2020: Việt Nam cần theo đuổi đấu tranh cứng rắn với Bắc Kinh?
Posted by Luu HoanPho, Nov 12, 2019, Comments Off
Trung Quốc cảnh báo Việt Nam không làm ‘phức tạp’ tình hình tranh chấp Biển Đông bằng cách kiện ra tòa trọng tài quốc tế. Điều đó đồng nghĩa, Bắc Kinh đang ‘run sợ’ trước khả năng này.
Một tuyên bố mới nhất từ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, phát biểu tại một hội nghị, rằng Hà Nội sẽ xem xét kiện ra tòa trọng tài quốc tế nếu đàm phán với Trung Quốc không mang lại bất kỳ giải pháp nào.
Hòa giải tranh chấp, đàm phán tranh chấp và cuối cùng là các biện pháp tố tụng thuộc trọng tài quốc tế, dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Cách mà Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các hành động của Hà Nội sẽ làm phức tạp hay suy yếu hòa bình, ổn định Biển Đông và phương hại quan hệ với Bắc Kinh thực chất ra là một nỗi lo sợ.
Bắc Kinh vẫn đang ráo riết tiến hành các hoạt động nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò trên Biển Đông, từ các thủ đoạn chèn đường lưỡi bò vào các hàng hóa xuất sang Việt Nam đến thực hiện thăm dò địa chất tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trường hợp nếu tòa án trọng tài quốc tế đưa ra một phán quyết có lợi cho Việt Nam, tương tự phán quyết vào tháng 7/2016, thì Hà Nội nên duy trì hiệu lực và theo đuổi áp dụng phán quyết đó, thay vì bỏ ngang như cách mà chính quyền Durtete đang tiến hành.
Theo đuổi con đường pháp lý là một trong số nhiều giải pháp mà Hà Nội có thể tiến hành, và trong số đó bao gồm cả phát triển “bậc cao” với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ thăm Việt Nam và sau đó gặp gỡ người đồng cấp có vẻ sẽ là cơ hội để Việt-Mỹ có tầm nhìn chung và thực hiện các hoạt động chung nhằm ngăn ngừa sự đe dọa đến từ Trung Quốc. Các quyết sách quyết đoán từ Bắc Kinh đã đặt Hà Nội vào trạng thái đe dọa chủ quyền lãnh thổ, trong khi Mỹ sẽ mất tầm ảnh hưởng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khi quyền tự do hàng hải bị co thắt bởi đường chín đoạn của Trung Quốc.
Trang Nationalinterest.org trong một bài viết gần đây đã đặt câu hỏi, liệu ‘Việt Nam có thể là đồng minh mới của Mỹ chống lại Trung Quốc?’?
Bài viết chỉ rõ ra rất nhiều những rạn nứt quan hệ và mối hiểm họa về chủ quyền của Việt Nam đến từ Bắc Kinh.
Và đặt giả thuyết rằng, nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược, thì Việt Nam có thể tổn thương về nhân mạng lẫn lãnh thổ. Và điều này đã đặt ra vấn đề, Hà Nội có thể cải thiện an ninh rất nhiều nếu liên minh với Mỹ, quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng thắng nếu một đối một với Trung Quốc. Hẳn nhiên, Mỹ cũng hưởng lợi từ chính mối quan hệ liên minh này.
Nhưng làm sao để thiết lập chính sách liên minh? Đầu tiên, Hà Nội phải gỡ bỏ ‘lời nguyền quốc phòng’ bằng cách dở bỏ chính sách ba không, trong đó không liên minh với quốc gia thứ ba, và mở đường cho Mỹ thiết lập căn cứ tại Việt Nam (Cam Ranh là một ví dụ rõ ràng nhất).
Đó chính là đóng lại quá khứ, và hướng đến hiện tại, với một kẻ thù chung là Trung Quốc.
Điều này nên được Hà Nội nghiêm túc đặt trên bàn nghị sự, bởi nếu Trung Quốc thành công trong việc tuyên bố Biển Đông là chủ quyền ‘không thể tranh cãi’ thông qua đường chín đoạnthì Việt Nam cùng với các nước yêu sách khác sẽ mất quyền đánh bắt cá và khai thác nguồn dầu khí có giá trị trong phạm vi EEZ.
Ngoài câu chuyện liên minh với một quốc gia như Mỹ, thì một yếu tố mang tính chiến lược với Hà Nội chính là dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền nhằm khuyến khích liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc (như Ấn Độ, Nga, Úc).
Mới đây, vào ngày 5/11, đài VOA cho biết, ‘Việt Nam sắp công bố sách trắng quốc phòng lần đầu tiên sau 1 thập kỷ’. Và dịp này chính là thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Hà Nội đến đâu, chủ động, tự tin hay là rụt rè trước Trung Quốc. Và nếu mở ra con đường phá vỡ chính sách ba không, thì đồng nghĩa vị thế của Việt Nam và cơ hội mở rộng quân sự lẫn kinh tế quốc gia là một ‘bước ngoặt lịch sử’, phù hợp với đường hướng chủ động tích cực ‘trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen’.
Việt Nam đang có cơ hội vàng, khi Bắc Kinh gia tăng xác lập ‘chủ quyền chín đoạn’ thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN 2020. Với chức vụ này, Việt Nam có thể thiết lập chương trình nghị sự có lợi cho lập trường Biển Đông trong năm tới, trong đó tìm kiếm sự thống nhất lớn hơn giữa các thành viên Asean về vấn đề Biển Đông.
‘Hà Nội sẽ bước đi rất cẩn thận và khéo léo’, nhưng bối cảnh chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì táo bạo và chủ động về ngoại giao, quốc phòng là điều cần thiết.
Việt Nam phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc dựa trên hợp tác với các ‘đối tác chiến lược’ như Mỹ để tạo ra hiệu quả rõ ràng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, tương tự như cách Hà Nội cấm hoàn toàn bộ phim hoạt hình ‘Abominable’ của DreamWorks vì có đường lưỡi bò trên bản đồ Biển Đông.
Nguồn: Nguyễn Hiền @ VNTB