Hồng Kông: Biểu tình chuyển sang bạo lực, Bắc Kinh hưởng lợi
Posted by Luu HoanPho, Jul 3, 2019, Comments Off
Hình trên: Người biểu tình đập vỡ kính ở Nghị Viện Hồng Kông ngày 01/07/2019.
Vài nghìn thanh niên Hồng Kông đã biểu tình trước cửa trụ sở LegCo (Nghị Viện Hồng Kông) ngày 01/07/2019, vài trăm người đã cắm trại qua đêm, trong số đó, một nhóm người đã phá được lớp kính chống đạn bảo vệ trụ sở Nghị Viện và đến 21 giờ, đã ùa vào bên trong đập phá, vẽ bậy, ném trứng, tháo tranh ảnh lãnh đạo… trong vòng ba giờ dưới sự quan sát của cảnh sát.
Người biểu tình sập bẫy bạo lực của Bắc Kinh ?
Thông tín viên của báo Le Monde tại Hồng Kông, Florence de Changy, bất ngờ và ngạc nhiên về « những cảnh hỗn loạn chưa từng có ở Hồng Kông » trong số ra ngày 03/07/2019. Tại sao phải chờ đến ba tiếng, cảnh sát mới can thiệp, xịt hơi cay vào người biểu tình ? Trong thời gian đó, những cảnh hỗn loạn này được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới, kể cả tại Trung Quốc. Vậy mà trong suốt thời gian tuần hành ôn hòa, mà đỉnh điểm là 2 triệu người dân Hồng Kông xuống đường ngày 16/06, truyền thông chính thức Hoa lục không hé một lời.
Phe đối lập cho rằng những thanh niên biểu tình đã bị sập bẫy bạo lực mà chính quyền giăng ra. Theo chủ tịch Công đảng Lee Cheuk Yan, « thanh niên Hồng Kông không có chút hy vọng nào. Cuộc sống của họ đã khó khăn, còn về mặt chính trị, mọi hình thức ngôn luận đều bị xóa bỏ. Nếu chính phủ không phản ứng khi bạn biểu tình ôn hòa, vậy bạn còn cách nào khác ? ». Trả lời thông tín viên Le Monde, luật sư Martin Lee đánh giá những thanh niên Hồng Kông này « ghét LegCo vì họ biết rằng Nghị Viện có thể sẽ thông qua luật dẫn độ. Và điều này sẽ biến Hồng Kông như bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc ».
Ngay sau vụ đập phá LegCo, đồng loạt đài báo Hoa lục lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông Thái Anh Văn và đòi truy tố những thủ phạm gây rối. Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, im hơi lặng tiếng sau hàng loạt cuộc biểu tình, bất ngờ triệu tập họp báo ngay trong đêm để lên án hành động xâm phạm « vô cùng bạo lực » và « gây sốc ».
Từ ôn hòa sang bạo lực : Chỉ Bắc Kinh có lợi
Trong một bài viết khác của Le Monde, nhà báo Harold Thibaut cho rằng « phong trào phản kháng chuyển sang bạo lực có lợi cho Bắc Kinh ». Suốt ngày 02/07, truyền hình nhà nước Trung Quốc liên tục chiếu hình ảnh cảnh sát xịt hơi cay giải tán người biểu tình trước trụ sở Quốc Hội Hồng Kông, lên án những kẻ đập phá để làm mất uy tín yêu cầu tự chủ và tự do của họ trước sự can thiệp ngày càng lớn của chính quyền Bắc Kinh.
Hoàn Cầu Thời Báo lên án « những kẻ đập phá đầy bạo lực đang làm luật tại Hồng Kông ». Chính quyền trung ương Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để tố cáo những hành vi « nghiêm trọng và bất hợp pháp » đang « chà đạp lên Nhà nước pháp quyền », « gây tổn hại cho trật tự xã hội » và « làm suy yếu những lợi ích cơ bản » của Hồng Kông.
Cả nhật báo Le Monde và Le Figaro nhắc lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng xâm phạm đến « chủ quyền và an ninh, thách thức chính quyền trung ương và quyền lực của luật pháp » sẽ là vi phạm « những lằn ranh đỏ » và là những hành động « tuyệt đối không chấp nhận được ». Vậy mà đây là lại là cách thanh niên Hồng Kông đang theo đuổi để tìm lại tự chủ và tự do từng có ở đặc khu này. Theo Le Figaro, bây giờ chờ xem chủ tịch Tập Cận Bình phản ứng như thế nào trước phong trào phản kháng ở Hồng Kông.
Liệu Trung Quốc sẽ thay đổi chiến lược ở Hồng Kông ?
Câu hỏi này được nhật báo Công Giáo La Croix đặt ra trong mục « Thảo luận ». Eric Sautedé, chuyên gia về thế giới Trung Hoa, nhận định « Bắc Kinh phải xem lại cách đánh giá và phải thỏa hiệp ». Bắc Kinh từng nghĩ rằng xã hội Hồng Kông bị chia rẽ, bị suy yếu và bị khuất phục sau « phong trào Dù Vàng » năm 2014. Nhưng thực tế xã hội Hồng Kông lại hoàn toàn khác : người dân kháng cự, bị áp lực kinh tế, lo lắng cho tương lai của họ. Chuyên gia người Pháp cho rằng Bắc Kinh sẽ không siết thêm gọng kìm và trấn áp một cách mù quáng, mà sẽ phải ngừng can thiệp vào hệ thống chính trị và kinh tế của đặc khu này.
Tuy nhiên, chuyên gia về Trung Quốc Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Châu Á, lại có quan điểm hoàn toàn khác. Ông cho rằng chế độ Bắc Kinh có hai lựa chọn giữa lật đổ phong trào hoặc để phong trào tự thoái. Lật đổ, có nghĩa là cài người vào phong trào và đẩy phong trào đến việc tự đánh mất uy tín. Theo ông, đây là giải pháp mà Bắc Kinh có thể lựa chọn. Còn để phong trào tự thoái như từng xảy ra với « phong trào Dù Vàng » năm 2014, thì giải pháp này có vẻ không mấy thành công.
Ông Jean-François Di Meglio loại trừ giải pháp thương lượng, được đánh giá là lựa chọn nguy hiểm cho Bắc Kinh, vì như vậy là gián tiếp công nhận những yêu sách của đường phố. Cuối cùng, ông cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt một lối thoát cho cuộc khủng hoảng này mà mỗi bên đều có lợi. Dự luật dẫn độ, hiện tạm ngừng, sẽ được rút hẳn. Như vậy, người dân Hồng Kông sẽ thỏa mãn, trong khi chế độ sẽ không bị mất mặt. Dù sao, chính quyền Bắc Kinh luôn đặt lên trên hết lợi ích mà Hồng Kông mang lại trong việc hội nhập vào đặc khu kinh tế Quảng Đông.
Nguồn: REUTERS, RFI/Thu Hằng