Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Trung Quốc vẫn được bầu vào Tòa Quốc Tế về Luật Biển, dù bị tố coi thường UNCLOS


Trụ sở Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS), cảng Hamburg, Đức. Ảnh chụp ngày 06/11/2013. AFP – PATRICK LUX.

Hội nghị lần thứ 30 của các quốc gia thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS mở ra tại New York, từ hôm 24/08/2020, đã bầu bổ sung 7 thẩm phán mới cho Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea – ITLOS). Trong số những người được bầu, có ông Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), đại sứ Trung Quốc tại Hungary.

Giới phân tích đặc biệt ghi nhận sự kiện là đại diện Trung Quốc đã được bầu vào một tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong lúc Bắc Kinh liên tục bị cáo buộc coi thường Luật Biển quốc tế tại Biển Đông.

Trong bản thông cáo chính thức đề ngày 24/08, chủ tịch Hội Nghị các thành viên UNCLOS cho biết là đã có 6 thẩm phán trong số 9 ứng cử viên được bầu ngay vòng 1, bao gồm các đại diện Malta, Ý, Trung Quốc, Chi Lê, Cameroon và Ukraina. Còn hai ứng viên Jamaica và Brazil không đủ số phiếu cần thiết phải tranh vòng sau, nhưng do việc Brazil sau đó rút tên, nên thẩm phán thứ 7 được bầu là người Jamaica. Đợt bầu này có mục tiêu thay thế 7 thẩm phán mãn nhiệm, trong số 21 thẩm phán của Tòa Án.

Trong một bài phân tích về việc ứng viên Trung Quốc đắc cử chức thẩm phán ITLOS, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ghi nhận là ông Đoàn Khiết Long đã được bầu, bất chấp việc Bắc Kinh đang phải đối mặt với phản ứng căng thẳng của láng giềng và quốc tế về Biển Đông, với cáo buộc coi thường Luật Biển Liên Hiệp Quốc.

Đối với SCMP, việc ứng viên Trung Quốc được bầu không có gì là bất ngờ, vì lẽ từ khi Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển được thành lập vào năm 1996 đến nay, Bắc Kinh luôn luôn có đại diện trong số các thẩm phán của tòa, có nhiệm kỳ là 9 năm. Ông Đoàn Khiết Long là thẩm phán thứ tư liên tiếp của Trung Quốc được bầu.

ITLOS là một cơ quan liên chính phủ được thành lập theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, đặt trụ sở tại Hamburg (Đức). Một trong những chức năng của tòa là giải quyết tranh chấp biển đảo giữa các quốc gia.

Trong 24 năm tồn tại cho đến nay, tòa đã thụ lý 28 vụ kiện, trong đó có những hồ sơ liên quan đến việc yêu cầu thả tàu, thủy thủ đoàn, quyền tài phán trên vùng biển của các quốc gia duyên hải, quyền tự do hàng hải, các vấn đề môi trường biển, bảo tồn cá…

ITLOS khác với Tòa Trọng Tài Thường trực PCA, cơ chế đã ra phán quyết về Biển Đông, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. PCA được thành lập theo Công Uớc Hòa Bình La Haye năm 1899 và có trụ sở tại La Haye (Hà Lan). Thẩm quyền của PCA rộng hơn ITLOS vì có chức năng giải quyết mọi loại tranh chấp, chứ không giới hạn ở tranh chấp biển như ITLOS.

Việc Trung Quốc, nổi tiếng về những hành vi bị đánh giá là coi thường Luật Biển của Liên Hiệp Quốc ghi trong UNCLOS, đặc biệt là tại Biển Đông đã khiến cho Hoa Kỳ trong những tuần lễ gần đây đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc có ứng viên Trung Quốc vào ITLOS.

David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, từng cho rằng: “Bầu một viên chức Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PCR) vào tòa án này không khác gì thuê một kẻ đốt phá vào làm ở cơ quan cứu hỏa”.

Theo nhận định của giáo sư Alexander Proelss, chuyên về luật biển và luật môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức), thì dù trên nguyên tắc, một thẩm phán duy nhất trong một tòa án gồm 21 thành viên không thể áp đặt quan điểm của riêng mình (và của quốc gia mình), nhưng vai trò của nhân vật này quan trọng ở chỗ: “mỗi thẩm phán được tự do đưa vào ý kiến riêng hoặc có ý kiến bất đồng với một quyết định hay các thẩm phán khác, và qua đó có thể cố gắng gây ảnh hưởng lên việc phát triển luật quốc tế trong trường hợp có liên quan”.

Do vậy, vai trò của ông Đoàn Khiết Long có thể trở thành quan trọng, nếu Trung Quốc bị kiện ra ITLOS về những hành vi quá đáng ở Biển Đông.

Dẫu sao thì cách thức bầu thẩm phán theo cơ chế đại diện cho các châu lục đã giúp cho ứng viên Trung Quốc được đắc cử dễ dàng lần này, vì là ứng cử viên duy nhất của châu Á.

Nhưng trong một chừng mực nào đó, trong số 166 thành viên của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển tham gia cuộc bầu cử, đã có một số nước bày tỏ thái độ bất đồng với Trung Quốc. Ông Đoàn Khiết Long là ứng viên đắc cử vòng đầu với số phiếu thấp nhất trong số 6 người.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh