Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Thế giới sẽ không tiếp tục ngộ nhận và thỏa hiệp với ĐCSTQ


Thế giới đã ngộ nhận trong rất nhiều thập kỷ về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội nói chung và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói riêng. Sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự nhận thức của nhân loại đối với hiểm họa chủ nghĩa cộng sản ngày càng lu mờ dần. Rất nhiều quốc gia phương Tây đã ngộ nhận rằng chỉ cần thỏa hiệp, mở cửa, để cho kinh tế của các nước dưới chế độ cộng sản phát triển thì họ sẽ từ bỏ ý thức hệ. Thực tế là khi thỏa hiệp với các chế độ độc tài, phương Tây đã không chỉ hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân, mà còn “dưỡng hổ di họa”, để cho chủ nghĩa cộng sản toàn diện thâm nhập và làm ô nhiễm mọi hình thái ý thức của thế giới tự do, tạo ra một cục diện sinh tử đối với tất cả các giá trị phổ quát như đức tin, nhân quyền, đạo đức, v.v.. Đã đến lúc thế giới thức tỉnh và không tiếp tục ngộ nhận về một chính sách hòa bình với ĐCSTQ.

Sự ngộ nhận ngây thơ

Năm 1936, Edgar Snow, nhà báo 30 tuổi người Hoa Kỳ đã dành 3 tháng ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc do Hồng quân nước này kiểm soát. Ông đã có các cuộc “phỏng vấn” sâu rộng với Mao Trạch Đông và các lãnh đạo cao cấp khác của ĐCSTQ. Sau đó một năm, cuốn sách “Ngôi sao đỏ trên bầu trời Trung Quốc” (Red Star Over China) đã được xuất bản.

Cuốn sách của Snow đã được công bố lần đầu tiên tại London vào tháng 10/1937 và trở nên nổi tiếng đến mức được tái bản nhiều lần. Hàng trăm nghìn cuốn đã được bán tại Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, nó đã trở thành một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong việc làm chao đảo dư luận phương Tây về ĐCSTQ. Đó là sự kiện quan hệ công chúng thành công nhất trong lịch sử ĐCSTQ.

Cuốn sách của Edgar Snow cũng được những người cộng sản ca ngợi. Vào năm 1938, Victor A. Yakhontoff viết trên tạp chí New Masses của những người theo chủ nghĩa Marx rằng, “Với tất cả sức lực của mình, tôi muốn thúc giục các bạn đọc cuốn sách mới này của Edgar Snow.”

Mặc dù những câu chuyện trong cuốn sách của Edgar Snow đầy thiên kiến, nhưng mãi cho đến nhiều năm sau người ta mới có thể nhận ra được điều đó. Rất nhiều người, kể cả người Hoa Kỳ và Canada, đã từng một thời thần tượng Mao Trạch Đông.

Snow không đơn độc, còn có những tác giả khác, trong đó có cả các nhà báo, không chỉ phớt lờ những tàn bạo dưới thời Liên Xô và Trung Cộng mà còn bênh vực các chế độ này. Kỳ thực, đó là bởi vì rất nhiều trong số họ là những người cộng sản công khai hoặc cộng sản ngầm. Vào năm 2018, trong cuốn sách “Trong khi bạn ngủ: Bi kịch của chúng ta ở châu Á và ai đã tạo ra nó” (While You Slept: Our Tragedy in Asia and Who Made It), John T. Flynn đã viết, những bài báo đó “hoàn toàn sai trái và gây sốc và… khiến cho đất nước này rơi vào con đường dẫn đến thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử.”

Nhưng lời nói dối đã “được nhắc lại” quá nhiều, khiến nó trở thành “sự thật”. Sau khi đọc cuốn sách, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã gặp Edgar Snow 3 lần từ năm 1942 đến năm 1945. Sau đó, hầu hết các quốc gia phương Tây đã áp dụng chính sách nhân nhượng đối với Trung Cộng. Bằng cách chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, nhiều người tin rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách chính trị, điều này cuối cùng sẽ mang lại nền dân chủ cho Trung Quốc.

Nhưng điều này có xảy ra không? Kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách cực đoan và bành trướng, nhưng ĐCSTQ đã không chỉ không sụp đổ, mà còn vươn nhiều cái vòi bạch tuộc ra, thao túng rất nhiều nước phương Tây, dung dưỡng các lực lượng khủng bố, và thúc đẩy phong trào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tại các nước nghèo kém phát triển.

Thật không may, thế giới đã tạo ra rất nhiều bi kịch bên trong Trung Quốc. Không những vậy, hóa ra không phải là ĐCSTQ đã tốt lên mà là thế giới đã xấu đi.

Hiểm họa Trung Cộng

Sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ bắt đầu lộ diện. Điều đó bao gồm “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) trong các chiến lược khu vực, kế hoạch “Made in China 2025” trong chuỗi cung ứng sản xuất, ngoại giao kim tiền, và phong cách “Chiến binh sói” trong việc gây ảnh hưởng về tài chính, cùng với “Chiến tranh Không giới hạn” (Total War) và những tuyên truyền tràn lan ra nước ngoài do ĐCSTQ phát động. ĐCSTQ thực sự có tham vọng thống trị vũ đài toàn cầu.

Hồi đầu năm nay, ông Robert O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết, “Chúng ta từng tin rằng, khi Trung Quốc ngày càng giàu mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tự do hóa để đáp ứng khát vọng dân chủ ngày càng tăng của người dân… tính toán sai lầm này là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ những năm 1930.”

Trong một nhận xét vào ngày 16 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Tư pháp William Barr cảnh báo rằng tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ là vấn đề quan trọng nhất đối với thế giới trong Thế kỷ 21. Ông nói: “Trung Quốc không còn che giấu sức mạnh của mình, cũng như không che giấu thời cơ của mình… Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đang tham gia vào một cuộc chiến kinh tế. Khi Trung Quốc trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới, ĐCSTQ sẽ trở thành ‘kho vũ khí của chế độ độc tài’ của thế giới.”

Cộng đồng quốc tế đã mất vài thập kỷ để cuối cùng nhận ra bản chất thực sự của ĐCSTQ và nhận ra mối đe dọa mà nó gây ra cho thế giới tự do.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã gây ảnh hưởng của mình thông qua Liên Hợp Quốc. Vào tháng 1/2017, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất khái niệm về một “cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại”. Cụm từ này thậm chí còn được đưa vào Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian vào năm đó.

Mãi đến tháng 9/2020, do sự phản đối quyết liệt của sáu quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và Ấn Độ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã không đưa cụm từ này vào nghị quyết của khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ (UNGA 75). Những quốc gia này tin rằng cụm từ đó phản ánh nguyện vọng chính sách đối ngoại của ĐCSTQ là nhằm truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra toàn thế giới.

Cũng tại UNGA 75, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu, “Chúng ta phải truy cứu trách nhiệm quốc gia đã phát tán bệnh dịch này cho thế giới là: Trung Quốc”. Ông cũng chỉ trích ĐCSTQ vì sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã gây thiệt hại cho môi trường toàn cầu.

Trước đây, các doanh nghiệp và chính trị gia châu Âu đã lo lắng rằng họ không đủ khả năng khi mất thị trường Trung Quốc, do đó đã tự áp đặt nhiều hạn chế để không bị Bắc Kinh xa lánh. Ví dụ, họ tránh chỉ trích công khai các hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.

Nhưng mọi thứ hiện đã thay đổi đáng kể và châu Âu đang có quan điểm cứng rắn hơn đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Tại UNGA 75, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu một phái đoàn quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đến thăm Tân Cương để giải quyết những lo ngại về tình hình của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Khi Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil đến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách hủy bỏ thương vụ trị giá 5,3 triệu crown Séc với nhà sản xuất đàn piano của Séc là hãng Petrof. Nhưng điều này cũng không đe dọa nổi các quan chức Séc. Thay vào đó, Karel Komarek, một doanh nhân giàu có người Séc, đã mua 11 cây đàn piano từ đơn đặt hàng bị hủy và tặng chúng cho các trường học. Komarek cho biết, “Cộng hòa Séc là một quốc gia tự do. Đây là điều tôi đánh giá cao nhất và tôi chỉ muốn nhắc nhở người dân Séc của tôi về điều này.”

Một tổ chức khủng bố cấp nhà nước

Trong một bài báo ngày 24/11/2020 có tựa đề “Xác định ĐCSTQ là ‘tổ chức khủng bố’ ngày càng trở nên cấp thiết”, trang tin tức trực tuyến Zee News của Ấn Độ cho hay việc xác định ĐCSTQ là ‘tổ chức khủng bố’ là một yêu cầu cấp thiết vì những vi phạm nhân quyền tràn lan và sự bành trướng quyền lực riết ráo hơn bao giờ hết của nó trên phạm vi toàn cầu.

Bài báo của Zee News cho rằng nhiều nước ngày càng lo ngại về các hoạt động gián điệp và bành trướng của ĐCSTQ trên toàn thế giới. Điều khiến Hoa Kỳ quan ngại nhất là “các hoạt động trá hình của ĐCSTQ như mạng lưới Viện Khổng Tử, gian lận thương mại, đánh cắp sở hữu trí tuệ, bưng bít đợt bùng phát COVID-19 Vũ Hán gần đây”, cũng như “tin tặc, xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, gây hấn ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và khu vực Đông và Nam Biển Đông”.

Bài báo còn chỉ ra rằng, ở Trung Quốc, ĐCSTQ đang tiến hành một “cuộc thanh trừng” nhằm tiêu diệt những người bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số trên toàn quốc. “Một số báo cáo của Quốc hội, lời chứng của các lãnh đạo ĐCSTQ, và các báo cáo của các tổ chức dân sự đã phơi bày các hoạt động đẫm máu của ĐCSTQ.” Theo đó, những người tập Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ cũng trở thành mục tiêu bức hại và giam giữ trong các trại tập trung. Bài báo còn cho biết ĐCSTQ sử dụng các kênh tuyên truyền và truyền thông nhà nước để “ma quỷ hóa” và kích động công chúng thù ghét các nhóm tín ngưỡng.

Bài báo còn cho hay “Các vụ sát hại và ám sát nhắm vào những người bất đồng chính kiến là những thực tế thuyết phục cho thấy rõ hơn ĐCSTQ mang đầy đủ tính chất để gọi là một tổ chức khủng bố. Các học giả lập luận rằng các hoạt động của ĐCSTQ cũng tương tự như của Đảng Cộng sản Philippines, mà năm 2002 bị gọi là Tổ chức Khủng bố Nước ngoài. Những hành động này cũng tương tự như hành động của Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un và Syria. Vậy tại sao không thể gọi ĐCSTQ là tổ chức khủng bố?”

Trên thực tế, điều này không phải chỉ là vấn đề “nói trên báo”. Nửa sau năm 2020, Ủy ban về Nguy cơ Trung Quốc (CPDC) của Hoa Kỳ đã nhiều lần thúc giục Hoa Kỳ coi ĐCSTQ là tổ chức tội phạm quốc tế. Ngày 1/10, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Scott Perry và các nghị viên Tim Burchett và Scott DesJarlais tuyên bố đề xuất chung dự luật HR8491 yêu cầu xác định ĐCSTQ là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, phải bị truy tố, trừng phạt và loại bỏ.

Cùng với đó, ngày 7/12/2020, Hội đồng Châu Âu đã công bố thông qua phiên bản Đạo luật Magnitsky của Liên minh Châu Âu (EU), xác nhận việc thiết lập một cơ chế bảo vệ nhân quyền toàn cầu và trừng phạt các cá nhân, thực thể, tổ chức và quốc gia vi phạm nhân quyền. Đây là lần đầu tiên EU thiết lập một cơ chế chế tài, bao trùm toàn thế giới. Đồng thời EU nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy bảo vệ nhân quyền là ưu tiên được xem xét và làm cơ sở cho chính sách ngoại giao của EU.

Chế độ trừng phạt nhân quyền toàn cầu của EU dựa trên “Đạo luật về trách nhiệm giải trình nhân quyền Magnitsky toàn cầu” (The Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) của Hoa Kỳ. Dự luật đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2016 và có hiệu lực trên toàn cầu. Nó cho phép Chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt những người vi phạm nhân quyền, bằng cách đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Cho đến hiện tại, các quan chức ĐCSTQ đã trở thành đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất của Đạo luật Magnitsky. Nhiều biện pháp cấm vận quan chức ĐCSTQ đã được Hoa Kỳ thực thi, người nhà của các quan chức này cũng bị nhắm đến. Đồng thời, Hoa Kỳ còn tuyên bố siết chặt visa đối với Đảng viên ĐCSTQ.

Quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao trong lịch sử

Trung tâm Nghiên cứu Pew là nơi thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến dư luận về các vấn đề và xu hướng toàn cầu. Kể từ năm 2002, hàng năm trung tâm này đều công bố “Báo cáo Khảo sát Hình ảnh Quốc tế” về các nước công nghiệp phát triển gồm cả Trung Quốc.

