Tổng thống Indonesia thị sát Natuna sau vụ tàu Trung Quốc xâm nhập
Posted by Luu HoanPho, Jan 8, 2020, Comments Off
Tiếp theo các phản ứng ngoại giao gay gắt về việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển trong quần đảo Natuna, chính quyền Jakarta có thêm động thái chính trị nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tổng thống Joko Widodo đích thân tới thăm Natura ngày 08/01/2020.
Trước báo giới, tổng thống Indonesia tuyên bố : « Tôi đã nhiều lần nói rằng Natuna là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Không có gì phải bàn luận, tôi hy vọng điều đó là rõ ràng ».
Chính phủ Jakarta hôm 08/01 thông báo vẫn còn một tàu hải cảnh của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Trước chuyến thị sát của tổng thống Joko Widodo, quân đội Indonesia hôm 06/01 thông báo đã triển khai 8 chiến hạm và 4 chiến đấu cơ tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng quần đảo.
Hôm 30/12, bộ Ngoại Giao Indonesia tố cáo hàng chục tàu đánh cá Trung Quốc được hai tàu hải cảnh hộ tống xâm nhập đánh bắt cá trong vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia từ ngày 19/12.
Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đã được triệu mời lên bộ Ngoại Giao để tiếp thu phản đối chính thức về vụ việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Indonesia.
Trước các phải ứng kiên quyết của Indonesia, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, khẳng định « không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ » giữa Bắc Kinh và Jakarta.
Trong cuộc họp báo ngày 08/01 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc « sẵn sàng tiếp tục xử lý một cách đúng đắn các bất đồng với Indonesia » và « Trung Quốc, Indonesia vẫn luôn duy trì trao đổi thông tin qua kênh ngoại giao về vấn đề này ».
Indonesia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng cho biết kiên quyết không dung thứ các hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.
Bản tin của AFP nhắc lại, Bắc Kinh vẫn luôn đòi chủ quyền gần hết vùng Biển Đông. Tại đó, họ đã cho xây dựng nhiều cơ sở quân sự và xây đắp đảo nhân tạo, đánh bắt cá trong các vùng biển của nước khác hoặc đang có tranh chấp.
Nguồn: RFI/Anh Vũ