Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Việt Nam không tham gia tập trận Vành Đai Thái Bình Dương


Hình của Hải quân Mỹ chụp hôm 15/7/2014 cho thấy tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC năm 2014.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2020 do Mỹ tổ chức bắt đầu khởi động hôm 17/8 và kéo dài hai tuần, tới ngày 31/8. Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức 2 năm một lần, đã bắt đầu tại Honolulu, tiểu bang Hawaii. Với sự lãnh đạo của Mỹ, cuộc tập trận này bao gồm hải quân các nước thuộc khu vực Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực.

Điểm đáng chú ý là RIMPAC 2020 thiếu vắng sự tham gia của một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cách đây 5 tháng, khi virus Corona gây ra đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, có vẻ như Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (PACFLEET) sẽ khó có thể tổ chức cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 6-7/2020. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, PACFLEET đã gửi thư tới 25 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mời tham gia RIMPAC 2020.

Cuộc tập trận đã lùi từ tháng 6/2020 xuống trung tuần tháng 8/2020 và cắt ngắn thời gian từ 5 tuần xuống còn 2 tuần. Do những lo ngại từ COVID-19, cuộc tập trận sẽ diễn ra hoàn toàn trên biển để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên quân sự và cư dân trên quần đảo Hawaii. Một số hoạt động như tập trận đổ bộ, các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa trên bộ đều bị hủy. Tập trận trên biển sẽ gồm các mục tác chiến chống tàu ngầm, huấn luyện ngăn chặn hàng hải và bắn đạn thật với mục tiêu là một tàu hải quân Mỹ đã hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 rõ ràng đã tác động tới năng lực sẵn sàng tác chiến của các lực lượng quân đội khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù PACFLEET chưa công bố danh sách các quốc gia tham gia RIMPAC 2020, các thông tin báo chí cho thấy chỉ có 11 nước gồm Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Brunei, Philippines và Singapore, giảm đáng kể so với 26 quốc gia tham gia RIMPAC 2018.

Trung Quốc không được mời tham dự RIMPAC 2020. Mặc dù từng tham dự RIMPAC 2014 và 2016, Trung Quốc đã không được mời kể từ RIMPAC 2018 sau khi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đã “nuốt lời”, không thực hiện cam kết không quân sự hóa tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm giữ ở Biển Đông. Dù vậy, Hải quân Trung Quốc đã cử tàu do thám tới để theo dõi cuộc tập trận RIMPAC 2018. Có lẽ, Hải quân Trung Quốc sẽ một lần nữa hiện diện không phải với tư cách khách mời tại RIMPAC 2020.

Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada tham gia tập trận RIMPAC hôm 3/8/2016
Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada tham gia tập trận RIMPAC hôm 3/8/2016 AFP

Sự hiện diện hải quân của các quốc gia Đông Nam Á ngoài khơi quần đảo Hawaii lần này đã giảm đáng kể so với cách đây 2 năm, chủ yếu vì đại dịch COVID-19. Tại RIMPAC 2018, có 7 quốc gia Đông Nam Á tham gia gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cử tàu chiến, trong khi Brunei, Thái Lan và Việt Nam cử nhân sự tham gia và được triển khai trên các tàu hải quân của Mỹ. Campuchia, Lào và Myanmar không được mời tham gia do những quy định hạn chế hợp tác quân sự của Mỹ với 3 nước này.

Năm nay, chỉ có 3 quốc gia Đông Nam Á cử tàu chiến. Brunei đã triển khai tàu tuần tra ngoài khơi KDB Darulehson, Singapore cử tàu khu trục RSS Supreme lớp Formidable, Philippines cử tàu khu trục BRP Jose Rizal mới do Hàn Quốc chế tạo. Việc hải quân Philippines tham gia không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới đây của Tổng thống Duterte về việc cấm các tàu chiến của nước này tham gia tập trận với hải quân nước ngoài tại Biển Đông để tránh khiêu khích Trung Quốc. Đáng ngạc nhiên là Việt Nam đã không cử tàu chiến tham gia RIMPAC 2020 dù quan hệ quốc phòng với Mỹ đang phát triển và Việt Nam đang thể hiện sự năng động của mình trong vai trò Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN năm nay.

Những hạn chế tác chiến được áp đặt để các quốc gia khu vực có thể kiểm soát dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á không nhận lời mời tham gia RIMPAC 2020. Thông thường, các cuộc tập trận như vậy mang lại một cơ hội tốt để hải quân khu vực tăng cường huấn luyện và kết nối với Hải quân Mỹ cũng như các đối tác hàng hải quan trọng khác như Australia và Nhật Bản. Những cơ hội này là đặc biệt quan trọng vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông, khi mà các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền hơn bao giờ hết muốn bảo vệ các quyền chủ quyền trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ vốn bị Trung Quốc lấn lướt trong những tháng qua.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng Mỹ lợi dụng RIMPAC 2020 để “thể hiện và phô trương sức mạnh quân sự, và quan trọng hơn là để thử thách lòng trung thành của các đồng minh và đối tác”. Sự “nguyền rủa” của Trung Quốc đối với RIMPAC 2020 nhiều khả năng sẽ trở thành cơn cuồng nộ nếu Đài Loan được mời làm quan sát viên RIMPAC 2020 như vùng lãnh thổ này đã đề nghị. Việc này tất nhiên phù hợp với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 của Mỹ, theo đó kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với Đài Loan, trong đó có việc tham gia các cuộc tập trận quân sự như RIMPAC 2020.

Đài Loan từng hy vọng việc củng cố quan hệ của vùng lãnh thổ này với Mỹ sẽ giúp họ được mời tham dự RIMPAC với tư cách quan sát viên, song điều này đã không xảy ra. Ngày 17/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Shih Shun-wen cũng đã xác nhận rằng Đài Loan không nhận được lời mời tham dự, song ông nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Đài Loan với Mỹ sẽ có lợi cho sự ổn định khu vực”. Cuối tháng 7/2020, ông Shih Shun-wen đã tuyên bố rằng Đài Loan muốn được tham gia cuộc tập trận: “Đài Loan mong muốn được tham gia RIMPAC với vai trò quan sát viên bởi điều này sẽ giúp chúng tôi học hỏi được từ các hoạt động hợp tác huấn luyện và cứu trợ nhân đạo”.

Quyết định của Washington không mời Đài Loan làm quan sát viên của cuộc tập trận RIMPAC bắt nguồn từ thực tế là quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan xấu đi và cả Trung Quốc, Mỹ lẫn Đài Loan đều đang tìm cách giảm căng thẳng. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo này.

Tuần trước, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đăng bài viết cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ra lệnh cho các nhân viên đang làm nhiệm vụ “không được nổ súng trước” do Bắc Kinh muốn hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ ở khu vực Biển Đông. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đẩy mạnh hoạt động tại các vùng biển tranh chấp trong những tháng gần đây, làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ việc vượt ngoài tầm kiểm soát. Quân đội Đài Loan từng rất hy vọng được tham gia RIMPAC khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Chi ngân sách Quốc phòng năm tài khóa 2021 vào tháng 7/2020. Đạo luật này kêu gọi Mỹ mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận và ngăn chặn Trung Quốc tiến hành đánh chiếm Đài Loan. Sau khi Mỹ cử Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar thăm chính thức Đài Loan vào đầu tháng 8/2020, nhiều ý kiến cho rằng có thể Đài Loan sẽ được mời tham gia tập trận RIMPAC. Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã khẳng định chuyến thăm này cho thấy quan hệ Mỹ-Đài đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất.

Lin Yu-fang – Trưởng bộ phận nghiên cứu an ninh quốc gia tại Cơ quan Chính sách Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu tư vấn chính sách ủng hộ Quốc Dân đảng – cho rằng bất chấp mối quan hệ Mỹ-Đài đang ấm lên, có thể hiểu lý do Mỹ sẽ không mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận RIMPAC. Với kinh nghiệm từng là chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Quốc hội Đài Loan, Lin Yu-fang nói: RIMPAC là một cuộc tập trận quốc tế quan trọng, và các quốc gia tham gia cuộc tập trận này thuộc diện đồng minh chủ chốt của Mỹ, với các thỏa thuận quân sự và an ninh đã được các bên ký kết”. Ông cho rằng mặc dù quan hệ Mỹ-Đài đang ở thời kỳ đỉnh cao, song Washington cũng phải có giới hạn nhất định: Mỹ đã cử Bộ trưởng Y tế tới Đài Loan, nhưng đây là kết quả của tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đại lục. Chúng ta không nên mong đợi Mỹ làm bất cứ điều gì có lợi cho Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra giới hạn đỏ về vấn đề này và sẽ không cho phép các quan chức khác trong chính quyền vượt qua giới hạn đó bởi điều này sẽ gây ra thảm họa đối với quan hệ Mỹ-Trung, và Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa”. Ông cũng cho biết thêm rằng một cuộc xung đột toàn diện với Bắc Kinh không có lợi cho Mỹ.

Zhu Feng, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nam Kinh, cho biết việc Mỹ không mời Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC phản ánh sự nhạy cảm” từ phía Lầu Năm Góc nhằm tránh nguy cơ xung đột quân sự. Ông bình luận: Quan hệ Trung-Mỹ hiện ở vào giai đoạn khó khăn, và cả hai bên đều không muốn xung đột ở khu vực Tây Thái Bình Dương vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các cường quốc có thể cạnh tranh về mặt chiến lược, nhưng các nước này cũng muốn kiểm soát rủi ro để tránh khả năng xảy ra xung đột vũ trang”.

Trong khi đó, chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh cho rằng vấn đề Đài Loan tham gia RIMPAC là một trong số các lá bài mặc cả” của Washington trong xử lý quan hệ với Bắc Kinh. Ông nói: Mỹ vẫn có thể mời Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC vào lần sau nếu họ muốn sử dụng ‘lá bài’ này”.

Nguồn: Võ Mường Thanh @ RFA

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh