Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Thảo luận về kiểm soát nguy cơ đụng độ ở Biển Đông


Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, diễn ra vào ngày 16-17/11/2020 ở Hà Nội.

Các học giả tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 12, diễn ra ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 11, đưa ra các khuyến nghị về biện pháp phòng tránh đụng độ tại khu vực Biển Đông. Nhận định cho rằng nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển thời gian tới ngày càng cao do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin và nêu rõ một trong những biện pháp quan trọng được nêu lên kêu gọi các bên liên quan tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về luật Biển (UNCLOS) 1982, tham gia chấp hành các điều ước, thỏa thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro….

Một học giả đến từ Úc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES) cho cả các lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp dân sự trên biển. Tuyên bố chung về Quy tắc CUES được Trung Quốc và ASEAN đồng ý thỏa thuận hồi năm 2016. Tuy nhiên, CUES đến nay vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân.

Dự luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng được các học giả đề cập đến với quan ngại rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể được phép sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Hơn nữa, hải cảnh Trung Quốc thời gian qua đã có những hành vi gây rối, tấn công tàu thuyền của ngư dân các nước.

Trước quan ngại của những quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông về việc Trung Quốc dựa vào dự luật này để đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông, một đại biểu Trung Quốc tham gia hội thảo lên tiếng rằng đó là vấn đề nội bộ của Hoa Lục.

Có mặt tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan kêu gọi tất cả các nước tuân thủ UNCLOS và phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng khu vực và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông, phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng tiền đồn trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. Đồng thời, thúc giục tất cả các bên tuân thủ cam kết phi quân sự hóa các điểm tranh chấp, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dựa trên luật pháp quốc tế và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước thứ ba.

Nguồn: RFA

Tags:

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh