Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Vì sao án sơ thẩm Đồng Tâm gây bất bình và phản ứng trong công luận?


Trong bài viết và thuyết trình trước chúng tôi đã trình bày “Bản án sơ thẩm vụ Đồng Tâm gây bất bình trong công luận thế nào?”.

Trong bài viết thuyết trình hôm nay, chúng tôi sẽ đưa ra một số nhận định như câu trả lời cho vấn đề đặt ra, là “Vì sao án sơ thẩm vụ Đồng Tâm gây bất bình và phản ứng quyết liệt trong công luận?”.

Câu trả lời tổng quát: là vì đó là bản án phi pháp lý, bất công, tiền định mang tính áp đặt. Một bản án nhằm trấn áp, triệt tiêu, thay vì giải quyết những đòi hỏi hợp pháp, chính đáng của nông dân xã Đồng Tâm khiếu kiện về quyền sử dụng 59 ha đất nông nghiệp của họ. Tất cả nhằm thực hiện ý đồ bảo vệ cho kỳ được “lợi ích nhóm” bằng mọi cách, mọi giá của nhà cầm quyền có chức năng giải quyết tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm.

Thật vậy, chúng tôi lần lượt lý giải và chứng minh từng điểm trong câu trả lời tổng quát vừa đưa ra.

1 – Bản án sơ thẩm Đồng Tâm là bản án phi pháp lý, bất công, tiền định mang tính áp đặt

(1) – Phi pháp lý: vì trong quá trình điều tra xét hỏi của công an và diễn tiến xét xử trong các phiên Tòa, đã không tuân thủ pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng hình sự của chính chế độ đương quyền tại Việt Nam.

Cụ thể:

– Đối với luật sư bào chữa: Ngăn cản luật sư thực hiện tác vụ nghề nghiệp. Như chỉ cho luật sư làm nhiệm vụ bào chữa cho các bị cáo, sau khi đã hoàn tất cuộc điều tra; ngăn cản tiếp xúc với các bị cáo trước cũng như trong các phiên Tòa; không cho tiếp cận và khước từ yêu cầu được cung cấp, tiếp cận các tài liệu chứng cứ có lợi cho các bị cáo, với lý do tài liệu mật (Kế hoạch 419) hay không cần thiết…

– Đối với các bị cáo: không tôn trọng quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi có bản án chung thẩm; đã dùng cực hình tra tấn, ép cung trong quá trình điều tra xét hỏi, khiến các bị cáo vì sợ hãi phải nhân tội. Sợ hãi đến độ ra trước Tòa không giám tố cáo, để chỉ thể hiện qua câu hỏi gián tiếp để biết, của luật sư đưa ra, rằng “Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay”; thì chỉ có 10 cánh tay giơ lên, còn lại 19 người không giơ tay được suy đoán là bị tra tấn. Như vậy là vi phạm luật pháp quốc nội và quốc tế cấm dùng cực hình tra tấn tội nhân…

– Đối với thân nhân, quần chúng, quốc tế: Tòa đã không cho bất cứ thân nhân nào của các bị cáo có mặt trong phòng xử án; cũng như người dân thường và đại diện báo chí (trừ báo chí nhà nước) và tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế bị ngăn cản tham dự các phiên xử…

(2) – Bản án bất công, tiền định man

– Bất công vì bản án đã xử phạt nặng nề những người vốn là những nông dân lương hảo. Nay chỉ vì giám khiếu kiện kêu oan về đất đai, không muốn phạm pháp hay không có ý định và hành động phạm pháp. Nhưng bị nhà cầm quyền chức năng đẩy vào một hoàn cảnh, bị bao vây tấn công giữa ban đêm, để tạo cớ bắt giam và kết tội “giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Một người dân bị công an bắn chết (Ông Lê Đình Kình), thủ phạm không bị truy tố, theo sự dàn dựng hiện trường, với lý do nạn nhân chống đối, có trái lưu đạn trong tay, nên phải bắn chết. Ba công an chết vì té “giếng kỹ thuật”, thì 3 người dân lại bị kết tội giết người, dựa trên bằng chứng áp đặt, mơ hồ. Hai trong 3 người này lãnh án tử hình, đều là con cháu nạn nhân Lê Đình Kình, được coi là Thủ lãnh tinh thần vụ khiếu kiện đất đai Đồng Tâm. Ông Kình, một đảng viên cộng sản lão thành 84 tuổi, 57 tuổi đảng, từng là đồng chí của lực lượng công an tấn công, nay bị “đồng chí” của mình gán cho danh hiệu “địa chủ cường hào mới”, bị bắn chết; khi tấn công bất ngờ quy mô lớn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đêm rạng sáng ngày 9-1-2020.

