Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

2019: Việt Nam đối đầu với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông


Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong thời sự Việt Nam năm 2019, đó là áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông, thể hiện qua vụ Bắc Kinh đưa tàu khảo sát xâm nhập khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ ngày 04/07 đến 24/10/2019, Trung Quốc đã điều tàu Hải Dương Địa Chất 8 đến tiến hành bốn cuộc khảo sát địa chất trong vùng biển 200 hải lý của Việt Nam, có lúc tiến gần bờ biển tỉnh Phú Yên khoảng hơn 65 hải lý. Trong cùng thời gian đó, tàu Hải Cảnh 35111 của Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Nhật Bản Hakyryu-5 do một công ty liên doanh Việt – Nga sử dụng tại Lô 06.01 nằm cách bờ biển Việt Nam 190 hải lý.

Đối với Hà Nội, rõ ràng đây là một mưu toan của Bắc Kinh nhằm biến “vùng biển không tranh chấp” thành “vùng biển tranh chấp”, lấy cớ để ngăn chận các nước ven bờ hợp tác với các công ty dầu khí quốc tế trong khu vực này.

Căng thẳng chỉ giảm bớt sau khi Trung Quốc cho rút tàu khảo sát ra khỏi vùng biển Việt Nam hôm 23/10. Sau đó, vào cuối tháng 11, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã qua Bắc Kinh để thảo luận về những vấn đề quan hệ song phương, trong đó có Biển Đông. Bản thông cáo cho biết là phía Việt Nam đã “nêu rõ lập trường” của mình về Biển Đông, nhưng xác định rằng hai bên nhất trí “xử lý thỏa đáng các bất đồng” để duy trì ổn định trong khu vực. Bản thông cáo cũng không đề cập đến vụ Bãi Tư Chính.

Trong bài viết đề ngày 06/12/2019, đăng trên trang mạng East Asia Forum, ông Đỗ Thanh Hải, Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nhận định về căng thẳng Biển Đông năm 2019.

“Việt Nam chưa bao giờ loại trừ giải pháp quân sự để phòng thủ, nhưng rõ ràng dùng đến vũ lực có nghĩa là thất bại về ngoại giao. Mặc dù lực lượng quốc phòng đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng chính sách của Hà Nội là tận dụng các biện pháp hòa bình. Các quan chức Việt Nam đã gởi hàng chục công hàm phản đối cho phía Trung Quốc. Trong khi các đối tác ASEAN im hơi lặng tiếng về mặt ngoại giao, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã ra 4 tuyên bố công khai lên án Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS”.

Về đối sách của Việt Nam đối với Trung Quốc trong vụ Tư Chính, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nhận định:

“Nhiều người cho rằng trong trường hợp này, Việt Nam tương đối đã kiềm chế và phản ứng có vẻ yếu ớt hơn rất nhiều so với vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Cũng đã có những chỉ trích nhất định đối với cách ứng xử của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào phản ứng của hai bên và so sánh với năm 2014, chúng ta có thể hiểu được ít nhiều tại sao lần này Việt Nam lại hành xử như vậy và không có những phản ứng quyết liệt như vào năm 2014.

Trong trường hợp này, chúng ta có hai lựa chọn. Thứ nhất là điều các tàu Việt Nam ra ngăn chận, cản trở các hành vi vi phạm của phía Trung Quốc, như trong trường hợp năm 2014. Thứ hai là dùng các biện pháp phản đối ngoại giao và kiên nhẫn chờ Trung Quốc rút tàu vì một lý do nào đó. Có lẽ Việt Nam đã cân nhắc thiệt hơn và cho rằng chọn phương án thứ hai thì hợp lý hơn, vì những lý do như sau :

Nếu sử dụng phương án thứ nhất thì sẽ đẩy căng thẳng lên cao và có thể dẫn tới các phản ứng tiêu cực, như các cuộc biểu tình, bạo loạn chống Trung Quốc năm 2014. Đây là điều Việt Nam rất muốn tránh.

Thứ hai là, trong trường hợp Việt Nam đưa các tàu ra đâm, va vào tàu của Trung Quốc, do tương quan lực lượng thì Việt Nam yếu hơn, số lượng tàu ít hơn, cho nên có thể gây ra các thiệt hại cho lực lượng Việt Nam, mà lại không nhất thiết dẫn đến các kết quả mà Việt Nam mong muốn.

Thứ ba, tôi nghĩ cũng là nguyên nhân quan trọng, đó là so với vụ Trung Quốc năm 2014 hạ đặt giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam, trường hợp tàu khảo sát của Trung Quốc, mặc dù đi ra đi vào rất là ngang nhiên, trắng trợn, nhưng hành động khảo sát ấy không nghiêm trọng bằng việc hạ đặt giàn khoan, không tới mức mà Việt Nam phải hành động cứng rắn.

Như chúng ta đã thấy, sau hơn 3 tháng thì Trung Quốc đã rút tàu khảo sát và tình hình đã trở lại nguyên trạng như lúc trước khi xảy ra vụ việc. Mặc dù vậy, rất có nhiều khả năng là trong thời gian tới, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động gây hấn, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Việt Nam cũng phải suy nghĩ thêm những cách đối phó khác hiệu quả hơn những sự vi phạm trở lại của Trung Quốc đối với các vùng biển của Việt Nam”.

Căng thẳng Việt Trung đã lên cao đến mức mà vào đầu tháng 11/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã tuyên bố, nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, chính phủ Việt Nam có thể sẽ sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây cũng là đòi hỏi của công luận Việt Nam trong những tháng qua. Thế nhưng, vì sao Hà Nội chưa đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích:

“Đưa Trung Quốc ra một tòa trọng tài quốc tế để phân xử vẫn là lựa chọn mà Việt Nam đang suy nghĩ, cân nhắc và tôi hiểu là cũng cần có một sự chuẩn bị nhất định. Tuy nhiên, trong vụ Tư Chính cũng như trong các vụ việc khác, Việt Nam vẫn kiềm chế và chưa áp dụng biện pháp này.

Thứ nhất, kiện về vấn đề nào, kiện ở tòa án nào vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và có thể là chưa có sự đồng thuận trong phía Việt Nam để làm sao phương án này mang lại hiệu quả tối ưu cho Việt Nam, đồng thời giảm thiểu những hệ lụy về mặt chính trị, về mặt pháp lý mà Việt Nam có thể phải gánh chịu.

Thứ hai, biện pháp pháp lý, cho dù có thể mang lại chiến thắng cho Việt Nam, nhưng tác dụng thực tế có thể không như mong đợi. Chúng ta có thể nhìn vào vụ Philippines kiện Trung Quốc. Mặc dù Philippines thắng kiện, nhưng điều đó không mang lại tác dụng tích cực, tức thì cho phía Philippines và Trung Quốc vẫn tiến hành các vi phạm như chưa từng có phán quyết đó.

Trong trường hợp của Việt Nam cũng vậy, nếu Việt Nam thắng kiện thì chưa chắc đã đảo ngược được tình thế và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm ngơ phán quyết đó và tiếp tục vi phạm các vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì sẽ khiến quan hệ song phương xấu đi rất nhiều. Tôi nghĩ phía lãnh đạo Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận quan hệ căng thẳng hơn với Trung Quốc, vì nó có thể gây ra nhiều hệ lụy, nhiều tác động, mà có thể phía Việt Nam chưa lường trước được hoặc chưa sẵn sàng để đối phó.

Việt Nam vẫn tiếp tục cân nhắc hành động pháp lý, nhưng đang trì hoãn thời điểm để thực hiện biện pháp đó và có thể sử dụng trong tương lai, khi mà thời điểm đã chín muồi hoặc là khi mà Việt Nam không có lựa chọn nào khác khả dĩ hơn để đối phó với các vi phạm của Trung Quốc”.

Sách trắng Quốc Phòng mới của Việt Nam được công bố vào tháng 11 cũng phản ánh mối lo ngại về nguy cơ Trung Quốc xâm lăng, như nhận định của chuyên gia phân tích cao cấp Lê Thu Hương, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc (ASPI) trong một bài viết đăng trên trang mạng Foreign Policy ngày 06/12/2019.

Theo nhận xét của bà Lê Thu Hương, Sách trắng Quốc Phòng đầu tiên từ 10 năm qua không nêu chi tiết về những thay đổi trong cơ cấu và tổ chức lực lượng quân sự Việt Nam, nhưng điều đáng quan tâm nhất đó là Sách trắng này nói rõ về bối cảnh chiến lược và chiến lược quốc gia để bảo vệ Tổ quốc.

Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông là một trong những yếu tố đe dọa đến ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Chuyên gia Lê Thu Hương còn ghi nhận một điểm mới trong Sách trắng Quốc Phòng 2019: “Việt Nam không chấp nhận hợp tác quốc phòng dưới áp lực hoặc dưới những điều kiện áp đặt nào”.

Điều này có nghĩa là Việt Nam bác bỏ mọi quan hệ đối tác bất lợi cho mình và khẳng định quyền tự chủ trong quyết định về các mối quan hệ quốc phòng và về các lợi ích an ninh, nhưng vẫn để mở cửa cho các hợp tác thân thiện để bảo vệ biên giới trên biển cũng như trên bộ. Lập trường này ngầm bác bỏ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, vốn chỉ muốn giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương, không chấp nhận các giải pháp đa phương, cũng như sự can dự của một nước thứ ba, như Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên Việt Nam càng khiến Hà Nội xích gần lại Washington, nhưng Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn duy trì chính sách “ba không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác), theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp:

Theo tôi, Việt Nam vẫn kiên trì chính sách “ba không”, như Sách trắng Quốc Phòng 2019 vừa đề cập. Nhưng đó là về mặt chính thức, còn trên thực tế Việt Nam không để cho chính sách “ba không” ràng buộc, trói tay mình trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác khác, để giúp Việt Nam có một ưu thế chiến lược tốt hơn trên Biển Đông và có thể cân bằng lại các sức ép của Trung Quốc. Chính vì vậy, trong thời gian qua, một mặt Việt Nam vẫn duy trì và tuyên truyền chính sách “ba không”, mặt khác vẫn kiên trì mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng với một số cường quốc chủ chốt, có chung các lợi ích chiến lược với Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cả hai nước này đều đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc xây dựng năng lực hàng hải để giúp Việt Nam đối phó tốt hơn với Trung Quốc trên Biển Đông. Những nước này cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trên mặt trận ngoại giao, cung cấp cho Việt Nam những sự hỗ trợ cần thiết khi Trung Quốc o ép Việt Nam trên Biển Đông.

Tôi nghĩ là trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục. Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược với các cường quốc này, đặc biệt Nhật và Mỹ. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn muốn giữ sự cân bằng giữa Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc khác, cũng như do các cam kết của Việt Nam với chính sách “ba không”, mặc dù thúc đẩy quan hệ với các cường quốc, nhưng Việt Nam sẽ cố gắng thận trọng về tốc độ, cũng như phạm vi hợp tác, để làm sao vừa nâng cao vị trí chiến lược của mình, đặc biệt là trên Biển Đông, vừa bảo đảm là không bị Trung Quốc nhìn nhận là đã từ bỏ chính sách “ba không” hoặc chọn nghiêng về phía Mỹ và các đồng minh để chống lại Trung Quốc.

Đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong những năm tới và là một sự lựa chọn không hề đơn giản, sẽ có nhiều khó khăn, thử thách đối với Việt Nam trong thời gian tới”.

Nhưng Hà Nội cũng ngày càng gặp khó khăn trong việc giữ thế cân bằng giữa hai siêu cường quốc đối địch, đó là nhận định của tờ Asia Times trong một bài viết đăng ngày 04/12/2019.

Lý do là vì, theo Asia Times, Trung Quốc rõ ràng là gây áp lực ngày càng mạnh để buộc Việt Nam từ bỏ các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, và ngưng thăm dò dầu khí tại các vùng đang tranh chấp. Nhưng đồng thời, Hoa Kỳ cũng phản ứng mạnh mẽ hơn trước những mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh ở khắp vùng châu Á – Thái Bình Dương. Trong các Sách trắng Quốc Phòng do Lầu Năm Góc công bố, Trung Quốc ngày càng bị chỉ đích danh là kẻ thù của Mỹ.

Nếu Hà Nội không còn giữ tư thế trung lập và ngả theo Trung Quốc nhiều hơn thì họ gần như chắc chắn là sẽ phải từ bỏ một số yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, và đổi lại Bắc Kinh chắc là sẽ hứa gia tăng đầu tư và trao đổi mậu dịch với Việt Nam.

Cũng theo Asia Times, về mặt chính trị, ngả hoàn toàn theo Trung Quốc sẽ làm xấu đi hình ảnh của đảng đối với người dân, vốn có tinh thần chống Trung Quốc ngày càng mạnh. “Chơi với Mỹ mất chế độ, chơi với Trung Quốc mất nước”. Nhưng theo Asia Times, ngả hẳn theo Trung Quốc thật ra sẽ khiến chế độ Cộng Sản sụp đổ nhanh hơn là ngả hẳn theo Mỹ.

Tuy nhiên, Hà Nội chắc là vẫn nghi ngại không biết Hoa Kỳ có sẽ bảo vệ Việt Nam trong trường hợp xung đột vũ trang với Trung Quốc hay không. Nhiều người trong khu vực vẫn còn nhớ là vào năm 2012, Washington đã không có phản ứng gì khi Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines, một đồng minh đã ký hiệp định phòng thủ với Hoa Kỳ.

Nguồn: RFI/Thanh Phương

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh