Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Biển Đông: Indonesia liên tiếp tỏ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc


Indonesia ngày càng tỏ rõ lập trường cứng rắn với Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông. Ảnh tư liệu: Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) tới tham đảo Natura ngày 08/06/2020 sau khi Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền của Indonesia trên Biển Đông. © AFP.

Không phải là môt bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng mới đây trong không đầy hai tuần, Indonesia đã hai lần công khai lên tiếng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Hành động của Jakarta ngày 05/06/2020, và đặc biệt là trước đó vào ngày 26/05, viện dẫn phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, lại càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh Indonesia còn chọn diễn đàn Liên Hiệp Quốc để bày tỏ thái độ, tạo thêm tiếng vang cho động thái của mình.

Đối với giới phân tích, việc một nước có trọng lượng như Indonesia ra mặt chống các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ là một hậu thuẫn quý giá cho các đồng minh ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc đang vất vả chống lại các hành vi chèn ép của Bắc Kinh.

Động thái cứng rắn gần đây nhất của Indonesia nhắm vào Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông là việc Jakarta đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh muốn hai bên đàm phán về điều mà Trung Quốc gọi là “đòi hỏi chồng chéo về các quyền trên biển” ở một phần Biển Đông.

Phát biểu với hãng tin Mỹ BenarNews ngày 05/06, ông Damos Dumoli Agusman, vụ trưởng Vụ Luật Pháp và Hiệp Ước Quốc Tế bộ Ngoại Giao Indonesia khẳng định: “Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, do đó việc tổ chức bất kỳ đối thoại nào về phân định ranh giới trên biển đều không thỏa đáng”.

Quan chức Indonesia cũng nhắc lại tuyên bố tháng 1/2020 của bộ Ngoại Giao nước này, khẳng định Jakarta “từ chối” mọi thương lượng với Bắc Kinh về Biển Đông vì trên cơ sở UNCLOS, hai bên không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào.

Theo BenarNews, tuyên bố của ông Agusman là câu trả lời của Jakarta đối với một bức thư mà Bắc Kinh đã gửi cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 02/06. Trong bức thư, Trung Quốc nói không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia, nhưng do việc Trung Quốc có những quyền lợi ở Biển Đông được “xác lập từ lâu đời trong lịch sử và phù hợp với luật quốc tế”, cho nên hai bên lại có tuyên bố chồng chéo về quyền trên biển ở một phần vùng biển.

Khu vực có liên quan là vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia, nhưng bị Trung Quốc cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, đối với Indonesia, đòi hỏi của Trung Quốc mang tính đơn phương và hoàn toàn không có cơ sở về mặt luật pháp quốc tế.

Phản ứng bác bỏ đề nghị đàm phán của Trung Quốc đã được Indonesia đưa ra không đầy 2 tuần sau một động thái mạnh của Jakarta đánh vào lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông: Một công hàm ngày 26/05 gởi lên Liên Hiệp Quốc, viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Hayeđể bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc về Biển Đông.

Nội dung công hàm của Indonesia không liên quan gì đến quan hệ song phương với Trung Quốc mà nhằm nêu bật quan điểm của Jakarta về sự kiện Kuala Lumpur vào tháng 12/2019 đã gửi lên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Ranh Giới Thềm Lục Địa bản đệ trình tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng của Malaysia ở vùng Biển Đông, kéo theo những công hàm thể hiện lập trường của Việt Nam, Philippines và nhất là Trung Quốc.

Trong bài phân tích ngày 03/06, chuyên gia Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã đặc biệt ghi nhận việc Indonesia nhấn mạnh trở lại phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực để bác bỏ giá trị của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Indonesia thể hiện vai trò nước lớn nhất Đông Nam Á 

Theo ông Panda, qua công hàm mới nhất, Indonesia chấp nhận một trong những điểm quan trọng nhất của phán quyết. Đó là không một thực thể nào đang bị tranh chấp ở Biển Đông có thể được xem là “đảo” theo định nghĩa pháp lý của từ này hiểu theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc, và như vậy “không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của riêng mình”.  

Không những thế, Indonesia còn xác định rõ thêm: “Indonesia nhắc lại rằng bản đồ Đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền lịch sử rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc vi phạm Công Ước về Luật Biển UNCLOS 1982.

Quan điểm này cũng đã được phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài xác nhận, theo đó toàn bộ những quyền lịch sử mà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đưa ra để chiếm hữu các nguồn tài nguyên khoáng sản hay hải sản đều bị bãi bỏ do những giới hạn về vùng biển ghi trong UNCLOS 1982.

Theo The Diplomat, đối với những ai ủng hộ luật quốc tế, việc Jakarta nêu bật trở lại phán quyết năm 2016 về Biển Đông rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh tổng thống Duterte của nước đệ đơn kiện Trung Quốc là Philippines, đã chạy theo Bắc Kinh mà bỏ lơ văn kiện này.

Không có Manila thúc đẩy việc thực hiện, phán quyết cũng không còn được coi trọng trong chính sách của khu vực Đông Nam Á, vào lúc mà khối ASEAN rất chia rẽ, với vấn đề Biển Đông chỉ được chú ý một cách giới hạn, chủ yếu trong các cuộc gặp đa phương lớn.

Chính vì vậy việc Indonesia thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông rất đáng chú ý trên hai cấp độ.

Thứ nhất là vì dẫu sao Indonesia vẫn nắm giữ một vị thế hàng đầu trong khối ASEAN. Việc đưa phán quyết 2016 vào trong chính sách của riêng mình về Biển Đông có thể là dấu hiệu cho thấy là Indonesia sẵn sàng có một cách tiếp cận cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc trong khuôn khổ hiệp hội 10 nước Đông Nam Á.

Ngoài ra, việc Indonesia sẵn sàng viện dẫn phán quyết có thể làm cho Việt Nam kiên quyết hơn trong việc kiện Trung Quốc, điều từng được chuyên gia Mỹ Derek Grossman đã nêu lên trên The Diplomat gần đây, theo đó Việt Nam đang “nghiêm túc xem xét” một hành động pháp lý quốc tế.

Cho dù vậy, The Diplomat cũng nhắc lại quan điểm thận trọng của nhà nghiên cứu Evan Laksmana, chuyên gia về chính sách đối ngoại Indonesia. Trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post chuyên gia này nhắc nhở rằng các động thái mới đây của Indonesia không phải là một sự thay đổi lập trường, mà chỉ là một sự phát triển thêm chính sách hiện hành dưới thời tổng thống Joko Widodo.

Nguồn: RFI/Mai Vân

 

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh