Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Liệu Trung Quốc đã ăn cắp bằng sáng chế thuốc chữa Covid-19?


Hình trên: Mẫu thử virus corona Covid-19.

Trong thông cáo được Viện Virus Học Vũ Hán vừa đưa ra trong ngày 4 tháng Hai tuần qua, giới y tế Vũ Hán cho biết đã phối hợp cùng các cơ quan khoa học quốc gia và quân đội Trung Quốc đồng nghiên cứu thành công và đã đệ đơn cầu chứng bằng sáng chế loại thuốc đặc trị cúm Cororavirus từ hai tuần trước. Chỉ sau đôi tuần sau khi phát hiện ra cơn đại dịch vẫn còn đang hoành hành và gây chết người hàng ngày tại Hoa Lục như hiện nay, dù vẫn chưa có khả năng cung cấp đủ khẩu trang cho người dân của mình, Trung Quốc đã nhanh chóng “nghiên cứu thành công” được thuốc chữa bịnh. Liệu có phải vậy?

Câu chuyện quay lại cùng bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ. Đó là một người đàn ông 35 tuổi tại tiểu bang Washington, quay về Mỹ từ Vũ Hán, nơi xuất phát cơn đại dịch bên Trung Quốc. Nhập viện hôm 19 tháng Một và bị phát hiện đã nhiễm virus, bệnh tình của anh có vẻ nguy cập hơn sau bảy ngày. Các bác sĩ chữa trị tại bệnh viện Providence Medical Center đã xin phép Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) được tiêm tĩnh mạch thuốc Remdesivir cho bệnh nhân. Một ngày sau khi tiêm thì bệnh nhân hồi phục và bốn ngày sau hết còn sốt cao. Bệnh nhân này đã được xuất viện và đang được cách ly tại nhà để giới chức y tế tiếp tục theo dõi.

Remdesivir là loại thuốc đang còn trong vòng thử nghiệm của hãng dược phẩm Gilead Sciences của Mỹ tại California, hãng chuyên nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc kháng virus để chữa trị HIV, viêm gan C cùng một số loại cúm dịch bệnh.  Gilead Sciences thoạt đầu đã nghiên cứu tiền dược phẩm Remdesivir cho việc chữa trị Ebola sáu năm trước. Ứng dụng cùng các hoạt chất tương tự đã được hãng Gilead nộp bằng sáng chế và cầu chứng toàn cầu, kể cả tại Trung Quốc hồi 2016, tuy nhiên hồ sơ của họ vẫn chưa được thông qua tại Trung Quốc. Đến nay thì Remdesivir vẫn chưa được cơ quan y tế liên bang chấp thuận hay cấp giấy phép do các tiêu chuẩn an toàn gắt gao của Hoa Kỳ. Khi dịch nCov xảy ra, Remdesivir cho thấy có những tác dụng chữa trị khá tích cực với nCov trên súc vật. Theo đề nghị từ nhóm bác sĩ chữa trị và được FDA xem xét chấp thuận, nó được sử dụng lần đầu tiên với người, trong trường hợp khẩn cấp và đặc biệt với bệnh nhân tại Washington nói trên.

Hình minh họa.  Một bệnh viện dã chiến điều trị người nhiễm Covid 19 ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 4/2/2020
Hình minh họa. Một bệnh viện dã chiến điều trị người nhiễm Covid 19 ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 4/2/2020 AFP

Khoa học đòi hỏi thời gian và sự chính xác nên chỉ một ca bệnh đầu tiên khó lòng xác định mức độ an toàn và hiệu nghiệm của thuốc. Dù vậy việc chữa trị này đã mang lại một tín hiệu lạc quan trong việc nghiên cứu thành công loại thuốc chữa nCov được sớm có mặt trên thị trường. Các bác sĩ tại bệnh viện Providence, hãng Gilead cùng các cơ quan y tế, viện đại học Mỹ và thế giới đều hy vọng Remdesivir sẽ mở đường cho việc sẽ có thuốc đặc trị dịch cúm nCov hiện nay.

Phối hợp cùng các cơ quan y tế liên bang Hoa Kỳ như FDA, CDC, Bộ Y Tế và Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, Gilead Sciences đã đề nghị giúp đỡ và mở rộng việc chữa trị thực nghiệm cho một số bệnh nhân giới hạn tại Vũ Hán và Bắc Kinh. Các liều thuốc Remdesivir đã được đưa sang Trung Quốc và cung cấp cho các bệnh viện địa phương.

Tuy nhiên chỉ một tuần sau khi các tin tức cho biết bệnh nhân tại Mỹ được chữa trị thành công và hãng Gilead đã bắt đầu chuyển thuốc sang Trung Quốc, cũng như đang phối hợp với giới chức y tế địa phương để chữa trị cho các bệnh nhân thì Viện Virus Học Vũ Hán đưa ra thông cáo cho biết rằng họ đã “sáng chế” ra Remdesivir và cầu chứng để “bảo vệ quyền lợi quốc gia theo thủ tục quốc tế” như nói trên.

Họ cũng nói thêm rằng, dù vậy nhưng Trung Quốc sẽ “tạm thời không áp dụng tác quyền sáng chế của mình nếu các hãng dược phẩm ngoại quốc sẵn sàng đóng góp vào việc ngăn chận cơn dịch”. Có thể Trung Quốc lo ngại rằng sẽ tái diễn trường hợp như hãng Abbott Laboratories đã từng rút các thuốc chữa bệnh của mình ra khỏi Đông Nam Á sau khi bị Thái Lan xâm phạm đến các bằng sáng chế liên quan đến thuốc chữa trị HIV hồi 2006-2007.

Có những điểm tương tự bằng sáng chế của mình nhưng Gilead Sciences thận trọng từ chối bình luận về việc này vì cho rằng họ đã cầu chứng bằng sáng chế từ hơn ba năm trước trên khắp thế giới và tại Trung Quốc, chưa biết chính xác Viện Virus Học Vũ Hán cầu chứng Remdesivir như thế nào vì thông thường những hồ sơ này chỉ được công bố sau khoảng 12 đến 18 tháng tại Trung Quốc. Bất luận thế nào thì Gilead vẫn tin rằng họ đã sở hữu bằng sáng chế căn bản về loại thuốc này và việc tranh chấp, nếu có xảy ra trong tương lai, chỉ đến khi Gilead biết chính xác Trung Quốc đã vi phạm điều gì. Còn mục tiêu lớn nhất hiện nay của họ là giúp cho cộng đồng y tế thế giới chống lại cơn dịch nCoV.

Những bằng sáng chế của các hãng Mỹ hay nước ngoài nộp tại Trung Quốc nhằm có thể được cấp giấy phép cho các thương phẩm của mình được bảo vệ và tiêu thụ tại thị trường này thường bị giữ lại rất lâu, đủ thời gian cho các hãng của Trung Quốc ăn cắp công nghệ hay bí mật của họ để tạo ra những sản phẩm, kỹ thuật tự cho là của mình. Thậm chí nhái theo đó để cầu chứng tay trên những bằng sáng chế.

Năm 2012, hãng Apple đã thua kiện tại Trung Quốc khi hãng Xinton Tiandi tại đây cầu chứng nhãn hiệu IPHONE cho túi xách và vỏ điện thoại của mình. Apple đã nộp đơn cho thương hiệu của mình năm 2002, nhưng không được chấp thuận cho đến năm 2013. Các tòa án Trung Quốc phán xét rằng Xinton Tiandi đã cầu chứng năm 2007, trước khi những iPhone đầu tiên vào thị trường Trung Quốc năm 2009 nên không thể xem thương hiệu iPhone là đã được cầu chứng độc quyền tại Trung Quốc trước đó.

Hình minh  họa. Khẩu trang và nước khử trùng phòng dịch bệnh lây lan
Hình minh họa. Khẩu trang và nước khử trùng phòng dịch bệnh lây lan Reuters

Theo báo cáo thường niên của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới WIPO đặt văn phòng tại Geneva, Thụy Sĩ thì trong năm 2018, Văn Phòng Sở Hữu Trí Tuệ Trung Quốc đã nhận đơn xin bằng sáng chế nội địa đến 1.54 triệu hồ sơ, dẫn đầu thế giới và cao hơn cả ba quốc gia theo sau là Mỹ, Nhật, Nam Hàn cùng Châu Âu cộng lại. Con số này không chứng tỏ sự tài ba hay trí tuệ của Trung Quốc mà cho thấy không biết có bao nhiêu sáng chế hay sản phẩm, kỹ thuật của thế giới có thể đã bị nhái hay đánh cắp rồi cầu chứng lại riêng trong nội địa. Bởi khi nộp ra nước ngoài thì chỉ còn lại khoảng hơn 60 ngàn hồ sơ, thấp hơn nhiều lần so với Mỹ và là một tỉ lệ rất thấp so với hàng triệu hồ sơ nội địa nói trên. Vì Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ phải đối diện với phán quyết của tòa quốc tế nếu vi phạm tác quyền, thay vì dựa vào các tòa án trong nước luôn tiếp tay cho việc ăn cắp bản quyền của thế giới.

Câu chuyện bằng sáng chế thuốc Remdesivir này đã một lần nữa cho cộng đồng thế giới thấy được rủi ro các tài sản sở hữu trí tuệ của mình sẽ bị chiếm đoạt rất cao tại Trung Quốc ra sao. Đó là nguy cơ mà chính phủ Hoa Kỳ hiểu rõ và đã đưa vào các nghị sự trong cuộc thương chiến vừa qua. Trong cuộc họp với các thống đốc tiểu bang vài ngày trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng tái cảnh báo về nguy cơ bị Trung Quốc đánh cắp các bí mật thương mại và quốc phòng khi làm ăn với nước này. Tuy nhiên công bố về thỏa thuận được ký kết giai đoạn một giữa hai quốc gia hồi tháng Một vừa qua dường như chưa nhắc đến việc Trung Quốc cam kết sẽ bảo vệ tác quyền tài sản trí tuệ và từ bỏ việc buộc các hãng Mỹ phải chuyển giao công nghệ ra sao, ngoài việc Trung Quốc chỉ hứa sẽ mua thêm 200 tỉ hàng hóa trong vòng hai năm tới.

Sự trỗi dậy của một Trung Cộng ngày nay cũng một phần nhờ vào việc đánh cắp từ các phát minh, sáng chế, cho đến công nghệ, bí quyết của thế giới trong nhiều lãnh vực. Tìm ra thuốc chữa trị dịch bệnh nCoV đã có những tia hy vọng nhưng việc đối phó với virus Trung Cộng lắm thủ đoạn xem ra còn nhiều thách đố và không ít việc phải làm trong tương lai.

Nguồn: RFA/Đinh Yên Thảo

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh