Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 24, 2024

SAGRI: Củi, lửa và nhất tiễn hạ song điêu


Hình trên: cán bộ CS bị kỷ luật

Bộ Công an Việt Nam vừa bắt thêm ông Vân Trọng Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – SAGRI) và bà Nguyễn Thị Thúy (cựu Kế toán trưởng SAGRI) (1). Trước đó, hai viên chức từng là lãnh đạo SAGRI là ông Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc SAGRI) và Nguyễn Thành Mỹ (cựu Phó phòng Kế hoạch – Đầu tư của SAGRI) đã tra tay vào còng.

SAGRI là một trong những doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM. Nhìn một cách tổng quát, những doanh nghiệp như SAGRI thuộc loại… chỉ có ở Việt Nam – nhận công thổ, công thự, công quỹ để kinh doanh. Ở TP.HCM, ngoài những doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM còn có những doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy TP.HCM cũng kinh doanh theo phương thức tương tự.

Không rõ UBND TP.HCM đã lấy bao nhiêu tỉ từ công quỹ giao cho SAGRI nhưng qua các kết luận do Thanh tra và Kiểm toán công bố thì ít nhất, UBND TP.HCM đã giao cho SAGRI 45 khu nhà và đất, tổng diện tích của 45 công thổ, công thự này lên tới 6.300 héc ta. Trách nhiệm của SAGRI chỉ là đem công thổ, công thự cho thuê kiếm tiền hoặc góp vào một số liên doanh. Vậy mà SAGRI liên tục lỗ. Năm nào cũng lỗ, thậm chí lỗ năng (2017 lợi nhuận chỉ đạt 30% mức biểu kiến).

Tại sao được giao hàng loạt “đầu heo”, chỉ nấu cháo mà SAGRI thua lỗ? Các kết luận của Thanh tra và Kiểm toán đã xác định là do giới lãnh đạo của SAGRI cố ý làm trái đủ thứ qui định về quản lý, sử dụng công sản. Thâm chí táo tợn đến mức dám dựng lên mười đợt tham quan – học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để lấy 13,3 tỉ đồng, mang vài ngàn héc ta công thổ, công thự gán cho thiên hạ với giá rẻ như cho mà chẳng thèm xin ai… và đáng ngạc nhiên là chẳng ai nói gì.

SAGRI từng tồn tại như một lãnh địa độc lập với phần còn lại của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là lý do hệ thống bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không làm gì cả. Người ta tin rằng, ông Lê Tấn Hùng có thể biến SAGRI thành lãnh địa và điều hành SAGRI như một lãnh chúa vì ông là bào đệ của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công kiêm quản TP.HCM như một Tiểu vương.

Thể chế… cộng hòa xã hội chủ nghĩa vốn có nhiều điểm khác với phần còn lại của nhân loại. Độc đảng song đa nhóm. Các nhóm vừa đấm đá lẫn nhau, vừa thỏa hiệp để không làm vỡ “bình”, giúp đảng tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nên ngay cả khi đồng chí Lê Thanh Hải đã thoái vị, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam cũng phải nhìn trước, ngó sau.

Trên thực tế, việc thu hồi lãnh địa SAGRI, giải nhiệm lãnh chúa là một tiến trình nhiều bước và từng bị công chúng chỉ trích kịch liệt vì phỉ báng tiêu chí “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật”: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức và cuối cùng mới là khởi tố vụ án, khởi tố lãnh chúa như một… bị can!

Rõ ràng sự kiện lãnh chúa vào tù khiến nhiều người hởi lòng, hởi dạ. Đảng thiệt là… tài tình khi tạo ra chuyện củi, lửa: Hôm nay chọn nhân vật này làm củi, ngày mai đốt nhân vật kia,… Củi lửa khiến người ta quên bận tâm, tại sao có tiểu vương, có lãnh chúa? Thôi ngẫm nghĩ để xác định, kẻ nào mới thực sự là chính phạm khi hết chục ngàn tỉ này đến trăm ngàn tỉ khác theo nhau đội nón ra đi, kinh tế suy thoái, môi trường tan hoang, xã hội đảo điên, nhân tâm ly tán?..

Củi lửa khiến người ta quên ráo việc truy căn, thậm chí có người cảm động vì… “công lý đã được thực thi”, “những lời cầu xin nay đã được nghe” nên thỏ thẻ bày tỏ vừa mới hồi tâm, sẵn sàng… tin yêu trở lại, bất kể tin yêu đến mức nào và lạc quan đến đâu cũng không thể trả lời, làm sao giảm nợ nần của quốc gia, bao giờ quốc mới thái, dân mới an, xã hội Việt Nam thật sự công bằng, dân chủ, văn minh.

***

Sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra ở SAGRI, khởi tố ông Lê Tấn Hùng và các đồng phạm, thậm chí khi áp giải ông Hùng khỏi tư gia còn dùng bao vải trùm đầu ông Hùng để thêm… đắc nhân tâm, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, vừa công bố kết quả xem xét, xử lý thêm một số đảng viên.

Lần này lại có thêm một số đảng viên, viên chức cao cấp như ông Vũ Văn Ninh (cựu Phó Thủ tướng), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng GTVT) bị đề nghị kỷ luật. Hoặc bị kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau như: Khiển trách (các ông Nguyễn Nhật, Nguyễn Ngọc Đông – cùng là Thứ trưởng GTVT, Nguyễn Ngọc Huệ – Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), cảnh cáo (các ông: Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng GTVT, Phạm Viết Muôn – cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trần Ngọc Thành – Bí thư đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) (3).

Giống như lần trước, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN tiếp tục đề nghị kỷ luật hoặc kỷ luật hàng loạt sĩ quan công an, viên chức tư pháp cao cấp ở Đồng Nai: Hồ Văn Năm (Viện trưởng Viện Kiểm sát), Nguyễn Văn Khánh (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an Đồng Nai), Huỳnh Tiến Mạnh (Đại tá, Giám đốc Công an Đồng Nai), Trần Thị Ngọc Thuận, Ngô Minh Đức, Lý Quang Dũng, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Xuân Kim (cùng là Đại tá, Phó Giám đốc Công an Đồng Nai) vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ, để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự) (4).

Việc xem xét, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật hoặc trực tiếp quyết định hình thức kỷ luật như thế có phải là “nghiêm” không? Hình như là không! Tại sao hàng loạt sĩ sĩ quan công an, viên chức tư pháp cao cấp ở Đồng Nai bị đề nghị kỷ luật hoặc bị kỷ luật vì “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm để nhiều thuộc cấp bị xử lý hình sự mà UBKT của BCH TƯ đảng CSVN không đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị”? Từ năm 2013 đến nay, tại sao các ủy viên Bộ Chính trị không ngăn chặn?

Khi tương quan giữa thế và lực thay đổi, việc để Công ty Hợp Thành thâu tóm cảng Quy Nhơn, Tập đoàn T&T thâu tóm cảng Quảng Ninh mới trở thành sai phạm nghiêm trọng. Nếu không chấp nhận các công ty, tập đoàn tư nhân thâu tóm cảng biển, tại sao UBKT của BCH TƯ đảng CSVN không xem xét chuyện Vingroup thâu tóm cảng Nha Trang (4)? Bộ Chính trị có chủ trương riêng với Vingroup hay những viên chức có liên quan đến việc Vingroup thâu tóm cảng Nha Trang đang ở thế thượng phong nên chuyện chuyển nhượng cảng Nha Trang cho Vingroup không thuộc diện cần kiểm tra? Củi, lửa nhằm chỉnh đốn hay là “nhất tiễn hạ song điêu”: Loại trừ đối thủ và… an dân?

Nguồn: Trân Văn @ VOA Tiếng Việt

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/phap-luat/cuu-chu-tich-tong-cong-ty-nong-nghiep-sai-gon-bi-bat-3949685.html

(2) https://www.tienphong.vn/dia-oc/kiem-toan-phanh-phui-24-khu-dat-cua-tong-cong-ty-sagri-1329114.tpo

(3) https://tuoitre.vn/de-nghi-bo-chinh-tri-ky-luat-nguyen-pho-thu-tuong-vu-van-ninh-20190708130710887.htm

(4) https://enternews.vn/vinpearl-mua-lai-co-phan-cua-cang-nha-trang-9876.html

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh