Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Hoa Kỳ cử hai tàu chiến đến Biển Đông khi Trung Quốc tiếp tục khảo sát vùng biển Malaysia


Tàu USS America của Hoa Kỳ trên vùng Biển Đông vào ngày 18 tháng 4.

Hôm thứ ba, quân đội Hoa Kỳ cho biết đã đưa một tàu đổ bộ tấn công và tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường đến địa điểm tàu Trung Quốc đang hoạt động khảo sát ở vùng biển Malaysia. Hoạt động này báo hiệu sự ủng hộ của Washington đối với các nước khác trong khu vực khi Trung Quốc tăng cường uy thế giữa mùa đại dịch COVID-19.

Thiếu tá Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, xác nhận tin đã triển khai hai tàu USS America và USS Bunker Hill ra Biển Đông.

Qua email, bà Nicole Schwegman nói: “Thông qua việc có mặt hoạt động liên tục của quân đội Hoa Kỳ ở Biển Đông, chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và các nguyên tắc quốc tế để tạo một nền tảng an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác để xác định lợi ích kinh tế cho chính mình.”

Bà Schwegman không nêu chính xác vị trí của các tàu chiến, nhưng vào hôm thứ ba, hình ảnh vệ tinh do Liên minh Châu Âu cung cấp thông qua dịch vụ EO Browser xác nhận tàu đổ bộ tấn công USS America chỉ cách tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella của Malaysia chưa đến 60 hải lý. Theo phần mềm theo dõi tàu biển, có hàng loạt tàu khảo sát, tàu của lực lượng hải cảnh và các tàu dân quân hàng hải Trung Quốc di chuyển gần đó.

Tàu khảo sát Trung Quốc, với tên là Hai Yang Di Zhi 8 (Hải Dương Địa chất số 8), đã đến vùng biển Malaysia vào ngày 16 tháng 4 và hiện đang khảo sát một khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở giữa khu vực tàu khoan West Capella và bờ biển Malaysia. Vào sáng thứ Ba, tàu Hải Dương Địa chất số 8 cách bờ biển của Malaysia khoảng 180 hải lý và cách Cụm bãi cạn Luconia chỉ 100 hải lý. Cả Trung Quốc và Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với Cụm bãi cạn Luconia, nằm ở phía cực nam của Biển Đông. Vào ngày 17 tháng 4, tàu Hải Dương Địa chất số 8 cũng ở vị trí cách Quần đảo Natuna của Indonesia tròng vòng 200 hải lý.

Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy cuộc khảo sát đang được tiến hành theo cách thức chạy qua lại trên khu vực khoảng 150 hải lý và ngày càng tiến gần hơn đến bang Sarawak của Malaysia.

Vào tuần trước, Lực lượng hải cảnh Malaysia đã xác nhận tàu khảo sát của Trung Quốc đang có mặt tại vùng biển của nước này.

Đồ họa hiển thị đường di chuyển của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất số 8 từ khi có mặt tại vùng biển của Malaysia ngày 6/4
Đồ họa hiển thị đường di chuyển của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất số 8 từ khi có mặt tại vùng biển của Malaysia ngày 6/4 MarineTraffic cùng chú thích bởi BenarNews

Zack Cooper, chuyên gia từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, cho biết có thể do rất nhiều lý do khiến Hoa Kỳ đưa tàu chiến đến khu vực của tàu khảo sát nhưng không chắc rằng Malaysia đã yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp.

“Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ có ý định trực tiếp tham gia thay mặt cho Malaysia, đặc biệt là vì Malaysia có thể không yêu cầu hỗ trợ và cũng không phải là đồng minh trong hiệp ước với Hoa Kỳ,” ông Cooper giải thích. “Tuy nhiên, điều đó rất hữu ích khi các lực lượng Hoa Kỳ có mặt để giúp giám sát các hoạt động của Trung Quốc và cho các bên có tuyên bố chủ quyền thấy rằng quân đội Trung Quốc không phải là lực lượng ngoài cuộc duy nhất có khả năng hoạt động ở Biển Đông.”

Chỉ huy của Nhóm Tác Chiến trên tàu USS America cho biết lực lượng của ông đã có tương tác với lực lượng hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này.

“Tất cả các cuộc tương tác của chúng tôi tiếp tục diễn ra an toàn và chuyên nghiệp với lực lượng của họ”, ông Kacher nói với Reuters qua điện thoại từ tàu USS America.

Trung Quốc đã nói rằng tàu Hải Dương Địa chất số 8 vẫn đang tiến hành các hoạt động bình thường và đã cáo buộc các quan chức Hoa Kỳ bôi nhọ Bắc Kinh, sau khi Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là vụ đánh chìm tàu ​​cá của Việt Nam vào ngày 2/4 khi gặp phải tàu hải cảnh Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã lợi dụng tình hình các quốc gia đang mất tập trung vì dịch COVID-19 để mở rộng các “yêu sách bất hợp pháp” trên Biển Đông.

Tàu Hải Dương Địa chất số 8 hiện đang được hộ tống bởi tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và tàu lực lượng Dân quân Vũ trang biển (People’s Armed Forces Maritime Militia). Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy, hai tàu CCG, Zhongguohaijing 4203 và 1105, đang đi dọc theo tàu Hải Dương và âm thầm theo dõi tàu tiếp tế cho tàu khoan West Capella. Một tàu CCG khác, Haijing 5203, đã đi xung quanh và vào bên trong khu vực Cụm bãi cạn Luconia kể từ ngày 1 tháng Tư.

Tình hình căng thẳng tại vùng tàu khoan West Capella diễn ra khi Bắc Kinh đối mặt với với những phản ứng ngoại giao từ một số nước láng giềng Đông Nam Á trước khẳng định của Bắc Kinh về chủ quyền bao trùm vùng biển giàu tài nguyên này.

Vào cuối tuần qua, Trung Quốc làm căng thẳng tăng thêm khi công bố hai khu hành chính mới tại Biển Đông và phát hành một bản đồ mới đặt tên cho tất cả các đảo và rạn san hô mà nước này tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp, mặc cho những tuyên bố chủ quyền trùng lập từ Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ thực tế đã rút những lực lượng chủ chốt ra khỏi khu vực Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã phải ngưng  triển khai hoạt động  vào ngày 26 tháng 3 do  coronavirus lây lan trên tàu này. Vào thứ Sáu tuần trước, Không quân Hoa Kỳ tuyên bố họ sẽ ngừng triển khai các máy bay ném bom chiến lược đến căn cứ trên đảo Guam thuộc khu vực Thái Bình Dương.

Nhưng ông Cooper cho biết, sự xuất hiện của hai tàu chiến USS America và Bunker Hill “như một lời nhắc nhở rằng lực lượng Hải quân Hoa Kỳ rất to lớn và không phụ thuộc vào chỉ một con tàu để thể hiện sự hiện diện của mình trong khu vực.” Ông cho biết Hoa Kỳ đang sử dụng việc triển khai các tàu này để nhắc nhở Trung Quốc và các bên yêu sách khác ở Biển Đông rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho quyền kinh tế trong khu vực mà tàu Hải Dương Địa chất số 8 đang hoạt động.

Nguồn: RFA

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh