Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Virus corona: Trung Quốc và tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch


Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm trên toàn thế giới, gần 15.000 người chết. The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về đại dịch này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rốt cuộc cũng đã phải gọi nạn dịch virus corona chủng mới từ Vũ Hán, Trung Quốc nhanh chóng lan tràn trên toàn thế giới là « đại dịch ».

Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có gần 15.000 người chết. Câu hỏi đặt ra là tại sao WHO lại mất nhiều thời gian đến thế để hiểu được vấn đề mà nhiều viên chức ngành y tế và trong các chính phủ đã nhận ra từ rất lâu trước đó?

Hai tác giả Bradley A. Thayer, giáo sư đại học Texas-San Antonio và Hàn Liên Triều (Lianchao Han), phó chủ tịch tổ chức Lực lượng Công dân, trên tờ The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về cách xử lý tệ hại trong đại dịch làm cho người chết như rạ này.

Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì diễn ra tại Vũ Hán và những nơi khác ở Trung Quốc. Sau khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng Giêng, ông tổng giám đốc WHO còn giúp Trung Quốc khỏa lấp sự trầm trọng, mức độ lây lan và tầm cỡ của nạn dịch virus corona chủng mới.

Ngay từ đầu, ông Tedros đã bênh vực Trung Quốc, bất chấp cách xử trí vô cùng tệ hại của Bắc Kinh trước nạn dịch siêu lây nhiễm này. Trong khi số trường hợp tử vong tăng vùn vụt, Tổ chức Y tế Thế giới phải mất nhiều tháng trời mới ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch, cho dù các tiêu chí về lây nhiễm từ người sang người, tỉ lệ tử vong cao và đã lây lan khắp thế giới đều đã hội đủ.

Khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một bước quan trọng để ngăn chận con virus Vũ Hán vượt qua biên giới Hoa Kỳ, với việc cấm du hành vào ngày 31 tháng Giêng, Tedros nói rằng cấm đoán đi du lịch các nơi và những hạn chế khác là không cần thiết cho việc chấm dứt nạn dịch. Rằng điều này có thể « làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, mà không có mấy lợi ích cho sức khỏe cộng đồng ». Ông ta cảnh báo, sự can thiệp vào vận chuyển và thương mại có thể gây hại cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng, và khuyên các nước khác không nên theo gương Hoa Kỳ.

Thay vì tập trung vào nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, Tedros lại chính trị hóa cuộc khủng hoảng, và giúp cho Tập Cận Bình trốn tránh trách nhiệm về một loạt những hành động sai trái trong việc giải quyết nạn dịch. Ông tổng giám đốc sử dụng phương tiện của WHO để bênh vực cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Trung Quốc.

Chẳng hạn, từ khi phát hiện ra ca đầu tiên vào tháng 11 cho đến khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, và ngay cả đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn gian trá về nguồn gốc và sự lây lan của con virus. Những ai cố gắng tìm hiểu sự thật đều bị bắt hoặc mất tích, những báo cáo và bài viết của họ trên mạng bị xóa sạch. Trung Quốc thông tin không đầy đủ và dối gạt thế giới, còn Tedros cũng tham gia nỗ lực này qua việc công khai ca ngợi « sự minh bạch » của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống nạn dịch lây lan.

Khi Tập Cận Bình ra lệnh cho các quan chức y tế Trung Quốc gia tăng phát triển thuốc bằng cách sử dụng « đông y cổ truyền trên cơ sở thảo dược Trung Quốc phối hợp với tây y », tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới mang tên « Hỏi đáp về virus corona (Covid-19) » đã có sự thay đổi khéo léo.

Cư dân mạng Trung Quốc nhận ra có sự khác biệt giữa bản tiếng Hoa và bản tiếng Anh về danh sách những biện pháp không hiệu quả để chống con virus Vũ Hán. Phiên bản Anh ngữ liệt kê bốn loại hành vi : hút thuốc, mang nhiều lớp khẩu trang, dùng thuốc kháng sinh và thảo dược truyền thống. Nhưng trong bản tiếng Hoa không nêu ra việc sử dụng đông dược!

Gần đây Bắc Kinh hứa hẹn sẽ chi 20 triệu đô la để giúp Tổ chức Y tế Thế giới chống lại dịch virus corona, và ông Tedros đã cảm ơn Tập Cận Bình. Nhưng hai tác giả bài viết ghi nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và quê hương của ông Tedros là Ethiopia. Đất nước này nay được mệnh danh là « Tiểu Trung Quốc » của Đông Phi, vì đã trở thành đầu tàu lan tỏa ảnh hưởng Trung Quốc, và là mũi nhọn của Sáng kiến Vành đai & Con đường tại châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào Ethiopia.

Tedros được bầu làm tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, mặc dù ông xuất thân từ ngành sinh học chứ không phải là bác sĩ, không hề có kinh nghiệm quản lý y tế toàn cầu. Nguyên là bộ trưởng y tế và ngoại trưởng Ethiopia, Tedros là thành viên của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Đảng chính trị này lên nắm quyền sau những biến động năm 1991 và bị cho vào cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu.

Sau khi trở thành người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros bị chỉ trích vì các nỗ lực để bổ nhiệm nhà độc tài Robert Mugabe làm đại sứ thiện chí của WHO, bất chấp những vi phạm nhân quyền của tổng thống Zimbabwe và sự xuống dốc của hệ thống y tế nước này (bản thân ông Mugabe cũng phải sang Singapore chữa bệnh).

The Hill kết luận, đại dịch virus Vũ Hán đã chứng tỏ ông Tedros không phù hợp với chức vụ người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới. Bởi vì dưới sự lãnh đạo của ông, thế giới có thể đã mất đi cơ hội chặn đứng nạn dịch hoặc giảm bớt sự hoành hành của nó.

Giờ đây con số người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên trên khắp thế giới và chẳng biết đến bao giờ mới dừng lại, nhiều quốc gia đã phải tự phong tỏa, nhiều người vô tội đã mất mạng vì thảm họa virus Vũ Hán. Với tư cách tổng giám đốc WHO, ông Tedros phải chịu trách nhiệm về sự quản lý tồi tệ của mình.

Về phía Trung Quốc thì ra sức tung hỏa mù để « viết lại lịch sử » về đại dịch virus Vũ Hán. Sau khi lan truyền giả thiết con virus này đến từ…Mỹ hay từ Nhật Bản, đến lượt nước Ý đang tang tóc bị tờ báo hung hăng nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc là Global Times đổ tội. Hôm 22/03/2020 tờ này viết: « Tại Ý có thể đã xuất hiện chứng viêm phổi không thể giải thích được vào đầu tháng 11 và 12/2019, rất đáng nghi là triệu chứng của Covid-19 ».

Chuyên gia Valérie Niquet bình luận trên Twitter: « Ý đã mở đường bay trực tiếp tới Vũ Hán, và cho phép công dân Trung Quốc đến Ý sinh sống và làm việc trong các nhà xưởng. Hiện nay có hơn 300.000 người Trung Quốc sống tại Ý, theo Fortune Magazine, và hơn 90% trong số đó làm trong ngành may mặc. Đó là lý do khiến tình hình miền bắc Ý trở nên tồi tệ nhất.

Và nay thì Trung Quốc bắt đầu đổ cho Ý là nơi có ca đầu tiên từ tháng 11. Vâng, có lẽ thế, trường hợp đầu tiên có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc, thông qua việc làm ăn và thăm thân nhân giữa cộng đồng người Hoa đông đảo này với quê quán của họ ở Trung Quốc ».

Nguồn: RFI/Thụy My

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh