Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Trung Quốc đau khổ khi dối trá được đáp trả bằng dối trá


Quả là không “hổ danh” về mức độ “tàn bạo” của coronavirus Vũ Hán đối với Trung Quốc, khi con virus này đang đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào một cơn “co thắt” thập tử nhất sinh kề từ khi mở cửa cải cách kinh tế những năm 1980. Hơn 30 năm phát triển thịnh vượng và hào nhoáng, virus corona đã làm bộc lộ “tử huyệt” của Trung Quốc, vốn được xây dựng dựa trên sự dối trá và cưởng ép.

Con số “thảm khốc”

Tính từ cuối tháng 2 đến nay, chủng virus Corona có vẻ như biết “nghe lời” chính quyền Trung Quốc khi các ca nhiễm bệnh và tử vong đang có xu hướng giảm dần. Ngược lại, kể từ khi “xổ lồng” khỏi Trung Quốc, chủng virus này đã công phá bức tường thành của Vatican, tấn công không kiêng nể thành phố Qom (Iran), Milan (Ý), Daegu (Hàn Quốc), và gieo rắc nỗi hoảng loạn tại một viện dưỡng lão ở Seattle (Mỹ).

Trung Quốc, nơi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tháng 12/2019, đến nay xác nhận đã có hơn 80.000 trường hợp nhiễm CORONAVIRUS VŨ HÁN và hơn 3.000 người tử vong. Chính quyền Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề vì sự dối trá nguồn gốc dịch bệnh, che giấu thông tin về bệnh dịch, cũng như cách xử lý khủng hoảng dựa trên “quả đấm sắt”.

Virus Corona không chỉ mang đến bệnh tật và chết chóc cho “gã phàm ăn” Trung Quốc, mà còn cả nỗi hoảng sợ về chỉ số tăng trưởng kinh tế sụt giảm đáng quan ngại.

Nền kinh tế Trung Quốc từng có một giai đoạn chạm đáy với mức tăng trưởng 1,6% vào năm 1976, khi cái chết của Mao Trạch Đông đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ chính trị xã hội hỗn loạn, và mở đường cho công cuộc cải cách kinh tế những năm đầu 1980.

Những ngày đầu tháng 3 này, theo dự kiến của các chuyên gia kinh tế thế giới, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 2% trong quý 1 năm nay. Đây thực sự là một tin thảm họa đối với nền kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,4% hằng năm, kể từ năm 2000 cho đến trước khi virus corona “lũng loạn” quốc gia này.

Đối với chính quyền Trung Quốc, suy thoái kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất ổn định xã hội, và đây chính là điều mà ĐCSTQ lo sợ nhất. Có lẽ vì vậy mà chính quyền Bắc Kinh đang bằng mọi giá “bắt” virus Corona không “được phép” lây lan thêm nữa, khi nước này đang đưa ra những con số nhằm chứng minh dịch bệnh đang hạ nhiệt.

Thị sát và thị uy dân chúng

Tại tâm chấn Vũ Hán, các quan chức cố gắng làm mọi cách cho có vẻ như các nỗ lực “phục hồi” tình hình dịch bệnh của chính quyền đang diễn ra rất suôn sẻ.

Ngày 5/3, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan – một trong những quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến tỉnh Hồ Bắc, cùng với sự hộ tống của các quan chức địa phương, bà phó Thủ tướng đã đi thị sát khu phức hợp biệt lập ở quận Qingshan (Vũ Hán).

Bà phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đã đi thị sát khu phức hợp biệt lập ở quận Qingshan (Vũ Hán)

Nhưng khi các quan chức lãnh đạo đang dạo quanh khu phức hợp để đánh giá các biện pháp khử trùng, cũng như chế độ cung cấp thực phẩm cho người dân bị cách ly, có lẽ họ chẳng mong đợi phải nghe những tiếng la hét phẫn nộ từ các tòa nhà cao tầng dội xuống: “Đồ giả dối”.

Các cư dân trong khu phức hợp (vốn không được phép xuống dưới) đã mở cửa sổ ra hét lớn: “Giả, giả”; “Tất cả đều là giả”; “Chúng tôi phản đối”; “Mọi người đang phải trả tiền cho thực phẩm đắt đỏ”…. Các cư dân đã hét lớn cho biết rằng, chính quyền Trung Quốc đã bỏ mặc người dân phải đối mặt với sự thiếu thốn các nhu yếu phẩm.

Các video mà Global Times đăng tải tương phản với những gì mà truyền thông nhà nước hằng ngày ra rả đưa tin, rằng chính quyền luôn “cung ứng đầy đủ, vật giá ổn định” cho nhân dân. Dối trá đã trở thành thói quen của ĐCSTQ và được đem “ứng dụng” trong mọi hoàn cảnh.

Việc một quan chức cấp cao của Bắc Kinh đi thị sát tại Vũ Hán – “ổ dịch nguy hiểm nhất” thế giới đã gửi đến người dân Trung Quốc “thông điệp”, rằng chính phủ đã nỗ lực đẩy lùi được dịch bệnh trên toàn quốc, và đã đến lúc các công ty, hãng xưởng và người lao động quay trở lại công việc kinh doanh như thường lệ.

Ngày 6/3, duy nhất chỉ có tâm chấn Vũ Hán báo cáo xuất hiện thêm 126 ca nhiễm mới, trong khi các thành phố còn lại của tỉnh Hồ Bắc và các tỉnh thành khác trên toàn quốc đều không có thêm ca nhiễm mới nào.

Việc chính quyền Bắc Kinh “tô vẽ” hoàn cảnh, sử dụng dữ liệu giả mạo để “cưỡng ép” các doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại khi dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, đã nhận được sự đáp trả không ngờ…

Dối trá đi liền với đối phó

Song song với việc công bố số liệu các trường hợp mắc CORONAVIRUS VŨ HÁN giảm xuống một cách đáng ngờ trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đồng thời “áp đặt” các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho các quan chức chính quyền địa phương, khiến nhiều công xưởng, nhà máy tại nhiều nơi bị “đẩy” trở lại làm việc trong tình huống bị “cưỡng ép”.

Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, một cuộc điều tra của Caixinglobal cho thấy, các chủ doanh nghiệp đang dối trá “hùa” vào công cuộc “phục hồi” của đất nước sau sự càn quét của virus Corona, mục đích là để “xoa dịu” các quan chức địa phương và đối phó với chính quyền trung ương.

Các lãnh đạo công ty cũng như quan chức địa phương đã tiết lộ với Caixin rằng, việc chính quyền trung ương gây áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu hạn ngạch kinh tế – một viễn cảnh khó có thể thực hiện được trong tâm dịch CORONAVIRUS VŨ HÁN – đã buộc họ phải “xào nấu” số liệu.

Báo cáo cho biết nhiều ông chủ của các công xưởng, nhà máy… đã “bật tất cả các bóng đèn và mở máy điều hòa” cả ngày để tạo ra bầu không khí giống như “kinh doanh, sản xuất đã trở lại bình thường”, nhưng thực chất thì không có công nhân làm việc. Các chủ doanh nghiệp cho biết, họ “thà lãng phí một khoản tiền để thắp sáng bóng điện, chạy máy điều còn hơn là làm ‘mất lòng’ các quan chức địa phương”.

Đèn bật sáng nhưng không có ai làm việc

Để đèn bật sáng và điều hòa không khí chạy cả ngày trong các khu văn phòng trống người, bật các thiết bị cần thiết để tạo “hiện trường giả” nhân viên đang làm việc, và thậm chí huấn luyện công nhân nhà máy nói dối, đánh lừa các thanh tra viên nhà nước… là vài trong số nhiều “thủ thuật” mà các doanh nghiệp đang áp dụng để giả mạo dữ liệu tiêu thụ điện, nhằm có được bản thống kê “đẹp” cho chính quyền địa phương báo cáo lên cấp trung ương.

Chính quyền Bắc Kinh đã dựa vào dữ liệu tiêu thụ điện năng để làm thước đo đánh giá tỷ lệ các doanh nghiệp đã trở lại “cuộc đua” kinh tế, và yêu cầu các chính quyền địa phương phải trợ cấp một phần chi phí điện để khuyến khích các doanh nghiệp trở lại làm việc, nhưng đồng thời cũng “áp đặt” hạn ngạch năng suất bắt buộc lên các doanh nghiệp đó.

Tỉnh Chiết Giang, nằm ở phía đông tâm chấn Vũ Hán đã được Bắc Kinh chọn làm nơi “thí điểm” để kiểm tra mức tiêu thụ điện của các doanh nghiệp. Để đối phó với “cấp trên”, các quan chức tỉnh Chiết Giang đã ra lệnh cho các công ty trên toàn tỉnh thắp sáng đèn điện và cho máy móc chạy cả ngày để tăng năng suất tiêu thụ điện.

Ngày 24/2, Phó Chủ tịch tỉnh Chiết Giang, ông Chen Guangsheng đã khoe với truyền thông rằng, tỉnh Chiết Giang là “tấm gương điển hình” cho sự ‘hồi phục’ của ngành công nghiệp cả nước. Một số nhà máy sản xuất của tỉnh đã đạt tỷ lệ trở lại làm việc tới 98,6% và tại các doanh nghiệp dịch vụ là 95,6% so với thời điểm trước khi CORONAVIRUS VŨ HÁN bùng phát.

Lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết, hơn 99% các công ty trong tỉnh có doanh thu xuất khẩu hằng năm trên 10 triệu đôla đã khởi động sản xuất trở lại. Bản cáo đầy những số liệu “màu hồng” này đã được lãnh đạo tỉnh gửi tới Trung Nam Hải.

Giám đốc một công ty ở Ôn Châu – trung tâm thương mại lớn của tỉnh Chiết Giang xác nhận đã nhận được “chỉ tiêu” tiêu thụ điện phải bằng một nửa so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng ngay cả khi hạn ngạch ấy giảm đi một nửa, công ty cũng không thể đáp ứng được. Cách tốt nhất để đối phó với chính quyền là chủ công ty đã cho tất cả các máy điều hòa chạy cả ngày.

Hàng Châu – thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi đặt trụ sở của Công ty Alibaba đã nhận được chỉ tiêu tiêu thụ điện là 75% (vào ngày 8/1) và phải đạt ít nhất 90% (vào ngày 10/3). Tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ điện thực tế tại một khu công nghiệp Hàng Châu vào ngày 8/3 chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 75% và 90%.

Một quan chức quận ở thủ phủ Hàng Châu tiết lộ với Caixin rằng, trong khi dây chuyền thiết bị sản xuất trong các nhà máy không hoạt động thì tại khối văn phòng của các nhà máy ấy, máy tính, điều hòa, đèn điện hoạt động hết công suất. Điều này chỉ để đối phó với Bắc Kinh muốn kiểm tra các số liệu tiêu thụ năng lượng để đánh giá sự trở lại của các công ty.

Caixin không nêu đích danh tên quận để bảo vệ danh tính các quan chức, những người có thể phải đối mặt với sự trừng phạt của Bắc Kinh vì tiết lộ thông tin.

Quan chức quận tiết lộ, thay vì áp đặt các mục tiêu sản xuất trực tiếp tới các công ty, hãng xưởng thì chính quyền Bắc Kinh lại giao “hạn ngạch” cho các quan chức cấp tỉnh, buộc họ phải chịu trách nhiệm đôn đốc các chủ doanh nghiệp tại địa phương của mình. Khi chính phủ đặt sức ép lớn lên vai chính quyền địa phương, thì phải lãnh hậu quả cuối cùng vẫn chỉ là doanh nghiệp và người lao động.

Những quan chức tỉnh sẽ phải thường xuyên đến các công ty, công xưởng để hối thúc các chủ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất như một cách thể hiện “sự quan tâm và hỗ trợ” của Đảng tới quần chúng nhân dân. Áp lực từ cấp trên rót xuống đã khiến các quan chức địa phương và các chủ doanh nghiệp “bắt tay” với nhau để cùng dối trá.

Áp đặt một đằng, thực hiện một nẻo

Chiết Giang không phải là tỉnh duy nhất “phù phép” số liệu để báo cáo gửi lên chính quyền trung ương. Tại thành phố công nghiệp nhỏ Botou, cách Bắc Kinh 230 km về phía nam, tờ Caixin cũng phát hiện thấy các nhà máy được chính quyền địa phương báo cáo lên Trung Nam Hải là đã hoạt động trở lại, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Bất chấp các chỉ thị từ trên rót xuống, chính quyền các địa phương vẫn không sẵn sàng mạo hiểm vì e ngại dịch bệnh tiếp tục bùng phát, điều đó đồng nghĩa với việc các công ty không thực sự làm việc trở lại.

Giám đốc điều hành của một công ty tại Botou hé lộ, chính các quan chức tại Botou yêu cầu ông báo cáo sai số lượng nhân viên trở lại làm việc, và thậm chí họ còn hướng dẫn cho các công nhân của ông cách nói dối nếu họ nhận được cuộc gọi từ thanh tra viên của chính phủ.

Quan chức tại Botou cho biết, ít nhất 228 doanh nghiệp trong khu vực Botou đã hoạt động trở lại. Nhưng thực tế, một số công ty nói rằng họ đăng ký là đã khởi động sản xuất trở lại, nhưng chưa thể bắt đầu sản xuất ngay được bởi các công ty chỉ được phép tiếp tục kinh doanh sau khi đáp ứng được các biện pháp kiểm soát virus Corona với chính quyền địa phương, và phải được các quan chức địa phương xác nhận.

Ngay cả khi nếu chủ công ty, nhà máy đáp ứng các biện pháp kiểm soát ngăn chặn virus, thì họ vẫn phải đối mặt với lệnh phong tỏa của chính quyền, khiến mọi tuyến đường giao thông bị bế quan tỏa cảng, không thể vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Đồng thời các nhà máy cũng phải vật lộn để tìm đủ số công nhân – vốn chưa thể trở lại làm việc bởi lệnh phong tỏa. Và giả dụ nếu các công nhân có trở lại làm việc, thì họ cũng phải tuân theo các quy tắc kiểm dịch – vốn gây cản trở tiến trình sản xuất tại các nhà máy.

Raymond Yeung, nhà kinh tế học của Greater China tại ANZ cho biết: “Một mặt, ĐCSTQ coi biện pháp phong tỏa là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn virus lây lan, nhưng mặt khác chính biện pháp này lại đang cản trở hoạt động kinh tế.”

Vậy làm thế nào để các nhà máy, công xưởng có thể nhanh chóng trở lại làm việc bình thường? Câu trả lời phụ thuộc vào 300 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc, hơn 2/3 trong số đó (chiếm khoảng hơn 200 triệu người đang lơ lủng với mối họa thất nghiệp) vẫn không thể trở lại làm việc vì chịu tác động của lệnh phong tỏa cũng như các quy tắc kiểm dịch của chính quyền Bắc Kinh.

Điều đó cho thấy, các quyết sách của chính quyền Trung Quốc khá bất nhất, nói một đằng làm một nẻo. Chỉ khổ các doanh nghiệp và người lao động đang oằn mình chịu đựng áp lực từ tứ phía: Phía trước là virus Corona, phía sau là quyền lực của nhà cầm quyền. Đối với họ, cả hai “thế lực” này đều nguy hiểm ngang nhau.

Thứ tư ngày 11 tháng 3 năm 2020

Tác giả: Xuân Trường

http://trannhuong.net/tin-tuc-54720/trung-quoc-dau-kho-khi-doi-tra-duoc-dap-tra-bang-doi-tra.vhtm

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh