Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Sau ngoại giao, Bộ Tứ hợp lực quân sự kiềm chế Trung Quốc


Hàng không mẫu hạm John C. Stennis CVN 74 (T) cùng các chiến hạm khác của Úc và Hoa Kỳ đang di chuyển trong vùng Vịnh. Ảnh chụp ngày 16/01/2019. AFP – JAKE GREENBERG.

Sau 13 năm vắng bóng, Úc quyết định tái nhập cuộc tập trận Malabar cùng với ba thành viên còn lại của Bộ Tứ “Quad” (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ). Quyết định của Canberra có hai ý nghĩa quan trọng : khẳng định lập trường cứng rắn hơn của Úc trước hành vi chèn ép của Trung Quốc ; thể hiện đoàn kết của Quad vì một vùng “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, mà mục tiêu nhắm đến chính là Trung Quốc.

Theo trang ThePrint (19/10) của Ấn Độ, ngay năm 2019, Úc đã được mời tham gia cuộc tập trận Malabar 2020. Tuy nhiên, quyết định chỉ được Canberra đưa ra trong cuộc họp ngày 06/10 của Bộ Tứ ở Tokyo. Lần cuối cùng Úc tham gia cuộc tập trận Malabar thường niên là vào năm 2007. Một năm sau, thủ tướng Úc lúc đó là Kevin Rudd bất ngờ rút Úc khỏi Quad do duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, quan hệ Úc-Trung Quốc không được suôn sẻ trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Úc yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như lên án hoạt động gián điệp của Bắc Kinh tại Úc. Để trả đũa, Bắc Kinh quyết định trừng phạt kinh tế, quấy rối nhà báo Úc thường trú ở Trung Quốc… Thêm vào đó, Bắc Kinh tích cực “mua chuộc” các nước nhỏ trong vùng Thái Bình Dương.

Việc Canberra đổi ý và quyết định tham gia tập trận Malabar 2020 được bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Linda Reynolds, khẳng định là cơ hội quan trọng “để tăng cường năng lực hải quân của Úc, củng cố khả năng phối hợp tác chiến với các đối tác và thể hiện quyết tâm tập thể ủng hộ một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở và thịnh vượng”.

Quyết định tham gia tập trận Malabar, do Ấn Độ khởi xướng với Hoa Kỳ từ năm 1992 (Nhật Bản tham gia từ năm 2015), còn đánh dấu một bước quan trọng trong quan hệ ngày thêm sâu sắc giữa Úc và Ấn Độ, dựa trên thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện được thủ tướng Úc Morrison và đồng nhiệm Ấn Độ Modi thống nhất ngày 04/06/2020.

Trong khi đó, Nhật Bản và Úc cũng duy trì thỏa thuận Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt. Dù không nêu đích danh Trung Quốc trong chuyến công du Tokyo ngày 19/10, bộ trưởng Quốc Phòng Úc lên án “các hành động đơn phương gây bất ổn và chèn ép”, cũng như nguy cơ “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông, thuộc vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cùng ngày, ba nước Úc, Nhật, Mỹ trong Bộ Tứ đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông nhằm đối phó với mọi tình huống.

Yếu tố Trung Quốc buộc Quad hợp lực

Từ đầu năm 2020, Trung Quốc không ngừng tập trận với cường độ và quy mô ngày càng lớn, khiến nhiều nước láng giềng lo ngại. Sau mặt trận ngoại giao, Bộ Tứ muốn thể hiện cứng rắn và đoàn kết trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực, với sự kiện gần nhất là Úc sẽ tập trận với ba nước còn lại của Quad. Ngoài ra, vẫn theo trang ThePrint, quyết định mời Úc, theo gợi ý của Mỹ, còn khẳng định Ấn Độ “đề cao Bộ Tứ, cũng như việc bốn nước sẵn sàng hợp sức tăng cường hợp tác an ninh hàng hải”.

Sau một thời gian do dự, New Delhi chính thức thông báo Úc tham gia cuộc tập trận Malabar 2020, trong bối cảnh bế tắc về cuộc xung đột với Trung Quốc ở biên giới Ladakh. Điều này cho thấy New Delhi “sẵn sàng đối mặt với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra”, theo nhận định của một sĩ quan Ấn Độ với trang ThePrint. Ấn Độ cũng khẳng định vị trí trung tâm, cũng như là “đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong thế kỷ này”, như đánh giá của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper ngày 20/10.

Cùng ngày 20/10, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, ông Stephan Biegun cho rằng Quad nên được “chính quy hóa hơn” và đến một thời điểm nào đó thì cần được “chính thức hóa”. Vì hiện tại Quad không phải là một liên minh quân sự mà chỉ là một cơ chế hợp tác giữa các chính phủ. Ý tưởng của thứ trưởng ngoại giao Mỹ được chính phủ Nhật Bản hoan nghênh.

Cuộc tập trận Malabar 2020 được tiến hành từ vịnh Bengale đến biển Oman, vào tháng 11, ngay sau Đối thoại 2+2 giữa Ấn Độ và Mỹ. Năm 2019, cuộc tập trận diễn ra ở gần bờ biển của Nhật Bản và năm 2018 là ở ngoài khơi đảo Guam, trong vùng biển Philippines.

Nguồn: RFI/Thu Hằng

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh