Lên tiếng vụ Đồng Tâm!
Posted by Luu HoanPho, Jan 14, 2020, Comments Off
Nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế lên tiếng về việc vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 lực lượng chức năng Nhà nước Việt Nam được trang bị vũ khí tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình, bắt đi nhiều người chỉ vì khu đất tranh chấp.
Tuyên bố trong nước về Đồng Tâm!
Bản Tuyên bố làm ngày 9/1/2020 nêu rõ, “từng tấc đất trên toàn cõi Việt Nam đều thấm đẫm máu đào bao thế hệ tiền nhân người dân Việt Nam khai khẩn, gìn giữ, chống ngoại xâm mới có, trong đó có gia đình cụ Lê Đình Kình và xã Đồng Tâm. Khi có chiến tranh mỗi tấc đất đều là đất quốc phòng, nhưng đồng thời Đất nước không để thiệt hại cho riêng bất cứ ai khi đất đai chính đáng của riêng họ, nếu nhà nước trưng dụng thì người dân phải được quyền thương lượng, và phải được bồi thường thỏa đáng theo pháp luật trước khi dân giao đất.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương, người đại diện nhóm Lập Quyền Dân ký tên vào bản tuyên bố nói với RFA ngày 13/1 về lý do đưa ra bản tuyên bố này.
“Thứ nhất là những cái đảo điên về luật pháp, dùng nhiều biện pháp rất là ác độc đối với dân trong một vụ án tranh chấp đất đai. Thực chất người dân Đồng Tâm đã canh tác lâu đời trên cánh đồng Sênh cách sân bay Miếu Môn một con đường quốc lộ và người dân có đủ chứng lý về mảnh đất ấy chưa phải là đất của sân bay nó nằm ngoài quy hoạch sân bay. Bản đồ sân bay cũ mà ông Đồng và ông Mười thay nhau làm thủ tướng xác định họ cố tình đất mất và tạo ra một bản đồ mới mà sau này không phải của Chính phủ. Đây là những vấn đề tráo trở trong luật pháp, một vụ án dân sự, tranh chấp tính hợp pháp của một quyết định thu hồi đất của nông dân. Đáng lẻ những vấn đề đó phải được đưa ra tòa án dân sự để giải quyết cho nó đàng hoàng, tìm mọi chứng lý để xác định đó là có thật, bao gồm bản đồ sân bay có 59 ha đất Đồng Sênh thì người dân sẽ chấp nhận.”
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Mai còn cho biết thêm; “Không ai đi cưỡng chế vào lúc 3g sáng hết mà luật thì cấm việc cưỡng chế từ 15 tháng chạp trở đi để người dân ăn tết và luật cũng nói rõ không đi làm công vụ thì làm đàng hoàng ban ngày ban mặt thì tại sao lại làm cái trò mèo này nên đó là vấn đề. Sự mất mát của người dân nhiều làm uy tín của chính quyền này mất đi nhiều nên vì thế chúng tôi buộc phải có một tiếng nói yêu cầu làm rõ vụ việc và đối xử nhân đạo với dân.”
Kỹ sư Trần Bang, thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng từ Sài Gòn, người ký tên vào bản tuyên bố nhận định với RFA: “Đối với nhà dân tại một làng quê hiền lành như vậy mà họ dùng mấy ngàn người bao vây, cắt điện cát mạng làm đủ trò, mang vũ khí để trấn áp rồi gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, nó thể hiện nhà nước bất lực, vô pháp. Ví dụ nhóm ông Kình có sai thì họ có thể hoàn toàn đưa ra xét xử, giả sử ông Kình không ra xét xử thì hoàn toàn có thể xử vắng mặt, đây không xét xử mà vào xử bắn người ta như thế thì theo tôi là việc hành quyết mà chỉ có chính phủ mafia mới làm như thế, tôi hoàn toàn bất an với nhà nước này, thích giết ai là người ta tới tận nhà giết bảo là có tôi, không có tòa án, viện kiếm sát, luật sư hay những định chế của luật sư đều vô nghĩa hết.”
Bản Tuyên bố yêu cầu nhà chức trách Việt Nam phải chấm dứt ngay việc dùng vũ trang, bạo lực dưới mọi thức thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với dân Đồng Tâm và các địa phương tại Việt Nam. Chữa trị và bồi thường cho người dân Đồng Tâm và không được ngăn cản người dân và các tổ chức đến giúp đỡ. Điều tra khách quan trung thực về xung quanh vụ đổ máu này. Công khai minh bạch toàn bộ vụ việc. Khởi tố những kẻ chủ mưu và cuối cùng là trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.
Bên ngoài cùng lên tiếng:
Vào ngày 11/1/2020 Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) có trụ sở tại thành phố Westminster, California cũng lên tiếng về vụ việc được mô tả là thảm cảnh tại xã Đồng Tâm hôm 9/1/2020. Theo đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã huy động lực lượng an ninh đông đảo lên đến hàng ngàn người bao vây tấn công những dân oan tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thì lực lượng an ninh đã sử dụng súng, chất nổ, lựu đạn cay, chó nghiệp vụ… tấn công vào gia đình ông Lê Đình Kình, người lãnh đạo tinh thần của tập thể dân oan Đồng Tâm và khiến ông tử vong. Cuộc tấn công gây thương tích cho nhiều người gồm phụ nữ và trẻ sơ sinh và một số dân oan cũng đã bị bắt đi.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN chia sẻ với RFA hôm 13/1/2020:
“…Vụ Đồng Tâm như là giọt nước tràn những vấn đề nhức nhối bao lâu nay: đó là quyền tư hữu đất đai. Bởi vì khi lên tiếng về vấn đề Đồng Tâm, Mạng lưới Nhân quyền dựa vào những cái tiêu chuẩn hoạt động của mình về nhân quyền trong đó có quyền tư hữu và đặc biệt là tư hữu đất đai của người dân Việt Nam rất là quan trọng. Từ khi chính quyền nắm quyền đến nay với chủ trưởng sở hữu đất đai của nhà nước thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng vô cùng đối với luật quốc tế nhân quyền. Kết cục của Đồng Tâm quá thê thảm, nhà nước họ dùng bạo lực một cách thô bạo nên vì lý do đó Mạng lưới nhân quyền mới lên tiếng.”
Trong bản lên tiếng, MLNQVN đưa ra 4 vấn đề: thứ nhất lên án việc sử dụng vũ lực để giết hại người dân khi họ tranh đấu bảo vệ quyền sở hữu đất đai. Thứ hai nhà cầm quyền Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng cho người dân về những thiệt hại nhân mạng và tài sản do những hành vi bạo lực của các lực lượng cưỡng chế. Thứ ba, phải tái lập quyền tư hữu đất đai cho người dân, ngưng ngay việc cưỡng chiếm đất đai đi ngược lại luật nhân quyền quốc tế, và trả lại những bất động sản bị Nhà nước tịch thu cho sở hữu chủ hợp pháp.
Và cuối cùng, MLNQVN kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các quốc gia tôn trọng công lý và các tổ chức nhân quyền trên thế giới quan tâm và lên tiếng hành động đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Đồng Tâm nói riêng và nạn nhân của các vụ cưỡng chế đất đai nói chung tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng khẳng định, không chỉ riêng MLNQVN lên tiếng mà nhiều tổ chức quốc tế họ cũng đang lên tiếng về điều này, nhiều vấn đề đã được nhắc đến thì nó sẽ được dư luận và cộng đồng quốc tế để ý hơn.
Nguồn: RFA