Cuộc khảo sát tại 14 quốc gia mới nhất cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục kể từ khi Trung tâm bắt đầu cuộc thăm dò ý kiến về chủ đề này cách đây 18 năm. Kết quả này dựa trên khảo sát 14.276 người trưởng thành từ ngày 10/6 đến ngày 3/8/2020, ở Hoa Kỳ, Canada, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Điều đáng ngạc nhiên là những quốc gia có quan điểm tiêu cực nhất về Trung Quốc là những nước có quan hệ chặt chẽ với nước này như Nhật Bản (86%), Thụy Điển (85%) và Úc (81%).

Nhật Bản đã có quan điểm rõ ràng về việc buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19. Liên minh với Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ gần đây, cùng chuyến thăm của Thủ tướng Suga tới Ấn Độ đều phản ánh sự mất lòng tin sâu sắc của Nhật Bản đối với ĐCSTQ. Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đề xuất đầu tư 243,5 tỷ yên (2,2 tỷ USD) để giúp các công ty rời sản xuất khỏi Trung Quốc.

Phản ứng của Thụy Điển thậm chí còn cứng rắn hơn. Vào ngày 20/10/2020, dựa theo lời khuyên từ các lực lượng vũ trang và cơ quan an ninh của Thụy Điển, nước này đã chính thức cấm hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE khỏi các mạng di động 5G của họ. Nước này trở thành quốc gia EU đầu tiên cắt đứt hoàn toàn khỏi các công ty viễn thông Trung Quốc. Điều đặc biệt đáng chú ý là Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ nhiều thập kỷ trước. Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu đã được thành lập tại Thụy Điển vào năm 2014.

Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Trung Quốc đổ lỗi cho việc mối quan hệ ngày càng trở nên tồi tệ là do Úc chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương, vận động hành lang để Đài Loan được gia nhập WHO, kêu gọi một cuộc đánh giá quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus corona, v.v..

Trong những năm gần đây, các quốc gia EU có xu hướng có quan điểm tiêu cực cao về Trung Quốc bao gồm Đức (71%), Anh (74%) và Pháp (70%). Các chính sách đối ngoại mới của họ đối với Trung Quốc cũng bắt đầu phản ánh quan điểm đó. Nhiều quốc gia đã nhận ra rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc có thể nguy hiểm. Ví dụ, Trung Quốc là nhà sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế lớn nhất, do đó nó đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng y tế toàn cầu. Vậy mà, trong đại dịch này, Trung Quốc đã trốn tránh trách nhiệm của mình và thực hiện chính sách “ngoại giao khẩu trang”.

Tách khỏi Trung Quốc

Ngày 19/10/2020 vừa qua, tại Hội nghị của các Doanh nghiệp Đức ở châu Á – Thái Bình Dương (APK), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục các công ty Đức tìm kiếm thị trường mới và trở nên đa dạng hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương dù không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông kêu gọi các công ty Đức tránh phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng duy nhất, trích dẫn sự bùng phát COVID-19 là một ví dụ về rủi ro khi phụ thuộc vào một chuỗi duy nhất.

Vào đầu tháng 10, chính phủ Đức đã công bố kế hoạch thông qua Đạo luật An ninh Truyền thông, đạo luật này sẽ yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị viễn thông phải vượt qua các đánh giá kỹ thuật và chính trị. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Huawei sẽ không thể vượt qua được đánh giá này một khi dự luật có hiệu lực.

Ngoài ra, sau khi cấm Huawei, Anh đã ký một thỏa thuận với NEC để phát triển mạng di động 5G. Ý cũng cấm thiết bị của Huawei trong mạng của mình. Vào ngày 23/10, Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận bảo mật 5G với Bulgaria, Bắc Macedonia và Kosovo như một phần của sáng kiến “Mạng sạch.”

Trong vài thập kỷ qua, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong nền kinh tế thế giới đã giúp Trung Quốc phát triển vượt bậc. Giờ đây, nhiều công ty nước ngoài góp phần vào sự thịnh vượng đó đang tìm cách rút khỏi Trung Quốc.

Theo khảo sát mới nhất của Standard Chartered đối với phần lớn các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc ở Bay Area, 43% doanh nghiệp đang xem xét nghiêm túc việc rời khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch, trong khi 25% doanh nghiệp khác đang cân nhắc vì các lý do khác.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp vì khả năng sản xuất đa dạng và lợi thế về lao động. Nhiều công ty lớn như Philips, Samsung, Nokia, Sony, Seagate, v.v., đã đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ và các nơi khác.

Theo Minghui.org
Minh Nhật @TrithucVN tổng hợp

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh