Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Virus corona: Trung Quốc từ Đại Nhảy Vọt đến Đại Thụt Lùi


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên trang bìa tạp chí L’Express tuần lễ từ 14 đến 21/02/2020. Capture d’écran.

Covid-19 đẩy cuộc bầu cử Quốc Hội Iran, chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Mỹ, phiên tòa tại Luân Đôn xử Julian Assange sáng lập viên WikiLeaks… xuống hàng thứ yếu. Từ đầu mùa dịch, lần đầu tiên virus corona phủ kín các mặt báo Paris ngày 24/02/2020.

Như vết dầu loang, Covid-19 từ Trung Quốc đã tràn sang tới Hàn Quốc, Ý và cả Iran. Nhưng trước hết xin điểm bài xã luận trên Le Figaro.

Hoàng đế họ Tập mất mặt vì Covid-19

Tờ báo này đặc biệt xoáy vào Trung Quốc. Tác giả bài xã luận mang tựa đề “Bước Đại Thụt Lùi”, Patrick Saint-Paul, không chút khoan nhượng với “hoàng đế họ Tập”.

Vì virus corona, từ ngày nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời năm 1949, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị cô lập như ngày hôm nay. Tại Bắc Kinh, “hoàng đế họ Tập đang bị mất mặt”. Từ khi “lên ngôi” năm 2012, Tập Cận Bình đã thâu tóm tất cả quyền lực, tặng cho mình khả năng lãnh đạo đất nước mãn đời. Ông Tập chủ trương đưa Trung Quốc trở thành “trung tâm” của thế giới, ngang hàng với Mỹ và đã hứa hẹn một “giấc mộng Trung Hoa” tươi sáng. Nhưng Covid-19 nằm ngoài kế hoạch của Bắc Kinh. Thế giới đang xa lánh Trung Quốc.

Tập Cận Bình muốn tránh theo chân Mikhail Gorbatchev để trở thành người đào mồ chôn vùi đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cựu lãnh đạo Liên Xô từng tâm sự, Liên Bang Xô Viết xưa kia đã tan rã vì thảm họa nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl. Thách thức lần này của ông Tập, theo tác giả bài báo, là làm thế nào tránh để virus corona có sức công phá như lò máy điện hạt nhân ở Tchernobyl năm nào.

Covid-19, điểm nhạy cảm của ngành ngoại giao Trung Quốc

Cũng trên Le Figaro, thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh Sébastien Falletti bồi thêm : “Dịch bệnh làm Trung Quốc rớt đài”. Covid-19 phơi bày ra ánh sáng thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh đang rất khó chịu về thế yếu trên bàn cờ quốc tế.

Hàng loạt hoạt động ngoại giao của Trung Quốc bị đình trệ vì dịch viêm phổi lần này. Từ cuối tháng 01/2020, Bắc Kinh ngậm bồ hòn làm ngọt khi thấy các đối tác lần lượt hồi hương kiều dân ra khỏi ổ dịch Vũ Hán. Kể cả nước Nga cũng đã cấm cửa các công dân Trung Quốc và hầu hết các hãng hàng không quốc tế ngưng các chuyến bay tới Hoa Lục. Trung Quốc thực sự bị “phong tỏa”.

Thêm vào đó, khủng hoảng y tế tại cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu này đã buộc Bắc Kinh phải cầu viện quốc tế, như bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào khác trên thế giới, chận đứng tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ để trở thành “cái rốn của hành tinh”.

Ngoài mặt, lãnh đạo Trung Quốc cảm ơn Pháp và 160 nguyên thủ đoàn kết với Bắc Kinh chống virus corona, nhưng ở hậu trường, “ngành ngoại giao Trung Quốc khó che giấu cay đắng” thấy các nước bạn lần lượt xa lánh. Bên cạnh đó, khủng hoảng lần này cũng đang làm lộ rõ tinh thần bài Trung Quốc ở khắp nơi, những hành vi kỳ thị người Trung Quốc càng kiến bức tranh thêm ảm đạm.

Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại

Trong cơn hoạn nạn lần này, Trung Quốc thực sự chỉ có một người bạn duy nhất là Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt. Ông này bị Le Figaro gọi là “một chư hầu của Bắc Kinh”. Một điểm tựa duy nhất như vậy làm lộ rõ thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc.

Chưa hết, Covid-19 còn phơi bày ra ánh sáng những bất cập, nếu không muốn nói là những “xấu xa” hay nhược điểm của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới mà Trung Quốc từ trước đến nay vẫn che đậy từ hệ thống y tế cho đến các màn kiểm duyệt, che giấu thông tin…

Với ngần ấy lỗ hổng, Le Figaro cho rằng sau dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới gây nên lần này, các nhà đầu tư cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ vốn vào Trung Quốc. Về chính trị, Covid-19 cũng bắt các nhà lãnh đạo quốc tế đánh giá lại về “sức mạnh thực sự của ông khổng lồ châu Á này”, theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc với báo Le Figaro.

Virus corona : Dân chết, chính quyền tiếp tục “trình diễn”

Vào lúc một phần các hoạt động tại Trung Quốc bị tê liệt vì virus corona, Libération chú ý đến sự kiện chủ tịch Tập Cận Bình trên đài truyền hình Nhà nước hôm Chủ Nhật 23/02/2020 nhìn nhận đây là “khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất” trong 70 năm qua đồng thời, đã có “một số thiếu sót trong việc xử lý dịch”. Có điều, như ghi nhận của phóng viên báo Libération, Hoàn Cầu Thời Báo đã “quên” nhắc đến chi tiết này khi tường thuật lại về bài phát biểu của ông Tập.

Gần như cùng lúc chủ tịch Trung Quốc phát biểu trên đài truyền hình, thì ông Lý Khắc Cường tổ chức một màn trình diễn ngoạn mục. Cũng Libération thuật lại, thủ tướng họ Lý chủ trì một cuộc họp qua video quy tụ 170.000 quan chức, cán bộ, các giới chức quân sự trên toàn quốc để bàn về những biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chùm ảnh cho thấy, 170.000 quan chức này đều đeo khẩu trang trong cuộc họp “từ xa” với thủ tướng ! Libération bình luận : màn trình diễn lố bịch đó mâu thuẫn với thông báo lạc quan chính Bắc Kinh đã tung ra cách nay vài hôm, đó là “số ca lây nhiễm mới thấp hơn so với số người đã được chữa khỏi”.

Còn ở bên trong Vũ Hán ?

Trong khi đó, tại Vũ Hán từ một tháng qua, người dân sinh sống như thế nào kể từ khi thành phố này bị “cách ly” ? Le Figaro tiết lộ từ ba ngày qua, người dân bị cấm đi ra ngoài mua bán. Từ trước tới nay, cứ hai ngày một lần, mỗi hộ gia đình được phép để cho một người đi chợ. Nhưng từ hôm 22/02, dân cư Vũ Hán được lệnh ở yên trong nhà, lương thực do các tổ dân phố cung cấp.

Hình ảnh này gợi lại thời kỳ Mao Trạch Đông còn lãnh đạo đất nước. Một sinh viên 23 tuổi sống gần Vũ Hán kể lại với phóng viên báo Le Figaro rằng từ ngày 14/02, trong chung cư của cô, thang máy bị cúp, không một ai được xuống đường. Có đi bộ xuống cũng bị đuổi lên nhà trước khi ra khỏi cửa chung cư. Đây là một thay đổi quan trọng từ khi ông Tập Cận Bình gài người thân tín đứng đầu tỉnh Hồ Bắc. Không chỉ có Vũ Hán, mà cả ở Hàng Châu, Ôn Châu hay thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, gần với Thượng Hải người dân cũ bị “giam lỏng trong nhà”.

Lo lắng lan rộng

Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Hoa lục, Hàn Quốc, Iran là những điểm nóng mới với những ca lây nhiễm tăng nhanh. La Croix ghi nhận : tương tự như Trung Quốc, “Iran cũng đang bị các nước láng giềng đóng cửa biên giới”, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan, hay Armenia.

Dịch đã lan sang tới châu Âu : Ý phong tỏa 11 thành phố nhỏ ở miền bắc, Libération trên trang nhất chơi chữ “Ý đậy vung chuông” ngăn ngừa virus.

Tít trên tờ Les Echos gần giống với tựa của báo Libération : “Virus corona, nỗi lo sợ lan sang đến châu Âu”. Tờ báo kinh tế này của Pháp đã có tổng cộng 7 bài về những khía cạnh khách nhau của dịch viêm phổi cấp tính xuất phát từ Trung Quốc : nào là dịch bệnh đang trở thành một vấn đề “cấp bách của thế giới”“Báo động đỏ tại Hàn Quốc” ; “Ý rơi vào bẫy” của Covid-19 ; “Iran bầu lại Quốc Hội trong nỗi lo âu dịch lan tràn”

Trên trang internet được cập nhật từng giờ, độc giả không được trấn an chút nào với những bài : “đồng euro mất gia trước nguy cơ dịch bệnh lây lan tại châu Âu” ; “virus corona lan rộng và gây hoảng hốt trên các sàn chứng khoán” “kinh tế Ý có nguy cơ chìm vào suy thoái”

“Lo lắng” cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Monde và đây là tâm trạng của từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Ý và kể cả Pháp.

Le Figaro lưu ý độc giả Covid-19 một khi đã “gõ cửa” nước Ý và Roma áp dụng các biện pháp mạnh theo kiểu Trung Quốc để đối phó, thì Pháp ở sát cạnh đã cảnh giác và tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng đối phó trong trường hợp bệnh dịch bùng phát.

Tờ báo này tiết lộ chiều qua thủ tướng Edouard Philippe triệu tập bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, Y Tế và Giao Thông để cùng “thẩm định tình hình”. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran không loại trừ khả năng, dịch bệnh bùng phát tại Pháp. Trong ấn bản được cập nhật trên mạng, tờ báo này cho biết bộ Y Tế Pháp huy động “thêm 70 bệnh viện trên toàn quốc trong tư thế sẵn sàng”.

Covid-19, kẻ phá rối

Dưới một góc độ không nghiêm trọng bằng, cũng tờ Le Figaro cho biết, virus corona sau khi đã phá hỏng mùa lễ hội hóa trang nổi tiếng của Venise, làm đảo lộn tuần lễ thời trang tại Milano của Ý, kể từ ngày 24/02, Covid-19 tiếp tục quậy phá tuần lễ Fashion Week của Paris : ít nhất 6 nhà may nổi tiếng của Trung Quốc hủy chương trình đến Paris. Nhiều nhà may tên tuổi dự trù trình làng các bộ “collection mới” qua Instagram và các mạng xã hội. Cầm chắc là virus corona không thể len lỏi qua cách kênh này để lây nhiễm cho bất kỳ một ai.

Nguồn: RFI/Thanh Hà

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh