Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Pháp: Bảo tàng Nantes hủy hợp tác và tố cáo Trung Quốc áp đặt quan điểm


Trong một hành động hiếm hoi, ngày 12/10/2020, Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes ở miền tây nước Pháp đã chính thức ra thông báo cho biết quyết định dời một cuộc triển lãm về Thành Cát Tư Hãn dự trù mở cửa ngày 17/10 tới đây.

Điều còn hiếm thấy hơn nữa là viện bảo tàng này đã nói rõ lý do: Đối tác Trung Quốc của cuộc triển lãm đã đòi viện bảo tàng Nantes là phải sửa đổi nội dung cuộc triển lãm theo chỉ thị của Bắc Kinh nếu muốn được cho mượn các hiện vật.

Trong một bản thông cáo báo chí, ông Bertrand Guillet, giám đốc Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes cho biết là dự án cuộc triển lãm về lịch sử của Thành Cát Tư Hãn và Đế Chế Mông Cổ đã bắt đầu được xúc tiến từ nhiều năm nay với sự hợp tác của Viện Bảo Tàng Nội Mông ở Hohhot (còn gọi là Hô Hòa Hạo Đặc, Hô Thị hay Thanh Thành theo tiếng Trung), thủ phủ khu tự trị Nội Mông ở Trung Quốc.

Triển lãm bị hoãn vì thái độ cứng rắn của Trung Quốc

Từng được dự kiến khai mạc vào ngày 17 tháng 10 năm 2020, cuộc triển lãm đã bị dời lại một lần do cuộc khủng hoảng Covid-19, và lần này sẽ bị hoãn cho đến tháng 10 năm 2024, “do lập trường cứng rắn của Bắc Kinh vào mùa hè vừa qua đối với dân tộc thiểu số Mông Cổ tại Trung Quốc”.

Giám đốc viện bảo tàng Nantes không ngần ngại nêu bật hai đòi hỏi quá đáng mà phía Trung Quốc buộc phía Pháp phải đáp ứng. Trước hết là yêu cầu từ chính quyền trung ương Trung Quốc, đòi loại bỏ một số từ ngữ, không được dùng trong cuộc triển lãm, trong đó có các từ Genghis Khan – Thành Cát Tư Hãn, Empire – Đế Chế –  Mongol – Mông Cổ.

Sau đó, trong bước thứ hai, vào cuối mùa hè vừa qua, phía Trung Quốc đã thông báo việc sửa đổi nội dung của triển lãm kèm theo yêu cầu được quyền kiểm soát tất cả các sản phẩm mà viện bảo tàng Pháp làm ra cho cuộc triển lãm, từ những ghi chú, bản đồ, cho đến các catalogue và thông cáo báo chí.

Theo ông Guillet, bản nội dung tóm lược (synopsis) mới về cuộc triển lãm, do cơ quan di sản ở Bắc Kinh soạn thảo để thay vào chỗ dự án ban đầu mà Trung Quốc đã “kiểm duyệt”, đặc biệt bao gồm các yếu tố mà Bắc Kinh viết lại một cách thiên lệch nhằm xóa bỏ hoàn toàn lịch sử và văn hóa Mông Cổ, thay thế bằng một cách diễn giải mới theo quan điểm chính thống của Bắc Kinh.

Giám đốc Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes kết luận: “Tất nhiên, sau lời khuyên từ giới sử học và chuyên gia…, chúng tôi đã quyết định đình chỉ cuộc triển lãm nhân danh các giá trị nhân văn, khoa học và đạo đức mà chúng tôi bảo vệ”.

Chi tiết về các thủ đoạn áp đặt quan điểm chính thống của chế độ Bắc Kinh trên cuộc triển lãm tại Pháp đã được giám đốc viện bảo tàng tại Nantes nêu rõ khi trả lời phỏng vấn của báo chí Pháp.

Cấm dùng từ Thành Cát Tư Hãn và Mông Cổ !

Áp lực đầu tiên được Trung Quốc tung ra vào tháng 7 khi cơ quan phụ trách di sản quốc gia Trung Quốc (tên chính thức là Cục Văn Vật Quốc Gia Trung Quốc – State Administration of Cultural Heritage SACH) đòi hỏi là ban tổ chức cuộc triển lãm ở Nantes là phải xóa bỏ các từ ngữ “Thành Cát Tư Hãn”, “Mông Cổ” và “Đế Chế” trong tên gọi cuộc triển lãm.

Trả lời tạp chí Le Journal des Arts ngày 12/10, ông Guillet xác nhận là “đã có những cuộc thảo luận nội bộ lớn về chủ đề này”, và Viện Bảo Tàng Nantes rốt cuộc đã chiều theo ý Bắc Kinh: “Chúng tôi tự nhủ rằng nếu đó chỉ là vấn đề từ ngữ thì chúng tôi có thể nhượng bộ một cách ngoại giao trong khi vẫn duy trì các từ ngữ bị Trung Quốc cấm trong giai đoạn sau đó”.

Kết quả là tên gọi cuộc triển lãm đã được đổi thành “Đứa Con của Trời và Thảo Nguyên – Fils du ciel et des Steppes”, thay vì “Thành Cát Tư Hãn, sự hình thành của Đế Chế Mông Cổ từ Trung Hoa đến Châu Âu – Gengis Khan, la naisance de l’Empire Mongol – De la Chine à l’Europe”.

Thế nhưng Bắc Kinh vẫn chưa hài lòng, và cơ quan di sản Trung Quốc vào tháng 8 đã đưa thêm một loạt yêu sách mới, đòi phía Pháp phải thay đổi hẳn nội dung cuộc triển lãm.

Nội dung triển lãm phải “được phép” Trung Quốc !

Một hợp đồng hợp tác mới đã được gởi đến Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes, quy định rằng tất cả nội dung và bản catalogue của cuộc triển lãm, đặc biệt là các bản đồ địa lý, phải được sự “cho phép” từ phía Trung Quốc.

Tên gọi của cuộc triển lãm không còn bất kỳ từ ngữ nào gợi đến Mông Cổ, nơi đã trở thành miền “thảo nguyên vùng Hoa Bắc”. Nhưng tệ hại hơn cả là khi chỉ còn ba tháng trước ngày triển lãm khai mạc, một tài liệu bằng tiếng Hoa đã buộc phía Pháp phải chấp nhận một kịch bản mới cho cuộc triển lãm.

Trong tài liệu đó, Nguyên Thượng Đô (Yuan Shangdu), thủ đô của Đế Quốc Mông Cổ trở thành “thủ đô của thảo nguyên”, những yếu tố liên quan đến giao lưu văn hóa giữa Đế Quốc Mông Cổ và phương Tây hoàn toàn biến mất, trong lúc người dân Mông Cổ được gọi là “người Nguyên” hoặc được đề cập dưới cụm từ chỉ họ là “dân tộc thiểu số” ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Tính chất nghèo nàn và “đại Hán” của nội dung do Bắc Kinh áp đặt

Một học giả đã cộng tác với viện bảo tảng Nantes trong việc thiết kế cuộc triển lãm đã ghi nhận tính chất nghèo nàn về mặt khoa học của kịch bản mà Bắc Kinh áp đặt, không hề đề cập đến bất kỳ công trình nghiên cứu khoa học nào hoặc các địa điểm khai quật khảo cổ, và mang “giọng điệu thiên vị về chính trị, được viết theo quan điểm lấy người Hán làm trung tâm”.

Tức nước vỡ bờ, Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes cho biết không thể chấp nhận việc viết lại lịch sử đó. Cuộc triển lãm do đó đã bị dời lại, cho dù công việc chuẩn bị đã gần như là hoàn tất. Chỉ dời lại thôi vì Nantes sẽ hợp tác với viện Bảo Tàng Lịch sử Montreal (Canada) để tiếp tục dự án ban đầu, với các hiện vật mượn từ nơi khác. Triển lãm sẽ mở ra năm 2023 ở Québec và năm 2024 tại Nantes.

Bài học của Nantes cho Hollywood

Theo các nhà quan sát, động thái của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh công luận thế giới ngày càng bất bình trước chủ trương “diệt chủng văn hóa” mà Trung Quốc tiến hành ở Tân Cương, Tây Tạng, và bắt đầu áp dụng tại Nội Mông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng không ngần ngại gây sức ép buộc mọi đối tác nước ngoài phải nói tốt cho chế độ, tự kiểm duyệt khi đề cập đến Trung Quốc, phục tùng các đòi hỏi chính trị của Bắc Kinh.

Thái độ dứt khoát của Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes, không chấp nhận hành vi “kiểm duyệt” của Bắc Kinh, có thể là một bài học cho giới làm phim tại Hollywood chẳng hạn, vào tháng 8 vừa qua, đã bị PEN America tố cáo là đã phục tùng các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh để có thể chen chân vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn: RFI/Mai Vân

Tags:

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh