Thế giới không thể để những người hùng Hồng Kông bị rơi vào quên lãng
Posted by Luu HoanPho, Dec 18, 2020, Comments Off
Trên 10.000 người đã bị bắt tại Hồng Kông trong 18 tháng qua vì đấu tranh cho dân chủ, trong đó 2.300 người bị truy tố. « Luật an ninh quốc gia » còn là phương tiện để ngăn cản tiết lộ sự thật về dịch bệnh ở Vũ Hán. Đối với Bắc Kinh, nhìn nhận trách nhiệm gây ra đại dịch là đi ngược lại với tính chất của chế độ cộng sản, được cho là bất khả chiến bại.
Thierry Wolton trên trang Ý kiến của Le Figaro kêu gọi « Xin đừng quên những người anh hùng của Hồng Kông ».
Việc Trung Quốc bóp nghẹt Hồng Kông diễn ra trong khi thế giới hầu như không quan tâm đến, vì phải tập trung đối phó với con virus xuất phát từ Vũ Hán. Trong lúc còn được tự trị, cựu thuộc địa Anh là nguồn thông tin độc lập và trung thực về Hoa lục, và « luật an ninh quốc gia » có hiệu lực từ ngày 01/07 còn là phương tiện để ngăn cản tiết lộ sự thật về đại dịch.
Cáo buộc « thông đồng với nước ngoài » hôm 11/12 nhắm vào nhà tỉ phú Lê Trí Anh, chủ nhân báo Apple Daily, khẳng định quyết tâm khóa chặt thông tin của Bắc Kinh. Theo luật mới, ông có nguy cơ lãnh án chung thân. Các khuôn mặt nổi bật của phong trào sinh viên trong « Mùa Xuân Hồng Kông » như Hoàng Chi Phong, Chu Đình cũng đã vào tù. Các thanh niên vô cùng can đảm này khiến người ta nhớ lại các nhà ly khai Liên Xô cũ trong ngục tù cộng sản. Trước khi bị biệt giam, Hoàng Chi Phong tuyên bố « Xà lim không thể giam giữ được tâm trí ».
Trên 10.000 người đã bị bắt tại Hồng Kông trong 18 tháng qua vì đấu tranh cho dân chủ. Chính quyền mở đường dây nóng trên internet để tố cáo các dạng « ly khai », « nổi dậy », « thông đồng »…Một dân biểu đối lập gọi đây là « Cách mạng văn hóa 2.0 ». Tại Nghị Viện, không còn một dân biểu nào thuộc phe dân chủ, tất cả đã từ chức sau vụ bốn dân biểu đối lập bị loại. Ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch, năm, sáu nhà báo công dân bị bắt, Trần Thu Thực (Chen Quishi), youtuber tác giả nhiều phóng sự về các bệnh viện Vũ Hán trong thời kỳ đầu dịch khởi phát đã bị giam ở một nơi bí mật suốt một năm qua.
Hồng Kông : Hàng loạt người biểu tình đòi dân chủ ra tòa
Libération trong bài « Hồng Kông, các nhà đấu tranh dân chủ ra tòa » ghi nhận dù là nhà hoạt động hay chỉ đơn giản là người đi biểu tình, khoảng 2.300 người đã bị khởi tố.
Cựu dân biểu Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) tố cáo trước tòa : « Tập hợp một cách hòa bình không phải là tội phạm, đàn áp chính trị thật đáng xấu hổ ». Ông ra tòa với bảy người khác, tất cả có thể lãnh án tù giam. Ngoài các khuôn mặt nổi tiếng đã bị kết án nặng, những người biểu tình một khi được trắng án thì lại bị cơ quan chức năng kháng cáo.
Phương Trọng Hiền (Keith Fong), lãnh đạo sinh viên ở trường đại học Báp-tít có nguy cơ lãnh án đến 7 năm tù chỉ vì sở hữu 10 cây bút laser. Trường hợp Đàm Đắc Chí (Tam Tak Chi) đáng lo hơn vì tháng Năm tới sẽ bị đưa ra một tòa án đặc biệt chuyên xử các vụ liên quan luật an ninh, các thẩm phán không bị luật pháp Hồng Kông chi phối. Anh bị nghi ngờ là đã đưa ra câu khẩu hiệu « Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại ».
Phong tỏa tài khoản của người đấu tranh
Để cản trở các hoạt động đấu tranh, chính quyền dùng đến đòn phong tỏa tài khoản. Cựu dân biểu Hứa Tri Phong (Ted Hui) sau khi thoát được sang Anh ngày 05/12, hai ngày sau năm tài khoản ngân hàng của ông và người thân tại Hoa lục đã bị khóa.
Ngày 09/12, tài khoản của mục sư nhà thờ Good Neighbour North District vốn luôn trợ giúp người biểu tình, cũng chịu số phận tương tự. Các tội danh « rửa tiền », « lũng đoạn chứng khoán » bị áp đặt cho một người dẫn chương trình phát thanh đã giúp đỡ người biểu tình trốn sang Đài Loan và một số nhà hoạt động khác.
Theo cơ quan an ninh, 1,8 tỉ đô la Hồng Kông (190 triệu euro) đã bị phong tỏa và tịch biên trong các vụ án rửa tiền từ 2014 đến 2019, trong đó có một số là tiền ủng hộ phe dân chủ. Chính quyền nhắm vào quỹ huy động vốn cộng đồng (crowdfunding), những món tiền do nhiều người cùng đóng góp để tài trợ cho chi phí pháp lý, khám bệnh đối với người biểu tình bị bắt và cho tuyên truyền. Tháng 12/2019, cảnh sát đã phong tỏa hơn 70 triệu đô la quỹ Spark Alliance dùng để đóng tiền thế chân tại ngoại cho người đấu tranh.
Giới trẻ tranh đấu quay sang dùng Patreon, một nền tảng đặt tại San Francisco hồi tháng Bảy đã hứa sẽ không nhượng bộ chính quyền Hồng Kông. Ngoài ra còn một giá trị bền vững khác : tặng tiền mặt. Dù sao thì đây cũng là giải pháp hiện nay của bà trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) : đứng trước một núi tiền mặt vì bị Mỹ cấm vận.
Chính quyền cộng sản không bao giờ nhận trách nhiệm làm xảy ra đại dịch
Việc CNN và Washington Post công bố một bản báo cáo mật về việc quản lý khủng hoảng ở tỉnh Hồ Bắc, cho thấy chính quyền cố ý giảm nhẹ tầm cỡ đại dịch và số lượng nạn nhân. Do Úc đòi điều tra quốc tế về nguồn gốc con virus, Trung Quốc trả đũa Canberra bằng cách bắt giam công dân Úc, ngưng mua hàng, áp thuế…
Bộ máy tuyên truyền còn lu loa rằng virus corona xuất xứ từ nước ngoài, và quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm. Đối với Bắc Kinh, nhìn nhận trách nhiệm gây ra đại dịch là đi ngược lại với tính chất của chế độ cộng sản được cho là bất khả chiến bại.
Do tố cáo việc xâm lăng Tiệp Khắc, bảy nhà ly khai Liên Xô biểu tình trên Quảng trường Đỏ ngày 25/08/1968 với băng-rôn « Vì tự do của các bạn và của chúng ta ». Tất cả đều bị bắt bỏ tù hay tống vào nhà thương điên. « Vì tự do của họ và của chúng ta » phải là khẩu hiệu ủng hộ cho dân chủ Hồng Kông, theo tác giả. Trong một thế giới đan xen phức tạp mà Trung Quốc muốn là kẻ thống trị, những gì đang diễn ra tại mảnh đất nhỏ châu Á cũng liên quan đến tương lai của phương Tây.
Nguồn: RFI/Thụy My