Như vậy, nếu bản án sơ thẩm đã bất công với 29 người dân Đồng Tâm bị cáo, thì với cái chết của 3 người trong dòng họ Lê Đình, qua bản án Sơ Thẩm Đồng Tâm ngày 14-9-2020, phải chăng Tòa án Việt Nam như muốn lấy lại công bình cho ba công an chết thảm dưới “hố kỹ thuật”? Một hình thức trả thù thời trung cổ “Mắt đền mắt, răng đền răng”, “3 mạng công an” đổi “ba mạng dân oan” như trong hiện vụ?

– Bản án tiền định, mang tính áp đặt, được thể hiện qua diễn tiến vi luật và kết quả vụ xử án bằng một bản án sơ thẩm như được định trước. Viện kiểm sát đóng vai công tố, đề nghị mức án thế nào, thì chánh án và HĐXX, sau 2 ngày nghị án, kết án gần đúng như vậy.

Điều này có lẽ đã không làm ai ngạc nhiên, vì nền tư pháp của chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam vốn thế. Tất cả đều dưới sự lãnh đạo tối cao, sâu sát của “Đảng CSVN”. Luật là “Đảng ta”, “Đảng ta” là luật mà! Vì theo lý luận Marxist-Leninnist, luật pháp nào thì cũng chỉ là công cụ của giai cấp thống trị để trấn áp nhân dân bị trị mà thôi! Thực tế đảng CSVN đã vận dụng triệt để lý luận này.

2 – Bản án thể hiện ý đồ đen tối, là bảo vệ cho kỳ được “lợi ích nhóm” bằng mọi cách, mọi giá của nhà cầm quyền có chức năng giải quyết tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm

Thật vậy:

(1) – Vì lợi ích nhóm (là nhóm tài phiệt quân đội cần đất đầu tư kinh tế (Công ty viễn thông VIETTEL) và nhóm quan tham tại địa phương đã trót đánh tráo sự thật để thủ lợi) nên trong suốt quá trình khiếu kiện của nhân dân xã Đồng Tâm kéo dài từ bốn năm qua (2016 -2020), các cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện đất đai Đồng Tâm, trước sau chỉ dùng biện pháp đối phó, chứ không đưa ra giải pháp thỏa đáng nào cho đòi hỏi hợp pháp chính đáng của người dân, liên quan đến quyền sử dụng 59 ha đất ở Đồng Tâm.

Người dân Đồng Tâm luôn khẳng định 59 ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm từ bao đời nay, không phải đất quốc phòng. Mảnh đất này tiếp giáp với mảnh 47,36 ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.

Theo người dân Đồng Tâm, sở dĩ có sự tranh chấp này, là do các cán bộ địa phương (quan tham) đã lập lờ khi báo cáo về hai khu đất này khiến chính quyền hiểu nhầm khu 59 ha cũng trùng với khu 47,36 ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu.

Bằng chứng là ngày 26/3/2018: Quân đội cho đào hào quanh khu 47,36 ha để phân định với khu đất nông nghiệp Đồng Sênh khiến dân Đồng Tâm rất phấn khởi. Ông Lê Đình Công nói với BBC vào thời điểm đó rằng “Quân đội đã có chiều hướng ủng hộ nhân dân Đồng Tâm”.

(2) – Thế nhưng, cũng vì “lợi ích nhóm” nên các cơ quan chức năng trước sau chỉ dùng biện pháp đối phó với nông dân để đạt mục tiêu cao nhất là bảo vệ cho kỳ được 59 ha là đất quốc phòng. Do đó đã đẩy vụ tranh chấp đất đai từ một vụ khiếu kiện dân sự dẫn đến vụ án hình sự từ thấp đến cao.

– Cụ thể, vào ngày 15/4/2017, khi 9 người dân Đồng Tâm được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để ‘làm việc’ thì bị bắt đưa về giam giữ tại Hà Nội, trong đó có ông Lê Đình Công và người cha là Lê Đình Kình. Dân Đồng Tâm đáp trả bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát, giam tại nhà văn hóa thôn trong 7 ngày. Sau đó một số người bị bắt bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ”, và “bắt giam người trai pháp luật”.

– Thế rồi ngày 9-1-2020, hàng ngàn công an và cảnh sát cơ động đã mở bố ráp bất ngờ, ban đêm tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, làm một người dân bị chết, 3 công an thiệt mạng. Tất cả 29 người bị bắt giam, truy tố về hai tội “giết người” (Điều 123 BLHSVN) và “chống người thi hành công vụ” (Điều 330 BLHSVN). với các bản án nặng nề như bản án sơ thẩm vừa tuyên hôm 14-9-2020. Các luật sư nói nếu có thực chuyện họ gây ra cái chết của ba người hôm 9/1 thì đó chỉ là chuyện tự vệ quá mức hay giết người trong trạng thái bị kích động mạnh. Trong khi nguyên nhân đưa đến cái chết rất mù mờ, có tính áp đặt để có cơ sở kết tội các bị cáo một cách oan sai.

Như vậy là từ một vụ khiếu kiện đất đai mang tính hành chánh, pháp lý đã dẫn đến các vụ án hình sự, ngoài ý muốn của người dân Đồng Tâm. Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, dường như đều nằm trong ý đồ của nhà cầm quyền chức năng, muốn “mượn gió bẻ măng”. Nghĩa là, dường như nhà cầm quyền chức năng (thanh tra chính phủ và các cơ quan chức năng khác các cấp…) cố tình không giải quyết nguyện vọng của dân bằng giải pháp hành chánh (quyết định hành chánh) hay pháp lý (giải quyết tranh chấp trước cơ quan tài phán dân sự có thẩm quyền). Trái lại, đã dùng mọi biện pháp trấn áp, đẩy người dân Đồng Tâm đến hoàn cảnh phạm pháp (vụ án hình sự). Nghĩa là hình sự hóa vụ việc để có cớ trừng phạt, triệt tiêu đòi hỏi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân Đồng Tâm và răn đe các dân oan khiếu kiện các vụ việc khác. Vì chỉ có thể dùng Tòa án, một công cụ của nền chuyên chính cộng sản, mới có thể trấn áp, triệt tiêu mọi đối kháng, để bảo vệ “lợi ích nhóm” như trong hiện vụ.

Thực tế, diễn tiến vụ khiếu kiện đất đai của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm và cách đối phó trong 4 năm qua của các cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện đất đai, từ địa phương đến trung ương đã nghiệm đúng như vậy.

Thực tế là sau bản án hình sự sơ thẩm ngày 14-9-2020, 59 ha đất tranh chấp sẽ thuộc về đất quốc phòng, phục vụ cho “lợi ích nhóm”. Những người dân Đồng Tâm từ đây sẽ câm họng, cúi đầu chấp nhận số phận con dân như “cá nằm trên thớt”. Vì những người cầm đầu khiếu tố (Nhóm Đồng thuận) kẻ sẽ mất mạng, người ngồi tù nhiều năm.

Là vì vụ khiếu kiện đất đai của tập thể nông dân xã Đồng Tâm có tính dân sự, để đòi quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân, thực hiện quyền làm chủ. Đúng ra phải được giải quyết bởi cơ quan chức năng hành chánh có thẩm quyền, bằng một quyết định hành chánh. Nếu không chấp nhận quyết định hành chánh, nông dân có quyền cầu viện đến Tòa án để được giải quyết trong một vụ tranh chấp quyền lợi dân sự giữa tập thể nông dân Đồng Tâm và cơ quan ra quyết định. Tòa sẽ căn cứ theo luật pháp để xét xử xem những đòi hỏi của nông dân có chính đáng, có theo đúng quy định thủ tục khiếu kiện và cơ quan ra quyết định bác khước những đòi hỏi của nông dân có cơ sở, chính đáng không. Sau đó ra phán quyết sơ hoặc chung thẩm và đây là một bản án dân sự mang tính pháp lý.

Thế nhưng vụ khiếu nại đất đai kéo dài nhiều năm (2016-2020) quyền lợi hợp pháp chính đáng của nông dân Đồng tâm đã không được các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, đã không đưa ra được quyết định có tính giải pháp, mà chỉ sử dụng các biện pháp đối phó. Thực tế là, đã dùng biện pháp cưỡng chế đôi lần không thành; cuối cùng phải dùng biện pháp trấn áp mạnh tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm.

Trước thực tế này, có nhận định cho rằng dường như nhà cầm quyền chức năng đã rút kinh nghiệm từ vụ cưỡng chế năm 2017. Do đó lực lượng cưỡng chế lần này thuộc Bộ Công an đã lên kế hoạch mật mang bí số 419, tiến hành cưỡng chế, đúng hơn là trấn áp quy mô lớn như một cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ, ban đêm; và sử dụng lực lượng cưỡng chế có tính áp đảo để người dân không kịp phản ứng và không thể huy động đông đảo lên đến 6000 người dân như trước đó, để bắt giữ người thi hành cưỡng chế làm con tin chăng?

Thật đau xót và phẫn nộ thay, khi nhà cầm quyền chức năng đã đối xử với dân oan như kẻ thù thế đó! Thế nhưng, người dân trong nước vẫn vững tin rằng “Một chế độ thiết lập bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực, thì sớm muộn cũng bị sụp đổ, do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức, bóc lột” (Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977). Vì đây là quy luật xã hội đã được thể nghiệm qua thực tế và lịch sử phát triển các hình thái tổ chức xã hội loài người.

Nguồn: Thiện Ý@VOA Tiếng Việt

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh