Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 4, 2024

Yêu sách mới ở Biển Đông: Malaysia thách thức Bắc Kinh, mở cơ hội hợp tác với láng giềng


Áp lực gia tăng của Trung Quốc với các nước láng giềng phía nam tại Biển Đông dường như tiếp tục gây phản tác dụng. Ngày 12/12/2019 Malaysia nạp hồ sơ yêu cầu công nhận vùng thềm lục địa mở rộng, bên ngoài khu vực 200 hải lý. Theo nhiều nhà quan sát, hành động bất ngờ của Kuala Lumpur vừa là một thách thức đối với Bắc Kinh, vừa mở ra cơ hội hợp tác với láng giềng ASEAN, nhằm lập một trận tuyến pháp lý chung đối phó với Trung Quốc.

Yêu cầu của Malaysia được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy Ban về Ranh giới về Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc tại New York, dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2021. Quan hệ Bắc Kinh – Kuala Lumpur căng thẳng hẳn lên. Ngày 17/12/2019, Bắc Kinh khẳng định đòi hỏi của Kuala Lumpur “vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, các quyền và quyền tài phán” của Trung Quốc. Trong một bài trả lời phỏng vấn hôm 20/12/2019, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại đáp trả : đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách “lố bịch“.

Giới quan sát đặt câu hỏi tại sao Malaysia lại chọn con đường thách thức trực diện Bắc Kinh về mặt pháp lý như vậy vào thời điểm này ?

Cho đến nay, Malaysia vốn được coi là nằm ở tuyến sau trong cuộc đối đầu về chủ quyền tại Biển Đông giữa một số quốc gia ASEAN với Trung Quốc. Căng thẳng giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về Biển Đông ít hơn rất nhiều so với căng thẳng giữa Việt Nam và Philippines với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các hành động lấn lướt của tuần duyên Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế biển của Malaysia, trong thời gian gần đây, dường như đang đặt quốc gia này trước thách thức phải kiên quyết hơn. Hồi tháng 10/2019, ngoại trưởng Malaysia tuyên bố quân đội nước này phải sẵn sàng để đối phó với xung đột vũ trang, trong trường hợp nổ ra đụng độ lớn tại Biển Đông.

Lợi ích thương mại

Trong yêu sách mới tại Biển Đông, Malaysia mở rộng yêu sách thềm lục địa nhằm giành được gần như gấp đôi diện tích thềm lục địa so với yêu sách năm 1979. Khu vực thềm lục địa mới mà Malaysia yêu cầu vươn đến vĩ tuyến 13°, vượt quá khỏi quần đảo Trường Sa, là một thách thức trực tiếp đối với tham vọng của Trung Quốc.

Trong bài viết ”Tại sao Malaysia, người bạn lâu năm của Trung Quốc, lại bất ngờ thể hiện bất đồng về thềm lục địa”, đăng tải trên trang mạng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, nhà báo Ralph Jennings, chuyên về Trung Quốc và Đông Nam Á, nhấn mạnh đến lý do chính là thương mại. Malaysia muốn gia tăng áp lực với Trung Quốc, để có thế mạnh trong các đàm phán về thương mại, nhằm có được nhiều nhân nhượng hơn từ phía Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư phát triển, trợ giúp. Đây là nhận định của giáo sư Stephen Nagy, chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học International Christian University ở Tokyo, và cũng là quan điểm của giáo sư Alan Chong, Trường S. Rajaratnam School of International Studies ở Singapore.

Bác bỏ ”đường 9 đoạn”

Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền trên Biển Đông không chỉ liên quan đến các lợi ích thương mại trực tiếp với Trung Quốc. Một phân tích đáng chú ý khác mang tựa đề ”Ván Bài Mới của Malaysia ở Biển Đông”, đăng tải trên trang mạng The Diplomat, của học giả Việt Nam Nguyễn Hồng Thao, giải mã động cơ và dự đoán các hệ quả của việc Malaysia đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ về thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông.

Bài viết đặc biệt nhấn mạnh đến việc yêu sách của Malaysia đã ”gián tiếp bác bỏ giá trị của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc”, mặc dù Malaysia không phải là một bên trong vụ kiện của Philippines lên tòa án quốc tế. Với hồ sơ này, Malaysia cũng đã ”ngầm ủng hộ phán quyết” của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016, cho rằng ”tất cả các thực thể đảo của quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể yêu sách tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình”.

Tác giả bài viết cũng chú ý đến việc ”đệ trình được thực hiện trước khi kết thúc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (COC)” giữa ASEAN và Trung Quốc đang diễn ra, giúp Malaysia tìm kiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán. Tác giả dự báo ”cuộc đua hoạch định ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài khu vực 200 hải lý cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán COC đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Hồ sơ chung Malaysia – Việt Nam – Philippines

Sau khi Malaysia công bố hồ sơ thềm lục địa mở rộng, một số nhà quan sát – như Greg Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) hay Phan Văn Song ở Úc – cho rằng phần thềm lục địa mở rộng mà Malaysia đề nghị công nhận không chỉ chồng lấn với Trung Quốc, mà còn cả với Việt Nam, và có thể với Philippines, căng thẳng trong nội bộ ASEAN có nguy cơ gia tăng.

Tuy nhiên, trong bài phân tích trên The Diplomat, học giả Việt Nam Nguyễn Hồng Thao nhận định, với việc ghi nhận ”có thể có những vùng có khả năng chồng lấn” ngay trong bản đệ trình này, Malaysia vô hình chung để ngỏ cánh cửa thương lượng với Việt Nam và Philippines trong việc đệ trình hồ sơ về thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý chung của ba nước ASEAN trong tương lai. Và dù trước mắt xung đột quyền lợi với Việt Nam, hồ sơ mà Malaysia vừa đệ trình cũng thể hiện ‘‘một bước tiến tích cực’’ theo hướng tôn trọng Công Ước Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 về Biển Đông.

Năm 2009, Việt Nam và Malaysia từng đệ nạp lên Ủy Ban về Ranh giới về Thềm lục địa một hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng ngoại phạm vi 200 hải lý. Điểm được học giả Nguyễn Hồng Thao đặc biệt lưu ý là chính bản đệ trình nói trên đã khuyến nghị Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ trong phán quyết năm 2016.

Nguồn: RFI/Trọng Thành

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh