Khi nền công lý luôn được nhìn qua lăng kính của độc đảng toàn trị
Posted by Luu HoanPho, May 13, 2019, Comments Off
Với nhiều tín hữu Tin Lành Mennonite ở bán đảo Thủ Thiêm – Sài Gòn, thì ngày 14 tháng 12 năm 2010 sẽ mãi ghi trong lịch sử của Tin Lành Mennonite Việt Nam, khi chính quyền đã huy động lực lượng để đàn áp dã man nhằm cướp đất đai của người dân Thủ Thiêm.
Trong dòng ký ức, đó còn là câu chuyện của Mùa Vọng ghi dấu 99 năm Tin Lành hiện diện ở Việt Nam, và 45 năm Hội Thánh Mennonite hình thành tại Gia Định.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết ở Thủ Thiêm có một giáo hội Tin Lành Mennonite dân lập, lại thành phần dân chúng nghèo, tín hữu sắc tộc đông, và hoạt động giáo vụ bị chính quyền không thừa nhận. Do vậy không thể xây dựng hay tạo lập giáo sở; vả lại vì không có pháp nhân nên không thể xin xây dựng giáo sở, hay đứng tên chủ sở hữu cho Giáo Hội. Đó cũng là nguyên cớ để chính quyền vin vào mà thẳng tay đàn áp, tịch thu đất đai hợp pháp mà gia đình của mục sư Nguyễn Hồng Quang đã bỏ tiền cá nhân ra mua vào năm 1992, diện tích gần 3.000 mét vuông ở bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn.
Cuộc sống ban đầu dựa vào những công việc đồng áng, đặt trúm, đặt lọp, đặt lờ, giăng lưới, cắm câu. Dần dần, ông Quang tu bổ nhà cửa, dựng lên một cơ sở từ thiện và tôn giáo gồm một nhà nguyện, một thư quán hướng đạo, một phòng y tế, có cả một nơi dành cho học sinh sinh viên nghèo, bệnh nhân nghèo và người già neo đơn, không nơi nương tựa… Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển sau lần đi tù đầu tiên, khi mãn án, ông đã có thời gian chọn tá túc ở khu nhà tại Thủ Thiêm này của mục sư Nguyễn Hồng Quang.
Ở đây lúc nào cũng có hơn một trăm người tá túc, mục sư Quang vận động nguồn gạo, họ tự trồng rau, kiếm cá và tự quản, người mạnh chăm sóc người bệnh, phân công công việc cho nhau như một đại gia đình.
Thế rồi tang thương ập đến, mục sư Quang cùng với hơn một trăm con người cơ khổ ấy phải chịu chung số phận với hàng vạn đồng bào trên đất Thủ Thiêm. Ngày 14 tháng 12 năm 2010, trong lúc cả vườn nguyện đang chuẩn bị cho mùa Giáng sinh, thì hàng trăm nhân viên công lực tới bao vây, họ dùng loa phóng thanh đọc lệnh cưỡng chế rồi xông vào bắt trói, đánh đập hàng chục người, quăng lên xe công vụ chở đi…
Mục sư Phạm Ngọc Thạch nhớ lại: Lúc đó họ cắt điện, cắt nước để triệt mọi sinh hoạt tối thiểu của người dân Thủ Thiêm. Trước khi họ đổ quân vào cướp khu đất, họ dùng truyền thông báo chí, tuyên truyền để dọn đường dư luận. Nào là nơi đây chứa gái bán dâm, tệ nạn hiếp dâm tập thể, chứa phim ảnh đồi truỵ, hiếp dâm trẻ em, truyền đạo trái phép… Viện cớ xét hộ khẩu, họ ‘mời’ người giữa đêm khuya khoắt về đồn để thẩm vấn, để đe dọa. Những ai lên tiếng phản kháng thì họ thô bạo tống giam bất chấp luật pháp.
“Mờ mờ sáng ngày 14-12-2010, chính quyền cho xe máy ủi, cứu hỏa cùng hàng ngàn người đủ mọi sắc phục lẫn thường phục tấn công người dân bán đảo Thủ Thiêm. Nhóm sinh viên Thần Học chỗ nhà mục sư Quang đã bị họ còng tay tống lên xe bít bùng chở đi mất dạng. Nhà của mục sư Quang bị đánh sập.
Gia đình tôi lúc này con nhỏ 9 tháng tuổi, bị họ cách ly không cho gặp mẹ. Qua nhiều giờ sau, vợ tôi cương quyết đấu tranh phải gặp mặt con để cho con bú, nếu không sẽ liều mạng…, thấy vậy bọn họ mới lùi bước cho gặp. Tay bồng con, vợ tôi đứng núp mưa che con ở bụi chuối nhưng cũng bị bọn họ vây chặt. Tôi lấy máy ảnh ra chụp làm kỷ niệm thì bị họ xô đến cướp máy ảnh, rồi tống cả gia đình tôi cùng con nhỏ lên xe bít bùng chở đi thẩm vấn như tội phạm!
Khi thả về thì gia đình tôi cũng không biết về đâu. Khi ấy ngoài trời thì tối, mưa lem nhem khiến vạn vật thêm thê thảm hơn. Vợ tôi bồng con nhỏ đứng giữa đường chỉ biết khóc và cầu nguyện. Bọn họ với đủ sắc phục an ninh, công an cứ xúm quanh…
Những ngày sau đó, tôi đi đâu họ cũng bám theo, rồi kiếm chuyện tông xe và cả ùa vào đánh tôi như lũ côn đồ. Không có tiền thuê nhà, đi về khu tạm cư ở nhờ thì bị làm khó dễ. Bè bạn giúp thuê nhà thì bị công an hạch sách ép chủ nhà không được chứa chấp gia đình tôi. Một tháng, gia đình tôi phải dọn nhà đến 5 lần, nên cùng đường, cả nhà phải dắt díu nhau tìm đường về quê.
Và trong chuỗi câu chuyện đó, đến tận hôm nay, tháng 5-2019, tôi vẫn ám ảnh về cái chết tức tưởi của bà Chuốt. Bà Chuốt vào đây chữa bệnh cùng với đứa cháu ngoại bị bại liệt. Sau khi lành bệnh, bà tình nguyện ở lại làm tạp vụ để chăm sóc cho đứa cháu tật nguyền. Hôm ấy bà phản đối không chịu đi, liền bị nhân viên công vụ hốt quăng lên xe, họ quăng bà từ trên cao rớt xuống, bị gảy be sườn và chấn thương nặng, họ đưa bà đi cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh đau lòng ấy. Mục sư Quang lên phường xin đưa bà về chỗ cũ làm đám tang theo nghi thức của đạo, nhưng ông liền bị họ nhốt lại. Sau đó người ta đưa xe công vụ trá hình là xe nhà đài HTV tới chở bà Chuốt đi hỏa táng ở Bình Dương…”.
Mục sư Phạm Ngọc Thạch kể lại câu chuyện với từng chi tiết mồn một, dù đã 9 năm đi qua.
“Chúa Jesus phán: Không có việc gì giấu kín mà không lộ ra… Bây giờ Chúa cho nó lộ ra là những kẻ cướp, khi đất nằm ngoài ranh khu quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước khi cướp, nhà cầm quyền mời dân lên và nói rằng sẽ đền bù 150 ngàn đồng mét vuông đất nông nghiệp.
Đất thổ cư khu mặt tiền thì giá cao hơn là 18 triệu đồng/ 1 mét. Đồng ý hay phản đối thì cũng bắt buộc phải rời khỏi Thủ Thiêm. Đến năm 2017, vụ quy hoạch Thủ Thiêm được xới lại và lúc này nhà nước mới xác nhận là đã buộc dân phải giải tỏa nhà cửa, đất đai ngay cả những nơi không nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên chuyện khắc phục hậu quả thì tiếp tục thả nỗi đến tận bây giờ. Giá đất nơi đây hiện được rao bán với giá từ 350 triệu đồng/ 1 mét…”. Mục sư Phạm Ngọc Thạch uất nghẹn kể.
Bom đạn có thể giật sập nhà cửa, phá hủy Nhà Thờ, nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng, và người ta vẫn có thể dựng lại ngôi Giáo đường trên tro tàn đổ nát. Nhưng những gì đã diễn ra suốt hai mươi năm qua ở Thủ Thiêm, đã khiến hàng trăm gia đình phải ly tán, lòng người oán ghét chế độ. Thủ Thiêm là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.
Thực tế là đến nay, người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất hầu như không có ưu thế mỗi khi đáo tụng đình. Những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm, bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị.
“Thôi đành mọi chuyện phó thác nơi Chúa!”. Mục sư Phạm Ngọc Thạch cảm thán cho một nền công lý luôn được nhìn qua lăng kính của độc đảng toàn trị.
Nguồn: Người Thủ Thiêm @ VNTB