Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Dự luật yêu cầu Mỹ đương đầu Trung Quốc


Tổng thống Trump trong cuộc gặp với các đồng minh Nato tại London.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13/12 đã thông qua dự luật kêu gọi chính quyền Mỹ phải có sách lược thống nhất đối phó với ‘mối đe dọa của Trung Quốc’ trên cơ sở phối hợp với các đồng minh trong khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và châu Âu.

Trong khi đó, trao đổi với VOA, một nhà quan sát chính trị quốc tế nói rằng sẽ tốt hơn cho Mỹ để can dự và tìm cách thay đổi hành vi của Trung Quốc thay vì đối đầu trực diện.

‘Đồng minh rất quan trọng’

Dự luật này có tên gọi ‘Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2019’ được Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitt Romney soạn thảo va đệ trình trước Ủy ban với sự đồng bảo trợ của các thượng nghị sỹ Maggie Hassan, Catherine Cortez Masto, Chris Coons (Dân chủ) và Todd Young, Ted Cruz (Cộng hòa).

“Chúng ta đã chậm trễ trong việc xây dựng một chiến lược toàn diện để đối phó với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc,” ông Romney phát biểu trong một thông cáo báo chí về dự luật. “Cùng với các đồng minh của chúng ta ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ và những nơi khác, chúng ta phải xây dựng một sách lược để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc đặt ra cho tự do của chúng ta ở Mỹ và trên thế giới.”

Sau khi được thông qua trong ủy ban hẹp, ‘Dự luật Romney’ này còn phải được đưa ra toàn thể Thượng viện.

Dự luậtcho rằng Trung Quốc ‘đang tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự để mưu cầu bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và hướng tới hất cẳng Mỹ để làm bá chủ toàn cầu trong tương lai’.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang vận dụng quá trình hiện đại hóa quân đội, các chiến dịch gây ảnh hưởng và các chính sách kinh tế ăn mồi để cưỡng ép các quốc gia láng giềng thiết lập lại trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc,” dự luật viết.

Dự luật này cho rằng ‘các đồng minh và đối tác là tối quan trọng trong việc giúp Mỹ cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc’.

Do đó, dự luật yêu cầu chính quyền Mỹ phải ‘mở rộng các liên minh quân sự, chính trị và kinh tế với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu và các quốc gia có chung chí hướng’ để cùng nhau ‘xây dưng một sách lược thống nhất để đối phó với Trung Quốc’.

Trump làm mất đồng minh?

Trao đổi với VOA từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh kiêm Giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, nhận định rằng cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump đã ‘gây ra bất mãn ở châu Âu và châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản’ vì ‘Mỹ có vẻ chơi ép các nước khác’.

Ông cho biết ngay Canada vốn là một đồng minh cốt lõi của Mỹ ở Bắc Mỹ ‘cũng có những rạn nứt với Mỹ’.

“Nhưng các nước (đồng minh) cũng cần nhận ra rằng họ cần tăng cường trách nhiệm an ninh của mình,” ông nói và cho rằng trách nhiệm bảo vệ an ninh là ‘vấn đề của toàn thể liên minh chứ không riêng một quốc gia nào’.

Luật sư Khanh cho biết ông có trao đổi với Đại sứ Hàn Quốc ở Canada và được cho biết rằng ‘Seoul mong muốn tiếp tục duy trì quan hệ tốt với Mỹ’ và ‘đang tiếp tục đàm phán để tìm ra giải pháp phù hợp với khả năng của Hàn Quốc cũng như mong muốn của Mỹ’.

Mỹ và Hàn Quốc đang có tranh cãi về chi phí đóng góp để duy trì lính Mỹ trên đất Hàn Quốc. Seoul đã khước từ đòi hỏi của Washington là phải tăng phần đóng góp của mình.

Trả lời câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Trump bỏ qua hai kỳ họp thượng đỉnh khu vực gần đây nhất, ông Khanh nói dựa trên những gì mà ông trao đổi với các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ thì ‘châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực quan trọng nhất đối với Mỹ’.

“Các lãnh đạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn muốn Mỹ có cam kết chặt chẽ hơn nhưng Mỹ đang trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nên phải đặt lại những ưu tiên. Cộng với bối cảnh sắp bầu cử nên ông Trump có những ưu tiên riêng,” ông Khanh giải thích.

Về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do mà chính quyền Trump đưa ra, vị luật sư này tỏ vẻ nghi ngờ và cho rằng nước Mỹ nên quay trở lại chiến lược ‘xoay trục’ và ‘tái cân bằng’ dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama.

“Ấn Độ có thể đóng góp được rất nhiều,” ông phân tích về vai trò của Ấn Độ trong chiến lược này. “Ấn Độ có chia sẻ một số quyền lợi với thế giới tự do nhưng họ lại có quan hệ chằng chịt với Nga (đồng minh lâu năm của New Delhi), có quan hệ phức tạp với Trung Quốc và có tranh chấp với Pakistan.”

“Trong bối cảnh đó, việc đưa Ấn Độ vào cấu trúc an ninh khu vực thì tôi tin không rằng mọi việc sẽ đi xa được,” ông nói thêm.

Ông cho rằng trong lúc này Mỹ chỉ nên tập trung xây dựng an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương như dưới thời ông Obama.

“Trong bối cảnh hiện tại, nên tập trung vào khu vực Thái Bình Dương nhiều hơn là mở rộng ra Ấn Độ Dương vì sẽ có thêm nhiều vấn đề phức tạp,” ông giải thích.

“Trong khi đó, đồng minh cũ của Mỹ đủ sức thành lập liên minh và Việt Nam có thể đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.

Do đó, ông kêu gọi Mỹ xem xét trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã rút ra ngay sau khi lên nắm quyền.

Nên can dự với Trung Quốc?

Trả lời câu hỏi của VOA là chính sách Trung Quốc nào sẽ tốt hơn cho Mỹ: cắt đứt (decoupling) hay can dự (engagement), ông Khanh cho rằng bất cứ cuộc chiến tranh nào dù là nóng hay lạnh với Trung Quốc đều để lại hậu quả rất to lớn cho Mỹ.

Cho nên ông cho rằng nếu Mỹ chủ trương cắt đứt để chuyển sang đối đầu với Trung Quốc thì ‘không thể nào làm được’.

Ông cũng nói ông tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không giống như sự trỗi dậy của Đức và Nhật trước đây (vốn gây ra Chiến tranh Thế giới thứ 2).

“Tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ phá vỡ những thành tựu mà họ đã đạt được từ khi cải cách mở cửa đến nay,” ông nói. “Với nền văn minh hàng ngàn năm thì họ biết rằng nếu họ muốn lãnh đạo thế giới họ cần phải có cái nhìn tích cực hơn và họ cũng học hỏi được rất nhiều từ cấu trúc mà Mỹ đã xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến.”

Nhưng ông cho rằng mềm dẻo với Trung Quốc ‘không có nghĩa thấy sai mà không nói’ và ‘phải làm tất cả những gì có thể để Trung Quốc thấy rằng họ có lợi khi xây dựng cộng đồng thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng’.

“Không ai phủ nhận Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới. Nhưng Trung Quốc phải hành xử xứng đáng với vai trò của mình chứ không phải là có thái độ như hiện nay đối với các nước láng giềng,” ông nói thêm.

Cũng theo ông Khanh, việc Mỹ thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ‘không dẫn đến việc Trung Quốc đe dọa vị thế và lợi ích của Mỹ’.

“Sức mạnh của Mỹ chính là sức mạnh của tự do chứ không phải dựa trên sự áp chế như Trung Quốc,” ông phân tích. “Nếu Trung Quốc theo chiều hướng này họ sẽ bị tan vỡ từ bên trong.”

Do đó, ông dự đoán Trung Quốc ‘sẽ phải thay đổi để hội nhập cộng đồng thế giới’.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh