Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Rẽ ngôi sợ hãi, lướt thuyền Chánh pháp


Thầy Thích Quảng Độ từ trần, ở độ tuổi xưa nay hiếm. Tin về Thầy gây xúc động mạnh, bùi ngùi với nhiều người, học giả, trí thức, và nhà bất đồng chính kiến. Nguyên lý sống của Thầy có lẽ là chánh pháp lướt sóng rẽ qua sự sợ hãi. Với cả cuộc đời cống hiến hết mình cho quyền tự do tôn giáo, tri thức Phật giáo.

Chính quyền ứng xử hẹp hòi với Thầy, ngay cả khi Thầy tạ thế. Bài đăng tin Thầy viên tịch trên báo Tuổi Trẻ trực tuyến không tồn tại quá 24 giờ.

Nhưng điều đó không còn quá quan trọng, tinh thần tự do của Thầy và một lòng với Chánh pháp đã đưa Thầy trở thành một tấm gương về đạo đức, thực học, và hiến thân. Sự ra đi của Thầy không phải dấu chấm hết như nhiều ‘lãnh đạo tôn giáo’, ‘đồng chí sư’ quốc doanh, mà đó mở ra thời điểm kế tục, phát huy tinh thần của Thầy.

Đất nước Việt Nam ngày nay choáng ngợp với hàng trăm nghìn câu chuyện về Phật giáo. Những mái chùa cong vút, to cao, bề thế; những vị sư tăng được kết nạp đảng viên và nhận giải thưởng cao quý nhà nước; những lễ hội hoành tráng; những con nhang xì sụp khấn trời phật bình an ngay trong tâm dịch bệnh corona; những sư trụ trì ngang nhiên truyền bá mê tín dị đoan dưới lớp bọc Đại đức, thượng toạ.

Những ai có tâm với Phật giáo coi đó là phản ánh thời kỳ suy đồi, mạt pháp.

Những ai vô tâm, coi Phật giáo là nơi thoả mãn tâm linh và thị hiếu cá nhân, mỏ vàng trục lợi trên sự bất an ngày càng tăng của chúng sinh coi đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo nước nhà.

Tôi nghĩ, Thầy Thích Quảng Độ đau với hiện tình đất nước, và càng đau với độ trượt dốc không phanh của Phật giáo ngày nay. Một thời kỳ ‘sùng bái thú vật trong con người’.

‘Thời nó thế, nó buộc phải thế’, một Phật tử bày tỏ với tôi.

Trước mắt cả hai chúng tôi, lư hương ngập đầy nhang, thỉnh thoảng lắm mới thấy một người cắm một nén hương. Còn đâu thì là một nhóm hương, hoặc một cây hương to.

Một góc khuất đằng xa, là hàng ngàn nén hương lớn nhỏ bị vùi trong nước khi nó còn chưa cháy hết 1/2 chân hương.

Một quốc gia được điều hành bởi thuyết vô thần lại là một quốc gia mà chủ nghĩa phồn thực, chuộng vật chất leo cao đến mức ngất ngưởng. Buôn thần, bán thánh Phật lan tràn trong mỗi đình chiều miếu mạo, đến cả mạng xã hội Facebook.

Thời kỳ Công giáo bán ‘suất lên thiên đường’ cách đây hàng trăm năm ở Âu châu lại hiện diện tại Việt Nam ở hình thức mới mẻ hơn, ‘giải nghiệp bằng tiền cúng’, ‘thỉnh oan gia trái chủ’.

Làm thế nào để Chánh pháp trở lại đúng con đường? Bà Phật tử già lảng tránh câu trả lời, vì bà nhận ra có vẻ câu hỏi đó là ‘nhạy cảm’ và bà sợ điều gì đó.

Nhiều người đề ra chấn hưng Phật giáo, nhưng bắt đầu từ đâu?

Không cần phải đi quá xa, quá dài với ngôn từ đao to búa lớn. Chỉ cần nhìn vào Nỗi sợ hãi bao trùm xã hội, ngay cả trong giới phật tử để tìm thấy câu trả lời. Bởi có triệt tiêu sự sợ hãi thì khi đó, con người mới thoát ra sự ‘thoả mãn thú tính’, và ‘Đạo Trí Tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc’.

“Đừng sợ nữa, thì mới đưa con thuyền Chánh Pháp vượt lướt qua mọi cuồng phong bão táp. Phải có tinh thần vô uý thí để sử dụng tất cả phương tiện bố thí làm cho chúng sanh hết lo sợ trước mọi hiểm nguy và biến cố, giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi truyền kiếp, thì Đạo Trí Tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc.” (Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ).

Nguồn: Văn Lang @ VNTB

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh