Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Biển Đông: Âm mưu mới của Bắc Kinh để kiểm soát hành chính Hoàng Sa


Nhóm đảo Thất Liên Tự thuộc quần đảo Trường Sa (Biển Đông). AFP.

Kể từ ngày 01/08/2020, một phiên bản sửa đổi quy định hàng hải của Trung Quốc có từ năm 1974, định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm trọn từ tay Việt Nam cũng từ năm 1974, bắt đầu có hiệu lực. Theo các chuyên gia phân tích, sự kiện này là một bước mới của Trung Quốc nhằm siết chặt thêm quyền kiểm soát trên các vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đang tranh chấp với nước khác.

Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 31/07, điểm đáng chú ý nhất trong bản quy định hàng hải này là việc Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ, gọi vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là một vùng “duyên hải” hay “ven bờ” (tiếng Anh là coastal), thay vì “ngoài khơi” (tiếng Anh là offshore) như trước đây.

Ý đồ dùng luật Trung Quốc áp đặt trên các vùng tranh chấp

Theo một số nhà quan sát được tờ báo Hồng Kông trích dẫn, động thái mới này của Bắc Kinh phản ánh ý đồ “đưa càng nhiều vùng tranh chấp càng tốt vào trong quyền kiểm soát” của Trung Quốc.

Bản quy định mang tên chính thức là “Các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa”. Đáng chú ý là từ ngữ “nội địa” dùng ở đây.

Khu vực gây tranh cãi chính là vùng mà Trung Quốc gọi là “Khu vực hàng hải Hải Nam – Tây Sa” – Tây Sa tên Bắc Kinh đặt cho Hoàng Sa – nằm giữa 2 điểm cực đông và cực tây trên đảo Hải Nam và 3 điểm ở cực đông, tây và nam quần đảo Hoàng Sa.

Theo Trương Khiết (Zhang Jie), một chuyên gia về Biển Đông ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, động thái kể trên của Bắc Kinh có lẽ là nhằm tăng cường quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa bằng cách sử dụng các luật trong nước.

Đối với chuyên gia Trung Quốc này: “Cho dù điều đó không trực tiếp nhắm tới việc tăng cường quản lý, thế nhưng tác dụng trên thực tế cũng không khác gì”.

Mục tiêu củng cố thêm quyền khống chế Biển Đông

Collin Koh, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc đại học công nghệ Nanyang Technological University (Singapore) cũng tán đồng quan điểm nêu trên.

Theo ông, động thái của Trung Quốc “không phải điều đáng ngạc nhiên, nhất là sau khi Bắc Kinh đã thông báo thành lập hai quận hành chính để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa”.

Trong một tin nhắn twitter ngày 01/08, chuyên gia Singapore nhắc lại rằng việc Trung Quốc thay đổi từ ngữ để chỉ vùng biển nằm giữa Hải Nam và Hoàng Sa đã được tiến hành từ đầu năm nay, nhưng nay mới có hiệu lực. Mục tiêu “chắc chắn là nhằm củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh” trên vùng biển này.

Cũng trên Twitter, một nhà quan sát Biển Đông khác cho rằng động thái của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm đẩy mạnh giao thông liên lạc và du lịch giữa Hải Nam và Hoàng Sa, mà còn mang ý nghĩa rộng hơn là kể từ nay, tàu biển Trung Quốc có thể thoải mái đi đến Hoàng Sa vì vùng biển đó chỉ là vùng “ven bờ”. Đây chính là thủ đoạn để gia tăng quyền khống chế Biển Đông.

Bước mới sau khi thành lập hai quận đảo quản lý Hoàng Sa và Trường Sa

Việc ban hành quy định mới về hàng hải, xem các tuyến hàng hải giữa  Hải Nam và Hoàng Sa là các tuyến nội địa của Trung Quốc là một bước phát triển mới của quyết định đầy tranh cãi công bố tháng Tư vừa qua, thành lập hai quận đảo riêng rẽ để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong bài phân tích ngày 12/05/2020, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, đã cho rằng quyết định đó của Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.

Trong trường hợp Hoàng Sa, theo AMTI, Trung Quốc có thể thông qua đơn vị hành chính mới này, thúc đẩy việc tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan, một thủ đoạn có tính khiêu khích nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện, qua đó áp đặt chủ quyền trong thực tế.

Đối với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học Viện Quốc phòng Úc (Đại Học New South Wales), hành động của Trung Quốc biến Hoàng Sa thành một huyện của Trung Quốc là một hành vii bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Trong bài phân tích ngày 19/04, giáo sư Thayer nêu bật việc Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Hoàng Sa thông qua võ lực vào tháng Giêng năm 1974, và luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua chinh phục.

Những hành vi bị lên án là phi pháp

Động thái quyết đoán mới của Trung Quốc được ghi nhận vào lúc Bắc Kinh đang gặp sự phản đối ngày càng mạnh của quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Vào tháng Bẩy vừa qua, Hoa Kỳ và Úc đã ra tuyên bố, khẳng định rằng các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông đều phi pháp vì không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Và gần đây hơn, trong một công hàm gởi lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 29/07, Malaysia nhắc lại lập trường bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời phản đối việc Trung Quốc khẳng định rằng Kuala Lumpur không có quyền thiết lập thềm lục địa ở vùng phía bắc Biển Đông.

Chiến lược sử dụng luật lệ trong nước để bành trướng

Theo SCMP, cộng đồng quốc tế đã cực lực chỉ trích Trung Quốc vào lúc nước này đẩy mạnh chiến lược sử dụng luật lệ trong nước để đòi chủ quyền trên các vùng tranh chấp và bành trướng trong khu vực.

Ví dụ, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã thiết lập 7 tòa án hàng hải mới, một được đặt ở “thành phố Tam Sa”, về mặt hành chính là đơn vị trực thuộc tỉnh đảo Hải Nam.

Qua năm 2013, Bắc Kinh sáp nhập một số cơ quan hàng hải vào lực lượng Hải Cảnh mới, và đến năm 2017, Tòa Án Tối Cao Trung Quốc tự tuyên bố mở rộng quyền hạn ra mọi vùng thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc, kể cả các vùng biển.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh