Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 4, 2024

« Liên Minh Trà Sữa » chống đảng Cộng Sản Trung Quốc


Sinh viên Thái Lan, biểu tình ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ trước sứ quan Trung Quốc tại Bangkok ngày 01/10/2020. AFP – ROMEO GACAD.

Trận Đài Loan đã bắt đầu, kiều dân Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc bắt làm con tin, giới trẻ Á châu hình thành một liên minh vì dân chủ và chống đảng Cộng Sản Trung Quốc là những chủ đề châu Á trên báo Pháp hôm nay bên cạnh hai hồ sơ đang làm nước Pháp lao đao :  đại dịch Covid-19 và khủng bố Hồi giáo ở học đường.

Trên trang nhất, Le Monde đưa hai tựa lớn mở đầu cho các bài tường thuật dài ở các trang trong : « Chính phủ đáp trả hành động khủng bố », hồ sơ đặc biệt « Damas cất giấu vũ khí hóa học trước mũi Tây phương ». La Croix và Le Figaro  chia sẻ tâm trạng bi quan của giáo chức Pháp : « Học đường đối phó theo khả năng » và « Trước áp lực của Hồi giáo cực đoan, giáo chức bày tỏ tâm trạng hoang mang ».

Đại dịch Covid ngày một lan rộng với vận tốc mãnh liệt. Mỗi nước đối phó một cách và vẫn chưa phối hợp nhịp nhàng. Bi thảm nhất vẫn là châu Mỹ đang đối mặt với đợt 3, phóng sự của Les Echos.

Giới trẻ châu Á đoàn kết lại

Với tựa nhìn qua như chuyện đùa « Liên Minh Trà Sữa vì Dân chủ ở châu Á », nhật báo Công Giáo đưa độc giả vào cội nguồn của phong trào tranh đấu từ Hồng Kông, Thái Lan cùng với tinh thần đồng tâm của Đài Loan và đồng cảnh ngộ của Việt Nam.

i, phong trào đặc biệt này vừa được Ấn Độ gia nhập, phát huy khắp châu Á. Một số nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam, bất bình Trung Quốc làm cạn khô dòng nước sông Mêkông cũng vừa nhập cuộc cùng mục tiêu chống đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Đồng khí tương cầu

Dưới bức ảnh minh họa một sinh viên Thái Lan hai tay giăng biểu ngữ « Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại » bằng tiếng Hoa và tiếng Anh , La Croix nhắc lại sự kiện Hoàng Chí Phong, lãnh tụ sinh viên Hồng Kông đến trước cơ quan đại diện ngoại giao Thái Lan tuyên bố : Ủng hộ sinh viên Thái.

Trước đó một tuần, tại Bangkok, Parit Chiwarak, lãnh tụ trẻ của phong trào tranh đấu Thái Lan trước khi bị bắt, lên án Trung Quốc áp bức và tuyên bố « liên đới với dân Hồng Kông »,  cuộc đấu tranh từ một năm nay là kim la bàn dẫn đường cho giới trẻ nổi dậy tại Thái Lan.

Còn Đài Loan là  nơi dung thân của  những nhà hoạt động Hồng Kông và Thái Lan tị nạn. Từ mẫu số chung chống độc tài, phong trào từ ba xứ châu Á họp nhau dưới một biểu tượng « Liên Minh Trà Sữa ». Trà Sữa được thế giới biết nhiều hơn là gạo, và lan nhanh như thuốc súng được châm mồi lửa mà kẻ châm lửa là Trung Quốc.

Tất cả bắt nguồn từ một hành động vụng về của tài tử phim truyện Thái Lan Vachirawit Chivaaree, vai chính trong phim tập « 2gether », rất được nhiều người mến mộ ở châu Á, kể cả ở Trung Quốc. Tháng Tư năm nay, Vachirawit Chivaaree đưa lên Twiter ảnh bốn thành phố trong đó có Hồng Kông và ghi chú : Bốn bức ảnh này đến từ bốn nước trên thế giới.  Biết sai, anh xin lỗi, nhưng hàng chục triệu dân mạng Trung Quốc không tha, dồn dập sỉ vả tác giả. Ngay lập tức, giới trẻ Hông Kông, tranh đấu chống Trung Quốc trong suốt năm 2019, lao vào cuộc chiến cứu nguy cho tài tử Thái chống trận tấn công trên mạng của Hoa lục. Rồi, thanh niên Đài Loan, luôn ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, nhập trận theo và từ đó hình thành « Liên Minh Thái-Đài-Hồng Kông.  Theo một thanh niên Hồng Kông trong cuộc,  #MilkTea Alliance ra đời nhưng không ai biết vì sao biểu tượng TRÀ được mọi người công nhân, có lẽ được « toàn cầu hóa » hơn là gạo.

Trà sữa hơi đắng tại Hồng Kông, hương vị ngọt ngào hơn tại Thái Lan và « béo » tại Đài Loan (nơi phải chiến đấu chống nguy cơ xâm chiếm của Hoa lục) nắm tay nhau thành một liên minh chính trị và bắt đầu kết nối với những nước châu Á khác đang xung khắc với Bắc Kinh. Trong chiều hướng nay, Ấn Độ vừa gia nhập. Một số nhà hoạt động Việt Nam, tố cáo các đập thủy điện Trung Quốc làm cạn kiệt dòng sông Cửu Long, cũng đã kết nối.

Từ điện thoại bảo mật, Hoàng Chí Phong tuyên bố : « Tôi sẽ tranh đấu để thành lập một phong trào liên-châu Á để bảo vệ tự do và dân chủ. Đối đầu với khổng lồ Trung Quốc, phải đoàn kết để thúc đấy xung lực, để quốc tế biết rõ cuộc tranh đấu và ủng hộ chúng ta ». La Croix kết luận : Trà Sữa – từ nay đồng nghĩa với tự do và dân chủ- đang lan dần và vượt xa những  biên giới.

Trung Quốc đã mở màn trận Đài Loan ? 

Từ nhiền tuần nay, trong lúc Mỹ lo bầu cử, quốc tế lo đại dịch, Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, động viên tinh thần quân đội bố trí tên lửa thế hệ mới, làm  như sắp đánh đến nơi. Le Monde qua một bài phân tích « Trận Đài Loan đã mở màn » đưa ra những lập luận đáng lo.

Theo nhà báo Brice Pedroletti, nguyên trạng hai bờ eo biển Đài Loan, từ năm 1996 đến nay, không còn nữa. Năm 1996,  Bill Clinton phải đưa hai hàng không mẫu hạm đến eo biển để hạ hỏa Bắc Kinh, sau khi Trung Quốc thử tên lửa chỉ cách bờ biển Đài Loan có 60 km. Vào thời điểm đó, Đài Loan đang dân chủ hóa.

Thế nhưng, Quốc Dân đảng vẫn còn mạnh tại Đài Loan, cho phép Bắc Kinh kỳ vọng vào cơ hội liên minh với kẻ thù cũ để ngăn chận khát vọng độc lập của chính quyền mới (Trần Thủy Biển). Về quyền lợi, Hoa lục được Đài Loan đầu tư và giúp kiến thức công nghiệp đổi lại hải đảo được lợi nhuận từ tăng trưởng kinh tế của Hoa lục.

Thế rồi, bây giờ thì tình hình thay đổi. Khủng hoảng lần này không như 25 năm trước. Tại Đài Loan, Quốc Dân đảng – đối tác của Bắc Kinh – suy yếu, Thái Anh Văn tái đắc cử vẻ vang. Covid-19 cho Đài Loan một cơ hội làm Bắc Kinh tức tối : thu hút được cảm tình thế giới để xin tái hội nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các định chế quốc tế khác. Chiến thuật dùng quyền lực mềm của Bắc Kinh thất bại, đa số dân Đài Loan không tự cho là người Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại với Mỹ thúc đẩy các công ty công nghiệp mũi nhon của Đài Loan rời Hoa lục để giữ khách hàng Mỹ. Hồi giữa tháng 9, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Keith Krach thăm Đài Loan là để thuyết phục tập đoàn chế tạo «chip điện tử » số một thế giới TSMC của Đài Loan tẩy chay Hoa Vi và dọn cơ sở qua Mỹ, làm Trung Quốc giận ứa gan.

Thêm vào đó, luật an ninh áp đặt tại Hồng Kông đã làm mô hình « một nước hai chế độ » mà Bắc Kinh cam kết, mất hết thực chất.

Những cuộc biểu dương lực lượng hải quân, không quân của Trung Quốc, theo chuyên gia Pháp Mathieu Duchâtel, là đòn chiến tranh cân não trước khi đổ bộ chiếm một đảo nhỏ của Đài Loan hay tấn công mạng toàn diện.

Một lý do khác làm Trung Quốc lo ngại là thái độ của giới chính trị Tây phương muốn xét lại chính sách chỉ công nhận « một nước Trung Quốc ».

Đối đầu với đe dọa của Bắc Kinh, quân đội Đài Loan đoàn kết một khối sau lưng nữ tổng thống. Đài Bắc cũng khôn ngoan tránh mọi cử chỉ khiêu khích như đổi tên « Trung Hoa Dân Quốc » thành « Đài Loan Dân Quốc », tạo cớ cho Trung Quốc ra tay.

Tuy nhiên, theo Le Monde, 24 năm sau cuộc khủng hoảng 1996, Bắc Kinh cũng đủ sức đưa hai hàng không mẫu hạm vào eo biển. Bắc Kinh cũng không còn những áp lực buộc phải kiên nhẫn bởi vì có nhiều sự kiện quan trong sắp đến như 100 năm thành lập đảng Cộng Sản vào tháng 7 năm sau.

Thêm vào đó, chung quanh Hoa lục, một liên minh trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đang hình thành nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan hay một vài đảo nhỏ nào đó, trong khi chờ đợi.

Thời Donald Trump, ngoài bốn đạo luật cho phép Washington hậu thuẫn cho những đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan và thăm viếng cấp cao, còn có hai dự luật cho phép Mỹ huy động quân đội ngăn chận mọi cuộc tấn công trực diện vào quân đội Đài Loan. Hay đánh chiếm một lãnh thổ nào đó thuộc quyền cai quản của Đài Loan.

Mỹ- Trung Quốc : viễn cảnh chiến tranh con tin

Quan hệ Mỹ-Trung cũng rất căng. Liệu kiều dân Mỹ tại Hoa lục, 70 ngàn người trước khi xảy ra khủng hoảng siêu vi tại Vũ Hán, có thể bị bắt làm con tin hay không ? Le Figaro cho rằng Bắc Kinh thừa thông minh để không đi quá trớn cho dù đã đe dọa Mỹ.

Tiếp theo lời kêu gọi của chủ tịch Tập Cận Bình kiêm tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc, động viên binh sĩ sẵn sàng « chống Mỹ xâm lược », Bắc Kinh chuẩn bị ăn miếng trả miếng với Washington, gián tiếp đe dọa sẽ bắt kiều dân Mỹ làm con tin.

Thông tin của Wall Street Journal bị Trung Quốc phủ nhận. Tuy nhiên, theo Le Figaro, sau vụ có ít nhất 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ có quan hệ với quân đội Trung Quốc bi bắt trong những tháng gần đây cũng như quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, « ổ gián điệp » theo cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc lên án Washington giả vờ làm nạn nhân.

Thực tế là trong hai năm qua, Trung Quốc bắt nhiều người Canada và Úc theo một chính sách bị thân nhân các nạn nhân lên án « là ngoại giao con tin ». Tháng 9, hai nhà báo Úc phải chạy vào sứ quán lánh nạn tránh công an « thăm hỏi », trước khi bị Trung Quốc trục xuất.

Theo một nhà phân tích độc lập tại Bắc Kinh, Trung Quốc còn chờ xem bản án đối với 5 công dân của họ như thế nào mới hạ lá bài trả đũa. Tuy nhiên, Bắc Kinh cố tránh không bắt công dân Mỹ vì biết rằng nếu quan hệ xấu đi sẽ đưa đến nhiều hệ quả khó lường.

Nguồn: RFI/Tú Anh

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh