Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Trung Quốc vẫn tăng cường hiện diện tại Biển Đông bất chấp dịch COVID-19


Trung Quốc tận dụng thời thế

Hôm 20 tháng 3 năm 2020, Tân Hoa Xã cho hay Trung Quốc đã lắp đặt hai trạm nghiên cứu tại Đá Chữ Thập và Su Bi, thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cho rằng việc thiết lập các trạm nghiên cứu mới sẽ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu thực địa trong các lĩnh vực sinh thái, địa lý và môi trường. Các trạm này cũng có thể theo dõi các thay đổi sinh thái và địa chấn trong các vùng quan trọng ở Biển Đông.

Trang tin Global Nation Inquirer của Philippines trích lời Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh rằng, một số người cho rằng đại dịch COVID-19 đang diễn ra sẽ làm Bắc Kinh bớt quan tâm tới những điểm nóng ở Biển Đông. Sự thật không phải thế. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng tác chiến.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng, không vì đại dịch toàn cầu mà Trung Quốc tạm ngưng mưu đồ bành trướng của mình mà ngược lại còn gia tăng áp lực trên Biển Đông. Ông phân tích:

Các tàu của Trung Quốc di chuyển liên tục từ phía đảo Hải Nam xuống bảy cứ điểm họ đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa để chứng minh mình có sự hiện diện thường xuyên trên Biển Đông. Trung Quốc không hề ngưng nghỉ.

Chính vì hành động của Trung Quốc như vậy đã làm nhiều nhà quan sát tình hình Đông Nam Á, tình hình khu vực Biển Đông cảm thấy không an tâm với những phát biểu về hòa bình, ổn định của Bắc Kinh đối với ASEAN cũng như thế giới.

Để đáp trả những hành động của Trung Quốc, Mỹ đã có cuộc tập trận trên biển Philippines mấy ngày vừa qua. Hành động của Mỹ là dấu hiệu răn đe tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một số nhà quan sát cho rằng, việc lắp đặt thêm hai trạm nghiên cứu tại quần đảo Trường Sa này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thuộc địa hóa Biển Đông vào lúc cả thế giới đang lo phòng chống đại dịch COVID-19.

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông thì chiến lược của Trung Quốc là luôn luôn quan tâm đến thế thời. Có lẽ đây là lúc họ cho rằng thế thời mạnh nhất, họ phải nhanh chóng đạt mục đích. Vì thế việc Trung Quốc ngừng tay trong lúc này là chuyện không có. Ông nói:

“Thực ra thì lúc xảy ra dịch cho đến nay, Trung Quốc không hề ngưng nghỉ trên Biển Đông. Ban đầu họ có vẻ hơi rối trong nước khi tâm dịch bùng phát ở Vũ Hán với số người chết quá lớn. Tuy rối nhưng những hành động bên ngoài, nhất là Biển Đông không hề giảm sút, cũng không tăng. Sau này, khi thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ bắt đầu bùng phát dịch, Trung Quốc bắt đầu ổn thì nước này lại tiếp tục hành động ở Biển Đông.

Theo tôi nhận định, dựa trên tất cả những gì Trung Quốc đã làm như ngang nhiên xây những trạm thí nghiệm; tập trận mạnh mẽ hơn để trả đũa việc tập trận của Hoa Kỳ, vân vân…thì rõ ràng Trung Quốc không hề giảm sự chú ý ở Biển Đông”.

Hôm 10 tháng 3 năm 2020, chiến hạm Mỹ USS McCampbell tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh gọi đây là một “hành động khiêu khích” của Mỹ.

Một năm trước, hôm 7 tháng 1 năm 2019, chiến hạm này cũng đã đi qua vùng 12 hải lý của các đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Cũng với chiến dịch thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông, ngày 11 tháng 2 năm 2019, hai tàu chiến Mỹ USS Spruance và USS Preble đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa.

Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển AFP

Hôm 19 tháng 3 năm 2020, tàu khu trục USS Barry và tuần dương hạm USS Shilohhai tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Philippines. Giới phân tích cho biết cuộc tập trận gửi thông điệp rõ ràng rằng đó là thách thức cho hệ thống vũ khí tiên tiến của quân đội Trung Quốc.

Thế giới chỉ phản ứng suông?

Chuyện Trung Quốc thực hiện việc xây lấp và quân sự hóa các đảo, bãi đá ở Biển Đông xảy ra từ nhiều chục năm trước nhưng thực sự chưa có nước nào ngăn cản được mà chỉ là những phản ứng suông.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện Quốc phòng Úc từng nói với RFA rằng, Hoàng Sa thực ra đã được quân sự hóa từ lâu trước khi Trung Quốc đưa giàn tên lửa lên đây. Từ thập niên 90 Trung Quốc đã cho xây dựng sân bay tại đây và sau đó cho mở rộng sân bay này. Họ đặt ở đó những máy bay chiến đấu hiện đại nhất cho nên họ có khả năng đánh chặn và cho máy bay bay ra khu vực biển Đông từ đó.

Nhân chuyện Trung Quốc cho lắp đặt hai trạm nghiên cứu tại quần đảo Trường Sa khi cả thế giới căng mình chống đại dịch COVID-19, ông Đinh Kim Phúc nhận định:

“Vấn đề đặt các trạm nghiên cứu, đặt các cơ sở hậu cần trên bảy cụm đảo đá ngầm mà Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa không phải là mới. Họ đã có kế hoạch từ ba năm trước nhưng không biết vì lý do gì Trung Quốc chưa tiến hành. Bây giờ họ mới bắt đầu triển khai kế hoạch của họ.

Mỹ lên tiếng, Nhật lên tiếng, cộng đồng Châu Âu lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Nhưng họ lên tiếng về vấn đề tự do hàng hải, về vấn đề an ninh khu vực chứ họ không hề lên tiếng can thiệp vấn đề chủ quyền của các đảo, bãi đá trên Biển Đông như Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.”

Theo ông Đinh Kim Phúc thì các nước lớn trên thế giới cũng không dại gì xen vào vấn đề chủ quyền. Họ sẽ rất khó mặc cả với Trung Quốc trong những vấn đề về thương mại, về bang giao, về những vấn đề chiến lược của các cường quốc trên thế giới.

Cuối tháng 1 năm 2019, mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, dẫn thông báo của Bộ GTVT Trung Quốc cho hay, nước này vừa xây một trung tâm cứu hộ hàng hải tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Với cơ sở mới này Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch biến nơi này thành một trung tâm hậu cần lớn nhất ở Biển Đông.

Đá Chữ Thập chỉ mới là đảo nhân tạo lớn thứ ba trong số những đảo mà Trung Quốc bồi lắp nên tại khu vực Trường Sa. Hai đảo lớn hơn có diện tích mỗi đảo gần gấp đôi Đá Chữ Thập là Subi và Vành Khăn.

Thạc sĩ Hoàng Việt kết luận:

“Cho đến bây giờ, tất cả những hành động của Trung Quốc đều rất chặt  chẽ. Thế giới lên án nhưng không hề ngăn chặn được quá trình hành động của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng thế. Khi Trung Quốc bồi lấp, quân sự hóa các đảo nhân tạo, Hoa Kỳ cũng phản đối nhưng không ngăn cản được. Đó là điều hết sức nguy hiểm mà cần phải theo dõi kỹ.”

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn mà họ tự vạch ra. Đường này đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế ở La Haye tuyên không có căn cứ về pháp lý vào ngày 12 tháng 7 năm 2016.

Nguồn: RFA

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh