Thế giới đang phải trả giá cho sự cai trị độc đoán ở Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Feb 1, 2020, Comments Off
Đôi lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc trông như những người khổng lồ đang điều hành một thực thể chính trị và kinh tế lớn, mỗi tuần mở một trường đại học, và trong 3 năm gần đây đã dùng hết lượng xi măng còn nhiều hơn lượng xi măng nước Mỹ dùng trong cả thế kỷ 20.
Tổng thống Trump luôn ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “Nhà lãnh đạo xuất sắc”. Michael Bloomberg nói ông Tập “không phải là nhà độc tài”. Thế nhưng hiện nay chúng ta đã nhìn thấy sự nguy hiểm mà mô hình chuyên chế của Tập Cận Bình mang lại cho Trung Quốc và thế giới.
Từ 01/12/2019, trường hợp nhiễm virus Corona đầu tiên được biết tới ở thành phố Vũ Hán đã thể hiện các triệu chứng; và tới cuối tháng 12 trong giới y tế Vũ Hán bắt đầu có người lên tiếng báo động về sự việc này. Lẽ ra đó là thời điểm chính quyền Vũ Hán phải có hành động quyết đoán.
Đúng là họ đã hành động quyết đoán – nhưng không nhằm vào virus mà nhằm vào những người lên tiếng cảnh báo dư luận về mối đe dọa của virus đối với sức khỏe cộng đồng. Một bác sĩ viết về loại virus đó trên mạng xã hội WeChat đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ luật và bị ép phải nhận mình sai. Cảnh sát Vũ Hán thông báo đã tiến hành “giáo dục, phê bình” 8 bác sĩ làm việc ở tuyến đầu vì họ đã truyền bá “tin tức chưa được kiểm chứng” về bệnh lây nhiễm. Thực ra Tập Cận Bình nên lắng nghe các thầy thuốc ấy chứ không nên trừng phạt họ.
Ngày 31/12/2019, Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình virus Corona. Thế nhưng họ lại không cho dân nước họ biết gì cả. Khi các nước khác báo cáo WHO rằng ở nước họ đã xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh thì Trung Quốc lại giả vờ nói rằng họ đã khống chế được dịch bệnh ở Vũ Hán. Người Trung Quốc còn đùa rằng loại virus này “yêu nước”, chỉ tấn công người nước ngoài.
Thị trưởng Vũ Hán nói cho tới nửa cuối tháng Giêng ông mới được phép bàn luận về virus corona. Còn trước đó mọi người vẫn ra vào Vũ Hán mà không áp dụng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào.
Cuối cùng ngày 23/01/2020 chính quyền ra lệnh phong tỏa Vũ Hán, cách ly toàn bộ dân Vũ Hán. Nhưng theo Thị trưởng thì trước đó đã có 5 triệu người đi khỏi thành phố này.
Trên mức độ nhất định, việc chính quyền thời gian đầu che giấu nạn dịch đã dẫn đến tình trạng các bệnh viện không thể dự trữ vật tư cần thiết, hiện nay đã xuất hiện nạn thiếu nghiêm trọng các vật tư như bộ xét nghiệp, khẩu trang và thiết bị phòng hộ. Một số bác sĩ phải dùng các văn phòng phẩm làm từ nhựa để tự chế kính bảo hộ.
Việc chính quyền thời gian đầu che giấu nạn dịch có một nguyên nhân là nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã chà đạp một cách có hệ thống những thể chế giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình như truyền thông, mạng xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các luật sư và những thể chế khác. Ở Trung Quốc, các thế chế này vốn dĩ không mạnh lắm, nhưng trước khi Tập Cận Bình cầm quyền thì chính phủ đôi lúc còn tỏ ra khoan dung với họ.
Từ năm 2003 tôi đã thực hiện một loạt thử nghiệm trên các blog tiếng Trung và đôi khi bất ngờ phát hiện thấy mình không bị theo dõi, nhưng hiện tại thì không như vậy nữa. Về mặt xã hội dân sự, Tập Cận Bình đã kéo Trung Quốc lùi lại một chặng dài, dập tắt hầu hết mọi hy vọng về tự do và giám sát (đối với chính quyền).
Cũng vì lý do này mà một Trung Quốc ngày càng độc đoán của Tập đã tỏ ra lúng túng trong việc đối phó với sự bùng phát của virus Corona, đồng thời không thể xử lý ổn thỏa dịch tả lợn châu Phi bắt đầu từ năm 2018, vốn giết chết gần một phần tư số đàn lợn của toàn thế giới.
Các nhà độc tài thường đưa ra những quyết định tồi tệ bởi họ không nhận được thông tin chính xác: Khi áp chế những tiếng nói độc lập, họ chỉ nhận được lời tâng bốc và tin tức tốt đẹp từ những người xung quanh. Có vị quan chức cấp cao của Trung Quốc từng nói với tôi rằng khi gặp các quan chức địa phương, họ thường nghe được những lời nói dối, và họ phải cho lái xe và thư ký của mình đi tìm hiểu sự thực, qua đó đánh giá tâm trạng thật sự của dân chúng.
Vì lý do này hay lý do khác, Tập Cận Bình đã phạm một loạt sai lầm. Tập đã xử lý sai và làm căng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông. Ông vô tình đảm bảo cho nhân vật thù địch với mình được tái đắc cử tổng thống Đài Loan. Dưới sự lãnh đạo của Tập, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều quốc gia khác không ngừng xấu đi.
Virus Corona đã đến vùng Tân Cương ở viễn tây Trung Quốc, và một rủi ro là nó sẽ lây lan trong các trại tập trung nơi Trung Quốc đang giam giữ khoảng một triệu người Hồi giáo với điều kiện vệ sinh kém và chăm sóc y tế rất hạn chế.
Các loại virus là thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào. Cần nói một cách công bằng là về mặt phòng ngừa dịch sởi, Trung Quốc làm tốt hơn Mỹ. Trung Quốc còn có một số mặt khác đáng ca ngợi, ví dụ trẻ em sinh ra ở Bắc Kinh ngày nay sẽ có tuổi thọ cao hơn trẻ em sinh ra ở Washington, DC. Nhìn rộng hơn, tại một số quận nghèo ở Mỹ, trẻ mới sinh có tuổi thọ thấp hơn cả ở Campuchia hoặc Bangladesh. Vì thế, về y tế cộng đồng, nước Mỹ không có tư cách lên lớp cho các nước khác.
Nhưng, cho dù cần giữ một chút khiêm nhường, chúng ta hãy quên đi sự sùng bái mù quáng của một số người Mỹ dành cho mô hình chuyên chế của Tập Cận Bình.
Khế ước xã hội ở Trung Quốc bao giờ cũng là công dân không có quyền bỏ phiếu bầu nhưng họ sẽ có một cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang ở tình trạng suy yếu nhất trong ba thập niên qua, và virus Corona sẽ tiếp tục làm giảm tăng trưởng kinh tế. Tập Cận Bình vẫn chưa thực thi được phần cam kết của mình trong khế ước trên, và có thể nhận thấy điều này trong sự tức giận xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc cho dù các nhà kiểm duyệt đã cố hết sức.
Tôi không rõ ông Tập có vì sự cai trị sai lầm của mình mà gặp rắc rối chính trị hay không, nhưng ông đáng bị như vậy. Chỉ vì ông là một nhà độc tài tự đắc mà một số công dân đang phải trả giá trong đợt bùng phát virus Corona này.
Nguồn: Nicholas Kristof, “Coronavirus Spreads, and the World Pays for China’s Dictatorship”, New York Times, 29/01/2020.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Nicholas Kristof là nhà bình luận của New York Times từ năm 2001. Ông từng giành hai giải Pulitzer nhờ các phóng sự về Trung Quốc và nạn diệt chủng ở Dafur.