Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Trung Quốc tham vọng mua cả thế giới


Thời sự được nhiều báo Pháp ra hôm nay chú ý : NATO kỷ niệm 70 năm thành lập tại Luân Đôn trong bối cảnh liên minh này đang rệu rã chưa từng thấy. Hội nghị khí hậu quốc tế COP 25 báo trước bế tắc, khi các nước lớn vẫn thiếu quyết tâm chính trị chung. Tuy nhiên các báo dành khá nhiều dung lượng cho chủ đề Trung Quốc.

Nhật báo La Croix trở lại dự án Một vành đai Một con đường vẫn được báo giới quen gọi là « những con đường tơ lụa mới », một dự án đặc trưng cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc ra thế giới. Nhật báo Công Giáo chạy tựa lớn trang nhất « Trung Quốc đang mua thế giới như thế nào ».

La Croix ghi nhận : « Từ khi được khởi xướng rầm rộ năm 2013, « những con đường tơ lụa mới » về mặt chính thức là nhằm mục đích kết nối thông thương giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, đến nay Bắc Kinh đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế trên 5 châu lục với số tiền đầu tư hàng tỷ đô la. Tham vọng mới này của Trung Quốc ngày càng tỏ ra là mối đe dọa đối với các nước nhỏ ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Các nước đó đang cảm thấy mình là con tin của chiến lược bá quyền, mà phía sau là các tham vọng quân sự ».

Trong vòng 6 năm, theo La Croix, số lượng các nước tham gia vào dự án « những con đường tơ lụa mới » đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên các tiếng nói phản bác và chỉ trích « đại dự án » này cũng bắt đầu nổi lên ở khắp nơi trên thế giới. La Croix bình luận : « Trung Quốc đã trỗi dậy, nhưng nó trỗi dậy như là một đe dọa trong một trật tự thế giới mới mà họ đang muốn làm chủ. « Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại » của Tập Cận Bình đang biến thành cơn ác mộng đối với nhiều đối tác ».

Trọng điểm là các láng giềng Đông Nam Á

Trong dự án đầy tham vọng này, theo La Croix, Trung Quốc chú ý trước tiên vào khu vực Đông Nam Á, nhắm vào các « mắt xích yếu » như Cam Bốt, Lào, đồng thời Trung Quốc tiếp tục củng cố hiện diện tại Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những nước tập trung rất đông Hoa kiều (chiếm 80% Hoa kiều sống trên thế giới).

Tờ báo nêu ví dụ Cam Bốt, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào nước này 5 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, sân bay và bất động sản. Cùng với đầu tư đó, khoản nợ Trung Quốc của Cam Bốt cũng đã chiếm tới 15% GDP. Tương tự như với Sri Lanka hay với Lào, nơi có gần « 40% đất đai nằm trong tay người Trung Quốc », một nhà ngoại giao châu Á tại Vientiane cho biết. Số nợ của Lào với Bắc Kinh còn chiếm tới 25% GDP.

La Croix cho biết, ở xa hơn là Pakistan, cảng Gwadar bên bờ biển Ả Rập, sẽ đón nhận 54 tỷ đô la đầu tư để trở thành cửa ngõ đi ra cho hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời cảng này sẽ còn là điểm tiếp liệu cho các hạm đội tàu chiến Trung Quốc, trên đường sang phía Djibouti (82% nợ của nước này do Trung Quốc nắm). Từ năm 2017, tại căn cứ quân sự mới xây dựng ở Djibouti luôn có 10 nghìn quân Trung Quốc đồn trú. Ở Châu Phi, Trung Quốc đã cắm chân từ 10 năm qua, với những cái tên nổi bật như Angola, Ethiopia, Sudan, Kenya hay Cộng Hòa Congo.

Châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn cũng đã trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. Trung Quốc đã mở cuộc tấn công từ 5 năm nay, với việc thôn tính từng phần hoặc toàn bộ hàng chục hải cảng lớn, chiếm 10% năng lực cảng biển của châu Âu. Trong số này, đặc biệt có cảng Piré của Hy Lạp, điểm trung chuyển quan trọng trên « các con đường tơ lụa mới » ở châu Âu, giờ đã nằm trong tay người Trung Quốc.

La Croix nhấn mạnh điểm mà Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, không chỉ là con số 175 tỷ euro thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mà còn là vấn đề chính trị và sự đoàn kết trong Liên Hiệp. Ví dụ cụ thể là Hy Lạp hồi đầu năm nay đã phản đối một nghị quyết của Châu Âu lên án chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc lần lượt tham gia sâu vào hệ thống « con đường tơ lụa » của Trung Quốc. Đến lúc này châu Âu đã bắt đầu thức tỉnh. Ý thức được mối nguy hiểm, mới đây Ủy Ban Châu Âu đã đánh giá Trung Quốc là đối thủ thường xuyên mang tính hệ thống.

Sri Lanka sập bẫy nợ Trung Quốc

Để thêm bằng chứng về chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, La Croix còn có bài phóng sự mang tiêu đề : « Sri Lanka rơi vào bẫy tín dụng Trung Quốc ».

Bài phóng sự cho thấy sự hào phóng của Trung Quốc đã giúp Sri Lanka có được nhiều công trình hạ tầng cơ sở. Nhưng mặt trái của nó là giờ đây Colombo đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất buộc phải nhượng dần cảng biển, đất đai cho người Trung Quốc. Cách đây hơn một thập kỷ, Sri Lanka sau một thời gian dài nội chiến triền miên, muốn có nguồn tiền để phát triển. Ngay lập tức Trung Quốc đã tỏ ra hào phóng giang tay giúp đỡ và giờ đây người Sri Lanka mới sực tỉnh ra rằng đất nước của họ đang dần nằm trong sự kiểm soát của người Trung Quốc qua các cảng biển, các đặc khu kinh tế cho thuê đất 99 năm. Sri Lanka trở thành một công trường lớn trong chiến lược « chuỗi ngọc trai » nhằm phong tỏa Ấn Độ. Sự hiện diện của Trung Quốc đang gây lo lắng thực sự cho người dân, cũng như một số chính giới của Sri Lanka.

Nguồn: RFI/Anh Vũ

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh