Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Chuyện công hàm Phạm Văn Đồng: không phản đối là đồng tình


Cần thấy rõ rằng là ngay sau ngày được gọi là thống nhất đất nước, và sau đó là chấm dứt chiến tranh biên giới với ‘bọn bành trướng xâm lược Bắc Kinh’, các ‘bề trên’ ở Hà Nội vẫn không có phản đối nào bằng văn bản phù hợp với những điều ước quốc tế về liên quan nội dung ‘công hàm Phạm Văn Đồng’.

Thật ra thì việc Trung Quốc nhắc đến công hàm/ công thư năm 1958 ký bởi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng không phải là sự kiện hiếm hoi mới mẻ. Có lẽ gần như hàng năm, cứ mỗi khi có cuộc chiến công hàm giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc đều nhắc tới, và như thường lệ, Việt Nam lại đưa ra lý lẽ phản bác. Chỉ là những cuộc chiến này đã không được làm truyền thông nên có lẽ vì vậy mà ít người để ý tới.

Bắc Kinh nói gì?

Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục viện dẫn Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một bằng chứng về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:

“Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.

Dù bản công hàm đó của Chính phủ VNDCCH không nêu cụ thể về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bản Tuyên bố của Trung Quốc nêu rất rõ về hai quần đảo này và hải phận có liên quan.

Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, loại quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa; và năm 1988, đổ bộ lên một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.

Vì sao Hà Nội đồng tình?

Lập luận của Hà Nội như sau: Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH -Trung Quốc lúc đó vừa là đồng chí vừa là anh em.

Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ.

Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan.

Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ, và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.

Nhìn từ góc độ công pháp quốc tế

Những thuật từ “quyết định”, “ghi nhận”, “tán thành”, “tôn trọng”… là những thuật từ “luật học”, có hiệu lực pháp lý, như trong các kết ước giữa quan hệ cá nhân với cá nhân, hay giữa quốc gia, trong bang giao quốc tế.

Như vậy, về nguyên tắc là Bắc Kinh có quyền đưa ra các tuyên bố liên quan về giá trị của công hàm Phạm Văn Đồng trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Thuật từ luật học theo ngôn ngữ Pháp, ‘acquiescement’ được hiểu là nguyên tắc của ‘sự đồng thuận’.

Sau khi Trung Quốc ra tuyên bố đơn phương về lãnh thổ và hải phận ngày 4 tháng 9 năm 1958, thì theo tập quán quốc tế, các nước nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức mà thuật từ luật học gọi là ‘reconnaissance’, tức công nhận. Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm phản đối – ‘protestation’.

Ngay cả tình huống phía Hà Nội chọn im lặng, không bày tỏ ý kiến nào về tuyên bố đơn phương kể trên của Trung Quốc, thì theo tập quán quốc tế, sẽ được hiểu là sự ‘đồng ý ám thị – consentement tacite’, tức một hình thức thụ động của nguyên tắc ‘acquiescement’.

“Thái độ khác, quan trọng hơn cả là sự im lặng của VNDCCH vào tháng giêng năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam. Hành vi xâm lăng này đòi hỏi các bên Việt Nam phải có một thái độ dứt khoát. Phía chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã có hành động quyết liệt, sử dụng quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ lãnh thổ bằng vũ lực, sau đó bằng những tuyên bố tố cáo hành vi Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế. Các hành vi này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa cũng như vùng biển chung quanh.

Trong lúc đó thì sự im lặng của VNDCCH được hiểu là ‘đồng ý ám thị’ hành vi của Trung Quốc là chính đáng. Mặt khác, các bên VNDCCH và Mặt trận giải phóng miền Nam từ chối ký tên vào bản tuyên bố phản đối Trung Quốc do phía Việt Nam Cộng Hòa đề nghị”. Học giả Trương Nhân Tuấn, phân tích.

Cần nhìn nhận sai lầm để có sách lược pháp lý thích hợp

Một nguồn tin cho biết các bản đồ do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960, trên đó quần đảo Nam Sa – tức Trường Sa – được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ do Cục Bản đồ Việt Nam xuất bản năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Ngay cả hiện tại, quan sát trên đường phố sẽ thấy bắt đầu xuất hiện bảng số xe hơi có một góc in hình bản đồ Việt Nam, nhưng chỉ có phần đất liền, không thể hiện các đảo, quần đảo của Việt Nam.

Nhà báo tự do Mạnh Kim, bình luận: “Bao nhiêu năm rồi vẫn cứ né tới né lui. Còn né đến bao giờ! Làm sao Phạm Văn Đồng có thể tự ý ký cái công hàm kia, nếu không có sự bàn bạc và cùng đồng ý của Bộ Chính trị và của cá nhân Hồ Chí Minh, người đang ở đỉnh cao quyền lực thời điểm đó.

Phải gọi chính xác là Công hàm Hồ Chí Minh hoặc ít ra cũng là Công hàm Bộ Chính trị VNDCCH, chứ không phải Công hàm Phạm Văn Đồng. Dĩ nhiên không phải sửa lại cách gọi là có thể sửa lại những sai lầm lịch sử, nhưng điều đó ít ra cũng giúp tránh không bị vướng vào làn khói hỏa mù ngụy biện đổ thừa.

Diễn biến thời cuộc luôn mang lại những trớ trêu lịch sử nhưng lịch sử, cùng lúc, trong nhiều trường hợp, cũng được dẫn dắt bởi một hoặc vài cá nhân. Lịch sử ngoại giao Mỹ thập niên 1970 được điều khiển bởi Kissinger là một ví dụ.

Diễn biến thời cuộc luôn dẫn đến những sự chọn lựa. Vấn đề là người dẫn dắt chọn gì và chọn như thế nào để hậu thế không phải trả giá và để đời sau không phải gánh chịu hậu quả sự chọn lựa tai hại của những kẻ dẫn đường. Dù vậy, lịch sử không phải là thứ định hình một hiện tại bất biến. Vấn đề là có muốn điều chỉnh lại hậu quả lịch sử hay không, hay lại tránh né để tiếp tục tạo ra những bi kịch tiếp theo cho các thế hệ sau”.

Nguồn: Nguyễn Nam @ Vietnamthoibao

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh