Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Biển Đông: Bắc Kinh đáp trả công hàm Anh-Đức-Pháp bác bỏ yêu sách của Trung Quốc


Hai hôm sau khi ba cường quốc châu Âu là Anh, Đức và Pháp gởi chung một công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên biển của Bắc Kinh tại Biển Đông, ngày 18/09/2020, Trung Quốc đã phản pháo bằng một công hàm khác, cũng gởi đến Liên Hiệp Quốc, nội dung phủ nhận lập luận của ba nước châu Âu.

Trong công hàm mang ký hiệu CML/63/2020, Trung Quốc trước hết đã bác bỏ quan điểm dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 mà Anh, Đức và Pháp đã dùng làm cơ sở để phủ nhận các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong điểm 1 của công hàm, sau khi tuyên bố chống lại “việc sử dụng UNCLOS là vũ khí chính trị để tấn công các nước khác”, Trung Quốc khẳng định rằng “UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề trên biển”, trích dẫn điều khoản 8 trong Lời Nói Đầu của UNCLOS ghi nhận rằng: “các vấn đề không quy định trong Công Ước sẽ tiếp tục được điều chỉnh bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung”.

Đây là một lập luận phản bác lại công hàm chung của Anh, Đức và Pháp vốn đã nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS.

Điểm 2 của công hàm Trung Quốc tiếp tục cho rằng: “Chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi về biển của Trung Quốc tại Biển Đông đã được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài và luôn luôn được các chính quyền Trung Quốc liên tiếp duy trì”.

Sau khi khẳng định là các quyền này “phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS”, Bắc Kinh đồng thời  phủ nhận giá trị của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vốn cho rằng các yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Điểm này cũng nhằm phản bác lập trường chung của ba nước châu Âu, đã bác bỏ các yêu sách dựa trên lịch sử của Trung Quốc và nhấn mạnh nhu cầu tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Với công hàm ngày 18/09/2020, Trung Quốc một lần nữa lại biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền đã bị hầu hết các nước đánh giá là không hợp pháp. Chỉ riêng tại Liên Hiệp Quốc, trong số 15 công hàm về Biển Đông của các nước khác – từ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, cho đến Mỹ, Úc rồi Anh, Đức và Pháp – hầu như tất cả đều ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh