Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Đại dịch virus corona : Đảng Cộng Sản Trung Quốc càng hung hăng với phương Tây


Hình ảnh Tập Cận Bình đi thăm Vũ Hán được chiếu trên màn ảnh rộng trước một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/03/2020 REUTERS/Thomas Peter.

Nhà Trung Quốc học Alice Ekman, phụ trách châu Á của Viện nghiên cứu An ninh Liên Hiệp Châu Âu khi trả lời Le Figaro ngày 18/03/2020 đã nhấn mạnh, theo đảng Cộng Sản Trung Quốc, tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới đều do Hoa Kỳ và các đồng minh gây ra. Từ Biển Đông, Đài Loan cho đến các cuộc «cách mạng màu», hay Hồng Kông… thuyết âm mưu được tăng cường, thậm chí còn dám trơ tráo khẳng định con virus Vũ Hán là do bên ngoài đưa vào!

Cuộc khủng hoảng virus corona tiết lộ những gì về tính chất của chế độ Trung Quốc ?

Tuy nạn dịch không thay đổi sâu sắc bàn cờ chính trị Trung Quốc, nhưng nó nhắc nhở sự hiện diện khắp nơi của đảng Cộng Sản, được tăng cường từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2013. Đảng có mặt ở tất cả các thang bậc xã hội, từ bệnh viện, trường đại học cho đến những khu nhà ở…Đảng Cộng Sản Trung Quốc có 90 triệu đảng viên, và còn tiếp tục kết nạp, kể cả trong số nhân viên y tế trong nạn dịch virus corona. Hệ thống kiểm soát xã hội và chính trị vẫn theo kiểu mao-ít.

Từ khi nắm quyền, Tập Cận Bình đã kêu gọi tăng cường « giám sát lẫn nhau » giữa các cá nhân ở mọi tầng lớp, song song với việc phát triển giám sát bằng công nghệ. Các ban điều hành khu phố có nhiệm vụ phổ biến các thông cáo của đảng, thu thập thông tin, giám sát thái độ, tham gia cuộc « chiến tranh nhân dân » chống con virus Vũ Hán.
Cho dù tương lai của cá nhân các nhà lãnh đạo và những cuộc khủng hoảng mà họ đang phải đối mặt sẽ như thế nào, khó thể cho rằng đảng sẽ sụp đổ trong một sớm một chiều, vì mạng lưới hiện nay hết sức dày đặc.

Đảng quay lại với thói cũ là che giấu sự thật và đàn áp, góp phần làm nạn dịch bùng nổ. Người dân lên tiếng chỉ trích, nhưng rồi lại rơi vào im lặng…

Vào đầu tháng Hai, cái chết của Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong số các bác sĩ ở Vũ Hán đã cảnh báo về con virus, đã gây xúc động trên toàn quốc. Nhiều người đã chia sẻ sự phẫn nộ trên mạng xã hội, và vinh danh vị bác sĩ mà ban đầu đã bị công an bắt giữ vì « lan truyền tin đồn ».

Nhưng ít lâu sau vụ này, kiểm duyệt đã được tăng cường và các cơ quan tuyên truyền cố gắng sửa chữa bằng cách nâng bác sĩ Lý lên hàng người hùng quốc gia. Điều này không có nghĩa là bất bình đã chấm dứt, nhưng việc bày tỏ ý kiến trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn. Các cơ quan kiểm duyệt và tuyên truyền, di sản xô-viết, vốn rất mạnh.

Có thể định nghĩa chế độ Trung Quốc như thế nào ?

Đó là một hệ thống hỗn hợp, pha trộn giữa nhiều ảnh hưởng (xô-viết, mao-ít, dân tộc chủ nghĩa, thực dụng, tư bản chủ nghĩa…) nhưng vẫn tiếp tục cao giọng tự xưng là cộng sản. Không nên đánh giá thấp tỉ trọng ảnh hưởng xô-viết và mao-ít trong hỗn hợp này, nhất là Tập Cận Bình – người tự cho là một nhà tư tưởng mác-xít lớn – trong những năm gần đây hứa hẹn một Trung Quốc đỏ, không chỉ trên lý thuyết.

Trên lãnh vực kinh tế, trọng lượng của các đảng bộ đã được tăng cường tại các công ty quốc doanh mà hiện tất cả đều có cơ sở đảng, còn các công ty tư nhân được khuyến khích thành lập tổ đảng. Giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê được đẩy mạnh trong các trường đại học. Các buổi tự kiểm, tự phê giữa đồng nghiệp, di sản từ thời Mao, lại tái hiện.

Để thăng tiến, trong suốt quá trình làm việc các cán bộ đảng phải được đánh giá là trung thành với lý tưởng. Trong khuôn khổ chiến dịch uốn nắn được tung ra trong hai năm gần đây, Tập Cận Bình đòi củng cố « sự trong sáng của ý thức hệ », « nạo tận xương để thải loại chất độc », « xoay lưỡi dao về phía mình », « xây dựng một đảng cứng như chất thép »…những từ ngữ này không phải là vô hại.

Trung Quốc có tìm cách phổ biến mô hình của mình ra nước ngoài ?

Vâng. Trung Quốc ngày càng tự cho mình là điển hình để noi theo, trước hết là đối với các nước đang phát triển. Ngành ngoại giao nói về « giải pháp Trung Quốc » cho thế giới, nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng trước đó tại Hoa lục. Chẳng hạn, Bắc Kinh cố chứng tỏ vị trí hàng đầu trong số những thành phố thông minh, về công nghệ viễn thông, giám sát.

Tuy mô hình đô thị này kém hấp dẫn và ngày càng bị đặt dấu hỏi tại châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng lại bắt đầu thu hút ở Kenya hay Ethiopia và một số nước Đông Nam Á, Bắc Phi, Trung Đông. Từ khi đạt vị thế nền kinh tế thứ nhì thế giới và nhất là khi Tập Cận Bình lên ngôi với lời kêu gọi « tự tin », gia tăng sự « tin tưởng vào chế độ », Trung Quốc không còn ngần ngại quảng bá mô hình cai trị được coi là « ưu việt » của mình, và phá bỏ hệ thống chính trị Âu Mỹ.

Xu hướng này rất rõ trong bối cảnh đại dịch virus corona, khi báo chí và ngành ngoại giao Trung Quốc thi nhau ca ngợi phương pháp xử lý khủng hoảng của Bắc Kinh và kêu gọi các nước khác noi gương.

Một sự cạnh tranh dữ dội về mô hình quản lý đã diễn ra trước khi có nạn dịch virus Vũ Hán, và có thể kéo dài trong những năm tới, do quyết tâm chính trị của Trung Quốc rất mạnh mẽ. Bắc Kinh đã tuyên xưng cho « sự biến mất của chủ nghĩa tư bản và chiến thắng của chủ nghĩa xã hội vào hồi kết ».

Trung Quốc của Tập Cận Bình muốn chứng tỏ với thế giới là lý tưởng cộng sản chưa bị biến mất cùng với sự sụp đổ của Liên Xô. Ông chủ tịch Trung Quốc chủ trương một chủ nghĩa mác-xít công nghệ theo kiểu mới, phù hợp với thời đại, và khẳng định tư thế người cải cách chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Tuy chủ nghĩa này tỏ ra lỗi thời, nhưng đó chính là điều mà Tập Cận Bình kiên quyết khẳng định trước các ủy viên trung ương đảng.

Bà nêu ra việc đảng Cộng Sản Trung Quốc tự cho là ưu việt, họ có thể tỏ ra thù địch với phương Tây đến mức nào ?

Họ sẽ cứng rắn hơn nhiều trong tương quan lực lượng giữa các Nhà nước – đôi khi đè nặng lên các doanh nghiệp hoặc cá nhân, thô bạo hơn trong các tuyên bố và về ngoại giao…Đặc biệt là luôn trả đũa theo kiểu « mắt đổi mắt, răng đổi răng » với Washington, trong bối cảnh căng thẳng kéo dài về thương mại và công nghệ.

Trung Quốc của Tập Cận Bình cho rằng về bản chất, phương Tây không thể áp đặt phương pháp của mình mà ngược lại, không nên ngần ngại dạy cho Âu Mỹ các bài học. Họ có tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc điển hình để noi theo, và vượt qua mặt phương Tây – mà theo họ đã ấn định các quy luật cuộc chơi, nhất là tại các tổ chức đa phương, trong thời gian quá dài.

Tâm lý căm ghét phương Tây luôn tiềm ẩn trong giới ăn trên ngồi trước của đảng (hơn là so với trong dân chúng). Đây là một phần của giáo dục chính trị truyền thống – vẫn luôn nhấn mạnh đến « sự ô nhục » trong thời kỳ chiến tranh nha phiến và các hiệp ước bất bình đẳng – ngày càng thấy rõ trong những năm gần đây.

Theo quan điểm của đảng, tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới đều do Hoa Kỳ và các đồng minh gây ra. Từ Biển Đông, Đài Loan cho đến các cuộc « cách mạng màu », hay Hồng Kông, nơi các sinh viên đã bị thế lực nước ngoài giựt dây. Tập Cận Bình thường xuyên nêu ra việc các « thế lực thù địch phương Tây » tìm cách gây bất ổn cho Trung Quốc, luôn chỉ trích và làm đảng yếu đi.

Trong bối cảnh đó, thuyết âm mưu được tăng cường, và truyền thông nhà nước trở nên hung hăng hơn. Thậm chí còn dám trơ tráo khẳng định con virus Vũ Hán là do bên ngoài đưa vào!

Nguồn: RFI/Thụy My

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh