pháp khi đi qua eo biển Đài Loan, theo The Diplomat, phải được hiểu trong toàn cảnh rộng lớn hơn đó.
Nguồn: RFI/Mai Vân