Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Chuyên gia Pháp: Bắc Kinh viện trợ để làm quên nguồn gốc virus Vũ Hán


Phái đoàn Trung Quốc mang khẩu trang đến giúp Hy Lạp chống dịch, ngày 21/03/2020. © REUTERS/Alkis Konstantinidis.

Trung Quốc chi viện chỉ một phần rất nhỏ sản lượng khẩu trang của mình nhưng tuyên truyền rầm rộ, hành động song phương để làm nổi bật vai trò Bắc Kinh. Điều nghịch lý là viện trợ của Hoa Kỳ cao gấp 10 đến 100 lần so với Trung Quốc. Việc chính quyền Trump không quảng bá gì là một sai lầm cực lớn.

Chuyên gia về châu Á François Godement của Viện Montaigne khi trả lời phỏng vấn của báo La Croix ngày 24/03/2020 đã nhận định, việc Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ khi giúp đỡ một số nước về y tế trong đại dịch virus corona, là nhằm làm quên đi xuất xứ của con virus Vũ Hán.

Trung Quốc gởi thiết bị y tế đến châu Âu để giúp chống dịch. Phải chăng để chứng tỏ « quyền lực mềm » của Bắc Kinh, vốn luôn tìm cách xuất hiện như một mạnh thường quân giàu lòng vị tha ?

François Godement: Phương diện đầu tiên của sự trợ giúp này là lợi ích rất cụ thể của nó : giờ đây ai có thể từ chối các khẩu trang và máy giúp thở của Trung Quốc ? Mặt khác, là các bài diễn văn đi kèm. Đó là nhằm làm quên đi ổ dịch đầu tiên là từ Vũ Hán, quên rằng giải pháp ban đầu của Trung Quốc là thảm họa. Virus đã lây từ loài vật sang con người, từ khi phát hiện trường hợp thứ nhất cho đến khi thông tin cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ các nước khác trễ mất ba tuần lễ, từ ngày 31/12/2019 cho đến ngày 21/01/2020.

Đồng thời chính quyền Trung Quốc ra lệnh phong tỏa hết sức nghiêm ngặt, và cách này tỏ ra hiệu quả. Ngoài ra Trung Quốc cũng có khả năng sản xuất 115 triệu khẩu trang mỗi ngày, và từ nay đến cuối tháng có thể lên đến 200 triệu khẩu trang. Nhu cầu ở Hoa lục vẫn rất lớn, và số lượng gởi ra nước ngoài trên thực tế không nhiều – từ 2 đến 4 triệu khẩu trang cho toàn bộ châu Âu – tức là chỉ một phần rất nhỏ của sản lượng hàng ngày.

Tiếp đến, cung cách của Bắc Kinh luôn là hành động theo kiểu song phương, giữa hai chính phủ, để làm nổi bật vai trò của mình. Trong thời kỳ dịch Ebola năm 2014, Trung Quốc không hề thông qua Tổ chức Y tế Thế giới. Bắc Kinh khoa trương những hành động của mình tại châu Phi với một bộ máy tuyên truyền quy mô, tương phản hẳn với truyền thông châu Âu.

Trung Quốc nay xuất hiện như nhân tố hàng đầu, trong khi việc Luxembourg, hai bang của Đức là Saarland (Sarre), Baden-Württemberg (Bade-Wurtemberg), Thụy Sĩ dành các giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân các nước láng giềng, và ngay cả những nỗ lực của Ủy Ban Châu Âu cũng không được đưa tin rộng rãi.

Phải chăng Trung Quốc muốn lấp chỗ trống của vai trò lãnh đạo mà Hoa Kỳ đã để lại ?

Nghịch lý là đóng góp của Hoa Kỳ vào các tổ chức quốc tế và viện trợ cho các nước khác cao gấp 10 đến 100 lần so với Trung Quốc. Viện trợ của chính phủ thì lớn gấp 10 lần, còn đóng góp của lãnh vực tư nhân thì cao hơn Trung Quốc đến 100 lần, chẳng hạn Fondation Bill-Gates và các tổ chức khác. Việc chính quyền Trump không quảng bá gì là một sai lầm cực lớn.

Ngược lại, Trung Quốc liên tục có những tuyên bố đầy thiện chí, nhưng hành động lại chẳng bao nhiêu. Phương pháp « quyền lực mềm » của Bắc Kinh có vẻ là phương pháp tự kỷ ám thị. Cách này mang lại kết quả trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi « soft power » Mỹ hầu như hoàn toàn thiếu vắng, dù Washington vẫn hành động nhưng lại không vận dụng truyền thông.

Bắc Kinh đã chứng tỏ tính hiệu quả của mô hình cai trị độc đoán ?

Đài Loan, Hàn Quốc, Israel là các chế độ dân chủ, và hiện nay họ sử dụng những công cụ kỹ thuật số để truy tìm những ai tiếp xúc với những người nghi nhiễm bệnh, và giám sát việc phong tỏa. Sự khác biệt chủ yếu liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ở châu Âu.

Tất nhiên là Trung Quốc tiếp tục các mục tiêu chính trị. Trước hết là thông qua chiến dịch bóp méo thông tin để làm quên đi chính tại Trung Quốc mà con virus Vũ Hán đã lan rộng một cách điên cuồng. Phát ngôn viên chính thức của bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cáo buộc quân đội Mỹ đã cố tình mang virus corona đến Vũ Hán. Và nay thì Bắc Kinh cho lan rộng một cách phổ biến hơn nữa thông tin là con virus này có thể xuất xứ từ Ý !

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch tễ nghiêm trọng này đã gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin tại châu Âu, giữa người dân và chính phủ – trước hết là Liên Hiệp Châu Âu, bị cáo buộc đủ loại sai lầm – Trung Quốc cũng có thể hy vọng được coi là một điển hình để noi theo. Nhưng không phải Trung Quốc có thể mang lại nguồn lực cần thiết cho một kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế châu Âu.

Có thể chờ đợi gì từ cuộc chiến tranh tuyên truyền này ?

Nếu Trung Quốc tiếp tục trốn tránh cuộc điều tra về nguyên nhân xảy ra đại dịch, thì có đủ các lý do để họ có thể lo lắng về tai tiếng. Ngược lại, nếu Bắc Kinh tái khởi động bộ máy sản xuất và nhanh chóng tìm lại sự năng động về kinh tế, Trung Quốc có thể được coi là mô hình, cho dù khó thể hình dung nổi một sự tăng trưởng như thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch virus Vũ Hán.

Nguồn: RFI/Thụy My

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh