Luật an ninh Hồng Kông: Giới hạn áp lực Mỹ đối với Bắc Kinh
Posted by Luu HoanPho, May 27, 2020, Comments Off
Từ nay đến cuối tuần Hoa Kỳ sẽ công bố kế hoạch trả đũa Trung Quốc về luật an ninh Hồng Kông với những biện pháp “mạnh mẽ”. Tuyên bố này được chính tổng thống Donald Trump cho biết 2 ngày trước khi Quốc Hội Trung Quốc biểu quyết về dự luật nhằm chấm dứt các cuộc xuống đường đòi dân chủ kéo dài từ hơn một năm nay tại Hồng Kông, khai tử mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của đặc khu hành chính chính này.
Washington có thể can thiệp dưới những hình thức nào và áp lực của chính quyền Mỹ sẽ hiệu quả đến đâu ?
Trả lời báo chí ngày 26/05/2020 tổng thống Trump cho biết sẽ thông báo trước cuối tuần này kế hoạch “đáp trả mạnh mẽ” luật an ninh Hồng Kông do Bắc Kinh định đoạt. Nhà Trắng “không hài lòng” chút nào khi thấy Hoa Lục đang tước đoạt quyền tự trị của đặc khu hành chính này. Hoa Kỳ “khó có thể tin rằng Hồng Kông tiếp tục là lá phổi tài chính của châu Á” một khi hoàn toàn đặt dưới sự điều hành của Bắc Kinh.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có áp đặt một số các biện pháp trừng phạt Trung Quốc hay không, nguyên thủ Mỹ úp mở cho rằng đây sẽ là điều “rất thú vị”. Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kidlow cho rằng Bắc Kinh phạm “sai lầm” khi đưa ra đạo luật an ninh Hồng Kông
Cùng lúc Thượng Viện Mỹ cam kết “nhanh chóng thông qua” dự luật cho phép Washington trừng phạt nhắm vào một số quan chức Trung Quốc chà đạp các quyền tự do tại Hồng Kông. Thượng nghị sĩ Pat Toomey của bên đảng Cộng Hòa, một trong những người chủ xướng dự luật nói trên cho rằng, động chạm đến những quyền lợi kinh tế và tài chính” Bắc Kinh chắc chắn sẽ suy nghĩ lại trước khi ban hành luật an ninh Hồng Kông ” và ông hy vọng “tránh được kịch bản xấu nhất cho dân Hồng Kông”.
Bên đảng Dân Chủ, thượng nghị sĩ Chris Van Hollen xem dự luật trừng phạt Trung Quốc là một “thông điệp rất mạnh mẽ” mà Washington gửi tới ông Tập Cận Bình.
Hạ Viện nơi đảng Dân Chủ chiếm đa số, từ năm ngoái đã bật đèn xanh cho chính quyền rút lại quy chế đặc biệt về thương mại và tài chính mà Hoa Kỳ dành cho Hồng Kông. Chính nhờ điều khoản đặc biệt này được áp dụng từ năm 1992 mà nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Hồng Kông. Hơn thế nữa đây cũng là lá bùa hộ mạng, giúp Hồng Kông tránh khỏi các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ nhắm vào hàng xuất khẩu của Hoa Lục.
Quan hệ Mỹ- Trung vốn đã rơi xuống mức tệ nhất từ sau đợt đàn áp đãm máu Thiên An Môn năm 1989, lại càng xấu đi thêm khi tổng thống Trump phê chuẩn Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông vào tháng 11/2019.
Trên thực tế phương tiện quan trọng nhất để Mỹ gây sức ép với Trung Quốc trên hồ sơ Hồng Kông liên quan đến quyền lợi kinh tế của đôi bên.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cách nay hai ngày không vòng vo cho rằng Washington sẽ “rất hài lòng trông thấy các doanh nghiệp Mỹ từ bỏ Hồng Kông hay Hoa Lục”, Hoa Kỳ sẵn sàng “đài thọ các phí tổn về khâu di dời cơ sở trở lại Mỹ”. Cần nói thêm chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ “hồi hương” luôn là lập trường của chính quyền Trump và không chỉ tùy thuộc vào vấn đề Hồng Kông.
Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 27/05/2020 đưa ra danh dách một loạt các biện pháp “trừng phạt” có thể nhắm vào Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hồng Kông. Trong số này bao gồm từ khả năng phong tỏa tài sản và kiểm soát các luồng giao dịch của một số quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc đến việc giới hạn cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với một số quan chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Vẫn theo phân tích của hãng tin Bloomberg, quyết định của Hoa Kỳ có thể có trọng lượng vào thời điểm ngoại trưởng Pompeo trong khuôn khổ Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông, được thông qua tháng 11/2019, chuẩn bị điều trần trước Hạ Viện xem các quyền tự do, dân chủ và quy chế tự trị của đặc khu hành chính này có thực sự được tôn trọng hay không. Trong trường hợp câu trả lời là không, thì Nhà Trắng có quyền rút lại quy chế đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông.
Có điều như ghi nhận của chuyên gia về Trung Quốc, Valérie Niquet trong chương trình truyền hình của đài France 5 ngày 26/05/2020 không chắc Bắc Kinh dễ dàng lùi bước, trước hết là đối với công luận Trung Quốc. Lý do quan trọng nhất là sau đại dịch Covid-19 chính quyền của ông Tập Cận Bình đang cần chứng tỏ không chấp nhận bất kỳ một tiếng nói chống đối nào trong bối cảnh bất mãn trong xã hội gia tăng.
Hơn thế nữa, chưa chắc là lập luận Mỹ bỏ ưu đãi về thương mại và kinh tế dành cho Hồng Kông đủ mạnh để làm ông Tập Cận Bình chùn tay dập tắt phong trào dân chủ Hồng Kông, sang trang mô hình “một quốc gia hai chế độ”.
Nguồn: RFI/Thanh Hà